Phóng to |
Bà Sáu Sậu (trái) và bà Thu nói chuyện điện thoại với bà Mẫn ở đầu dây bên kia trong cuộc hội ngộ bất ngờ - Ảnh: Gia Tiến |
Rút trong giỏ xách tờ báo Tuổi Trẻ ngày 8-7, ngón tay người phụ nữ run run chỉ vào bài “Đi tìm người dưng”, một tay lần túi áo lấy tấm thẻ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu: “Tôi là Từ Thị Sáu, ở nhà gọi là Sáu Sậu. Tôi là em của chị Mẫn...”.
Đúng là thông tin mà chúng tôi chờ đợi đã một tuần nay, chị Thu chờ ba năm và chị Mẫn ở bên kia nửa vòng trái đất thì đã trông đợi gần 42 năm. Xác minh lại lần nữa, tôi lần lượt đặt lên bàn từng tấm ảnh có được: “Chị nhận ra ai đây không?”, “Có. Ba tôi, Từ Văn Lến. Mẹ tôi, Lê Thị Nương. Đây là chị Mẫn, đây là Út Chín, còn đây là tôi chớ ai...”.
Trong những tấm ảnh chúng tôi có được do chị Mẫn gửi về từ Mỹ, Sáu Sậu là một cô bé gầy, đen, gương mặt buồn nhưng cũng không kém phần lém lỉnh, nhí nhảnh của tuổi 16. Mấy mươi năm đã qua, bà Từ Thị Sáu trước mặt tôi hôm nay lam lũ từ dáng đi, dáng ngồi, những giọt nước mắt bắt đầu tràn ra trên gương mặt sạm nắng đầy những vết nhăn khắc khổ.
Bà sụt sùi kể chuyện gia đình: Năm 1972, sau khi chị Mẫn lấy chồng đi Mỹ, sau đó gửi về được một số tiền nhỏ. Mẹ đưa cả sáu anh chị em về quê ngoại ở Cà Mau làm ruộng. Rồi mẹ mất. Sáu Sậu lấy chồng, trở lại Sài Gòn với chiếc xe đẩy trái cây rong ruổi khắp phố phường, gánh nặng khó nghèo vẫn đè trên vai cho tới bây giờ khi đã trở thành bà ngoại.
Bà lau nước mắt: “Chúng tôi đã hai lần xuống Tam Hiệp, Biên Hòa tìm chị Đào, bạn chị Mẫn, để hỏi tin tức nhưng chị ấy đã sang Campuchia sinh sống. Chồng tôi có bà dì sống ở Mỹ, tôi có nhờ tìm kiếm cũng không thấy...”. Nhưng cũng nhờ vậy mà gia đình chồng biết câu chuyện của gia đình bà, và tuần rồi chính chị chồng đã đọc được bài báo...
Tôi gọi điện cho bà Nguyễn Phương Thu - người đã đến báo Tuổi Trẻ nhờ giúp bà Mẫn tìm người thân - báo tin vui. Vừa nghe tin, bà hấp tấp bỏ bữa cơm trưa chạy đến. Chưa một lần biết nhau, vậy mà vừa vào cửa, nhìn thấy bà Sáu, bà Thu đã rớm nước mắt: “Khuôn mặt bà ấy giống chị Mẫn ở trong tấm hình”. Rồi bà Thu lại lập cập tìm điện thoại: “Để tôi gọi ngay cho chị Mẫn...”.
Cuộc hội ngộ qua điện thoại thấm đẫm nước mắt. Bà Sáu run run cầm chiếc điện thoại: “Chị Mẫn hả, em đây, em là Sáu Sậu đây. Em không ngờ chị còn sống...”. Bên kia là những câu hỏi dồn dập, bà Sáu vừa lau nước mắt vừa trả lời: “Má mất ở Cà Mau. Anh Năm đi bộ đội rồi mất, thằng Bảy, thằng Tám bệnh cũng mất. Nhà mình chỉ còn anh Ba ở Cà Mau, Út Chín ở Cần Thơ và em ở Sài Gòn thôi, đều nghèo hết. Giờ có thêm chị nữa, ráng về thăm em một lần đi”. Câu chuyện chắp nối giữa những tiếng nấc nghẹn. Bà Thu ngồi cạnh mỉm cười mãn nguyện. Chuyện “đi tìm người dưng” mà bà không tiếc công tiếc sức suốt ba năm nay cuối cùng đã kết thúc có hậu.
Chiếc điện thoại được chuyển sang, bà Thu vội vã nói: “Chúc mừng chị Mẫn nhé. Tôi mừng quá. Tôi sẽ báo với các chị bạn tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục giúp chị”.
Điện thoại được chuyển qua cho tôi. Đầu dây bên kia bà Mẫn đang nấc: “Mừng quá. Tôi tìm được gia đình rồi, không biết nói gì nữa. Nhờ cô gửi giúp mấy tấm ảnh để tôi được nhìn mặt em tôi...”.
Bà Thu lại cầm điện thoại, chỉ dẫn cặn kẽ cho bà Mẫn cách gọi điện thoại cho em gái, cách liên hệ làm passport, xin visa và hứa sẽ nhờ bạn bè đặt giúp vé máy bay về Việt Nam...
Câu chuyện thật lạ lùng và khó tin, nhất là khi biết bà Thu cũng chưa đến nước Mỹ lần nào, nhưng lại vẫn cứ tự nhiên diễn ra như nó đương nhiên phải thế. Cất điện thoại, bà Thu nắm tay bà Sáu Sậu kéo đi ăn trưa. Câu chuyện giữa những người phụ nữ lại tiếp tục với những thăng trầm của cuộc đời. Từ những người dưng, thoáng chốc họ đã thành người thân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận