Phóng to |
Nhà văn Vương Hiểu Phương - Ảnh: AFP |
Ông từng là thư ký riêng của phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương Mã Hướng Đông và có kinh nghiệm hàng chục năm trong “nghề” công chức. Sau khi vụ án “Mã Hướng Đông và các canh bạc triệu đô” tạo nên chấn động lớn ở Trung Quốc, Vương từ bỏ sự nghiệp chính trị và quyết tâm chống tham nhũng bằng chính ngòi bút của mình.
Cú sốc lớn nhất khiến Vương Hiểu Phương dấn thân vào nghiệp văn chương là khi ông chứng kiến hình ảnh được ghi lại trước khi quan tham Mã Hướng Đông bị xử tử. Nhìn ánh mắt tuyệt vọng của tên quan tham nhũng từng lừng lẫy một thời, Vương viết liền một mạch 10.000 chữ. Sau này đoạn văn ấy trở thành đoạn khơi mào cho tiểu thuyết gây tiếng vang lớn Thư ký thị trưởng.
Làm thư ký cho quan tham
“Tôi đã từng nhiều năm kinh qua các công việc trong chính phủ, tích lũy vào văn học nhiều ngóc ngách cuộc sống. Những khắc khoải trong địa ngục của vụ án tham nhũng kinh thiên động địa ấy có lẽ là gia tài quý nhất trong cuộc sống của tôi” - nhà văn Vương Hiểu Phương chia sẻ trên tuần san Nhân Vật Nam Phương.
Có người gọi ông là người mở đầu cho dòng tiểu thuyết văn hóa chính trị Trung Quốc, có người gọi ông là người lột trần linh hồn công chức trên văn đàn. Nhưng độc giả vẫn quen gọi ông bằng một cái tên trực tiếp và ít hoa mỹ hơn: nhà văn chống tham nhũng. Sinh ra và lớn lên tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Vương từng phải làm nghề kéo xe tay khi thi trượt đại học vào năm 1981. Cậu học trò Vương hiểu rằng chỉ khi có được những mối quan hệ tốt đẹp thì mới có thể thay đổi vận mệnh.
Hai năm sau, Vương thi đậu khoa vật lý Trường đại học Liêu Ninh và bắt đầu tham gia một “chính trường thu nhỏ” khi trở thành hội trưởng hội sinh viên của khoa. Vương tốt nghiệp cao học vật lý năm 1991 và được đề bạt làm thư ký riêng của phó thị trưởng thành phố Thẩm Dương Mã Hướng Đông năm 1997. Vương hiểu rằng mình đang tiến rất gần đến quyền lực cấp cao và mọi thứ đều có cái giá của nó.
Trong một bài phỏng vấn với tuần san Nhân Vật Nam Phương, ông bộc bạch rằng mình hiểu được “luật chơi” trong chốn quan trường khi còn làm “quan học sinh” thời đại học. “Tôi biết muốn làm chủ tịch hội sinh viên của khoa thì phải tạo mối quan hệ tốt với bí thư đảng bộ, phải luôn miệng khen ngợi lãnh đạo, phải biết tung hô cấp trên”. Đó là bài học đầu tiên sinh viên Vương học được để tồn tại ở chính trường đầy lắt léo.
Bàn thắng đẹp mắt đầu tiên của thư ký Vương với quan tham họ Mã là giúp Mã đỗ đầu trong một cuộc thi tuyển vào lớp học của các quan chức cấp cao tại Trường Đảng trung ương. Vương giúp Mã làm bài tập làm Mã mát mặt với thành tích dẫn đầu lớp học. Sau này, khi vụ án tham nhũng Mã Hướng Đông vỡ lở, người ta mới biết rằng trong thời gian “học”, Mã vung tay hàng triệu USD tiền công quỹ nhà nước vào các canh bạc “đế vương” ở Macau.
Vương đã nhiều lần khuyên nhủ Mã nhưng luôn nhận lại những lời đe dọa cách chức từ cấp trên. Có lần thư ký Vương còn buộc phải tiếp tay cho tham nhũng. Vương cho biết ông từng chuyển một bọc đồ cho Mã Hướng Đông từ tay xã hội đen khét tiếng Lưu Dũng (bị tuyên án tử hình). Sau này, Vương mới biết rằng bọc đồ ấy chứa số tiền hối lộ 20.000 USD.
Mặc dù không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án tham nhũng của Mã nhưng Vương vẫn xin từ chức để theo nghiệp văn chương. Ông hiện là thành viên Hội Tác gia Trung Quốc và đã xuất bản 13 tiểu thuyết chống tham nhũng. Tác phẩm tiêu biểu như Vòng xoáy trí mạng, Thư ký thị trưởng, Bản sắc thiếu niên... Cuốn Ghi chép của công chức xuất bản tại Trung Quốc năm 2009 đã được dịch ra tiếng Anh vào tháng 9-2012.
Văn học không đủ sức chống tham nhũng
Nhà văn Vương từng khắc khoải khi sa vào vũng lầy tham nhũng. Nhật Báo Quảng Châu dẫn lời ông thuật lại: “Trong lúc chịu đựng, tôi đã chọn văn chương để tự cứu mình! Chỉ cần biết được phương hướng đó là đúng, tôi sẽ không tiếc sức đi về phía trước”. Ông chia sẻ: “Không theo tham nhũng sẽ mất tín nhiệm với cấp trên, còn như chấp nhận tham nhũng (đối với ông) là điều hoàn toàn không thể”.
“Trên thực tế, ở Trung Quốc có rất nhiều người căm phẫn tham nhũng nhưng không dám đấu tranh trực diện với nó. Những người như vậy trên quan trường rất nhiều. Đây là đặc điểm của thành phần trí thức Trung Quốc. Họ đều có chí trị quốc bình thiên hạ, muốn làm việc lớn, có lý tưởng, có khát vọng nhưng đồng thời lại lo chuyện được mất, sĩ diện, tự tôn tự đại, coi trọng danh lợi” - Vương khẳng định.
Vương tự hào: “Các quan chức từ cấp cục trở lên trong thành phố đều đọc đi đọc lại tác phẩm Vòng xoáy trí mạng của tôi để tìm xem liệu có dáng dấp của mình trong tác phẩm hay không”. Dù các tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao, tạo làn sóng mới trong dư luận Trung Quốc, ông vẫn cay đắng thừa nhận: “Văn học không đủ sức chống tham nhũng”.
Theo Vương, con người không bao giờ “tự mình tiết chế sự suy đồi của chính mình”, nhất là trong trường hợp họ phải sống trong một môi trường đầy rẫy tham nhũng, ai không tham thì mất tín nhiệm và mất luôn chén cơm. “Trung Quốc cần tiếp tục tiến lên phía trước, cần thiết nhất là thiết lập một thể chế chính trị dân chủ. Nếu không xử lý tốt việc này, vấn đề tham nhũng khó mà giải quyết triệt để. Không có sự dân chủ thật sự sẽ không có xã hội chủ nghĩa thật sự” - báo Nhân Dân Luận Đàm dẫn lời ông.
“... Không phải công chức không thể nói “không” mà là họ không dám nói “không”! Thử nghĩ xem, ai không lo đến con đường hoạn lộ của mình mà lại mạo hiểm nói “không”... Trên quan trường có tìm mỏi mắt cũng không được một người nói thật lòng mình. Bởi lẽ vì tiền đồ, họ phải tự áp chế tiếng nói riêng của mình... Trên quan trường không hề có tình hữu nghị, tất cả chỉ là đồng minh có chung lợi ích. ...Nếu không có người cất nhắc, cho dù có bản lĩnh thiên tài anh cũng chẳng ích chi... Muốn có tương lai, điều quan trọng nhất không phải năng lực mà là phải “phò” đúng người... Một khi ý thức được mình đã “thờ sai vua” thì có hối hận cũng không kịp... Nhiều người vì muốn leo lên cao đã không tiếc chuyện tự hạ thấp mình, thậm chí mất khả năng nhìn nhận. “Tầm thường” đã trở thành lối sống của họ. ...Chính trị là một lĩnh vực đầy xấu xa... Anh luôn phải thủ sẵn một con dao, thậm chí là đối với cấp trên của mình... Một văn phòng cỏn con, nhưng đó là sân khấu của cả đời người. Tất cả những vui, giận, yêu thương, thích, bi thương, sợ hãi đều diễn ra trên sân khấu này. Nếu bạn không tin, thử làm công chức xem”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận