Phóng to |
Các bạn trẻ thuộc Đoàn cơ sở Thanh tra TP.HCM với công trình thanh niên “Quy trình nhanh, thủ tục gọn” tham gia cải cách hành chính phục vụ nhân dân - Ảnh: K.ANH |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về kế hoạch của Thành ủy TP.HCM thực hiện chỉ thị nói trên, bà THÂN THỊ THƯ - ủy viên Ban thường vụ, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP, trưởng bộ phận giúp việc thực hiện kế hoạch - nhấn mạnh:
- Thực hiện kế hoạch lần này cần hết sức chú ý là phải hướng đến người dân và vai trò của dân, bởi đây là điều cốt lõi, quan trọng bậc nhất. Mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý nhà nước hay trong mọi quyết sách đều phải vì mục tiêu phục vụ và coi trọng lợi ích của dân.
Một trong những biện pháp đảm bảo tính thiết thực của kế hoạch, trung ương yêu cầu phải quy định rõ trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên. Đồng thời xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức Đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên.
* Vì sao việc xác định trách nhiệm đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu được hết sức coi trọng trong bối cảnh hiện nay, thưa bà?
"Cần hướng dẫn giới trẻ tình yêu thương con người, lòng vị tha, biết sống vì mọi người. Rất cần giáo dục tình cảm cách mạng và truyền thống của dân tộc, của gia đình cho giới trẻ. Giới trẻ cần có cảm xúc. Sự quan tâm giáo dục con cái, xây dựng nền tảng đạo đức trong từng gia đình cũng là việc không được coi nhẹ trong bối cảnh xã hội có nhiều biến chuyển như hiện nay, nhiều tác động xấu dễ lấn át cái thiện, cái mỹ" |
Không thể có chuyện anh phát động mọi người thực hành tiết kiệm nhưng bản thân anh không tiết kiệm. Vậy thì làm sao nói người khác nghe! Là cán bộ chủ chốt, đứng đầu luôn đưa yêu cầu chống tiêu cực, các biểu hiện sai trái, nhưng bản thân anh có nhiều dư luận không tốt, có những biểu hiện thiếu công khai, minh bạch trong quan hệ công việc và với xã hội bên ngoài, thì làm sao nói được người khác phải gương mẫu, trong sạch, hết lòng hết sức với công việc!
* Thưa bà, nhiều bạn trẻ khát khao muốn thể hiện nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, trong sáng, có hoài bão... nhưng các bạn cũng nhìn thấy ở một bộ phận trong lớp đi trước thiếu gương mẫu, dính đến những vụ tiêu cực gây mất lòng tin.
- Trước hết phải khẳng định với nhau trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có rất nhiều tấm gương tận tụy, hết lòng phục vụ, góp phần cho sự phát triển của TP. Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những người chưa thật sự gương mẫu, thoái hóa, biến chất, có nhiều biểu hiện tiêu cực. Cũng có người nói rất nhiều nhưng thực tế không làm như những gì đã nói. Hiện còn không ít những biểu hiện này, có thể nói ở lĩnh vực nào cũng có.
Do vậy, yêu cầu hàng đầu của việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là việc đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để lấy lại niềm tin và củng cố niềm tin trong dân cũng như trong giới trẻ nói riêng.
Còn nhiều việc khiến các bạn trẻ rất trăn trở, song từ phía các bạn cần suy nghĩ về bản thân mình và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực như sống buông thả, đua đòi; thiếu hăng hái trong lao động, học tập; sống ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác... Giới trẻ cũng cần mạnh dạn lên tiếng, ý thức trách nhiệm đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, sai trái xung quanh mình.
* Theo bà, những biểu hiện đáng lo nào về khía cạnh đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được cho là ảnh hưởng tiêu cực, làm lung lay niềm tin, cần đấu tranh loại bỏ như bà vừa nói?
- Tôi thấy điều này biểu hiện ở nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực liên quan nhiều đến cuộc sống người dân. Chính vì vậy mà trên thực tế vẫn còn những biểu hiện gây phiền hà, thiếu quan tâm đến cuộc sống người dân. Trong cải cách hành chính, có nhiều nơi nói tỉ lệ hài lòng của người dân cao, có nơi đạt 100%, liệu có tin được không? Nói kiểu nào đó, nếu không khéo sẽ trở thành nói dối, không đúng thực tế và không đủ dũng khí nhìn nhận thực tế, điều đó cũng khiến người dân nghi ngại.
Chính vì vậy, đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng nhằm vào mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức, đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, sai trái... Nhưng điều này phải trở thành ý thức tự giác, còn làm kiểu hành chính sẽ khó mang lại hiệu quả cao. Yêu cầu này khó nhưng cần phải làm kiên trì, lâu dài, kiểu “mưa dầm thấm lâu” để trở thành ý thức tự giác mới có thể tạo chuyển biến căn bản được.
* Một số ý kiến của các học giả cho rằng cần xây dựng những tấm gương để nhân lên cái thiện, cái mỹ trong xã hội và tạo lan tỏa tích cực, nhưng nếu không có biện pháp cứng rắn, xử lý nghiêm khắc những tiêu cực, sai trái thì lòng tin sẽ tiếp tục bị cái xấu gặm nhấm?
- Theo tôi, điều quan trọng hàng đầu trong những lúc này là làm sao có được lòng tin ở người dân, sự đồng thuận cao trong xã hội thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. Bác Hồ đã dạy chúng ta “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Chính vì vậy mà “chất nhân dân” trong kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của giai đoạn này được hết sức coi trọng.
Một mặt cán bộ đảng viên phải ý thức giữ gìn tư cách, phẩm chất của mình. Một mặt người lãnh đạo, người đứng đầu phải gương mẫu, cương quyết trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, sai trái. Nếu không xử lý cương quyết là nói không đi đôi với làm, cũng là không gương mẫu. Đại hội XI của Đảng vừa qua thảo luận rất nhiều về các loại “chạy”đã gây bức xúc xã hội, trong đó có “chạy chức”, “chạy quyền”... nhưng xử lý như thế nào đang còn là điều băn khoăn của nhiều người, bởi ít thấy có trường hợp nào bị xử lý vì tội “chạy”.
* Xin cảm ơn bà!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận