27/09/2020 11:21 GMT+7

Người điên nổi tiếng ở Hội An và người mẹ già 50 năm theo bước chân con

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) có một người đàn ông điên nổi tiếng tới nỗi ngày nào không thấy ông ở các ngả đường, bà con lại thấy thiếu. Năm nay ông 53 tuổi, cũng là chừng ấy năm một người mẹ già luôn lẽo đẽo theo ông để chăm bẵm.

Người điên nổi tiếng ở Hội An và người mẹ già 50 năm theo bước chân con - Ảnh 1.

Ông “Tùng điên” cùng người mẹ với lòng hi sinh vì con vô bờ bến đã trở nên thân thuộc, “đi vào tiềm thức” với dân Hội An - Ảnh: T.B.D

Tuần trước, khi cơn bão số 5 ập đến, phố phường ướt sũng dưới mưa, người phụ nữ già liêu xiêu, trên tay chiếc giỏ xách đựng cơm, chai nước uống đi qua những con phố hớt hải: "Tùng ơi... Tùng ở đâu? Bà con có ai thấy thằng Tùng nó đâu không?". 

Người phụ nữ đó là cụ Nguyễn Thị Dy, và người con trai điên được người từ nhỏ tới lớn ở Hội An đều biết là Đỗ Thanh Tùng, 53 tuổi, nhà ở số 29 Nguyễn Phúc Tần, phường Minh An, Hội An.

50 năm mang cơm nước theo chân con

Chúng tôi theo chân cụ Dy tìm về căn nhà cũ của cụ nằm ở sâu bên kia bờ nam phố cổ. Căn nhà cấp 4 ở số 29 Nguyễn Phúc Tần ẩm ướt và tối om, cụ Dy sống ở đó cùng ông Tùng và người con trai út là ông Đỗ Thành Sơn. Cụ Dy đã qua tuổi 85, khuôn mặt chi chít vết chân chim, nếp nhăn hằn hiện vì tuổi tác và nỗi khắc khổ.

Cụ Dy là dân gốc Hội An. Cụ lấy chồng rồi sinh được 7 người con, 6 người đều lành lặn và đến nay đều ổn định cuộc sống, riêng Tùng thì không hiểu sao lại bị điên. Chúng tôi cố hỏi chuyện nhưng phải ghé vào tai cụ hét thật to thì cụ mới có thể trả lời. 

"Nó bị điên điên khùng khùng vậy từ lúc lên 2-3 tuổi gì đó mà tui cũng chẳng hiểu lý do vì sao. Mấy chục năm nay cứ theo nó từng bước, sợ nó đi rồi té xuống sông chết oan thì tội. Tui thương nó lắm" - cụ Dy nói.

Ông Đỗ Thành Sơn (46 tuổi) - con út của cụ Dy - cho biết vì ông Tùng bị điên nên không thể tự mình làm được việc gì. Lúc ông Tùng còn nhỏ, gia đình đã cố tìm bác sĩ giỏi, thậm chí nhờ các đoàn chuyên gia của nước ngoài trong các lần qua Hội An làm từ thiện để can thiệp, chẩn bệnh nhưng mọi nỗ lực đều đi vào ngõ cụt. Cái biệt danh "Tùng điên", "Tùng khùng" đã nổi tiếng tới nỗi "đi vào tiềm thức" nhiều người dân phố cổ Hội An.

Cụ Dy nói rằng lúc các con còn nhỏ, Tùng được mấy anh chị phụ mẹ quản lý, cho ở trong nhà vì sợ đi ra ngoài không tự chủ được thì nguy hiểm. Nhưng lần lượt các con lớn và lập gia đình, chỉ còn lại cụ vừa một tay đi làm công, vừa một tay chăm sóc, theo từng bước chân Tùng chẳng khác gì cảnh mẹ già chăm con mọn.

"Nó không nói được, không nghe được, không tự làm được bất cứ việc gì. Đói bụng cũng không biết đường tìm về ăn, muốn đi vệ sinh thì bậy đâu xả ở đó, quần áo thì lúc mặc lúc không. Thấy ai cũng ứ ừ lên rồi cười ngây ngô như đứa trẻ. Cho nên mấy chục năm nay tui phải vừa đi kiếm tiền, vừa theo nó từng bước" - cụ Dy nói.

Hành trình chưa một ngày dừng lại

Cụ Dy sống một cuộc đời lam lũ và khổ cực bên khu dân cư nằm sát sông Thu Bồn. Năm 2002, chồng cụ cũng qua đời sau nhiều năm bạo bệnh. Để nuôi con, hằng ngày cụ chèo ghe ra sông đi bán ảnh, kẹo ngọt, lồng đèn... cho khách du lịch. Mấy năm nay sức khỏe yếu hơn nên cụ ít đi ghe, thỉnh thoảng cụ cầm mấy hàng vặt dạo dọc hai bờ sông ở lối đi bộ của du khách để bán mấy thứ cho trẻ con. 

"Bữa thì kiếm được vài chục ngàn, bữa được dăm ngàn, mấy tháng ni dịch, khách du lịch không tới nên chẳng kiếm được đồng nào. Mẹ con sống bằng tiền trợ cấp tàn tật, người già yếu của Nhà nước và thêm một ít từ con cái cho" - cụ Dy nói.

Ông Đỗ Thành Sơn nói nhiều người bảo mẹ ông đóng cho ông Tùng một cái cũi sắt rồi nhốt lại trong đó hoặc gửi Tùng đi lên trại tâm thần để người ta nuôi, nhưng cụ Dy quyết không cho. 

"Mẹ bảo rằng cuộc đời Tùng đã khốn khổ như thế rồi nên mẹ sẽ theo anh cho tới lúc nào không đi được nữa. Cứ tới bữa ăn, từ ăn sáng, ăn trưa cho tới bữa tối, mẹ tôi lại xách giỏ cơm ra ngồi dỗ anh Tùng ăn. Bà sợ anh bị đói" - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết một điều rất lạ là dù lang thang suốt ngày ngoài đường, ban đêm cũng ngủ gật giữa đường phố, chỉ thỉnh thoảng mới về nhà thay đồ, quậy tung nhà nhưng ít khi thấy ông Tùng ốm đau. 

Nhưng việc ông đi lang thang như vậy cũng khiến bao phen cả nhà phải hốt hoảng. Ông Sơn cho biết rất nhiều lần ông Tùng lang thang rồi lạc ra tận Đà Nẵng, cả nhà phải đăng tin tìm kiếm khắp nơi mới thấy anh nằm lả ở bờ biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Hay như có mấy lần giữa mưa lũ băng băng, ông ngửa mặt ngờ nghệch đi giữa lũ rồi bị nước cuốn, may mắn là có người đi ghe vớt lên được. 

"Nhưng dù anh có quậy phá cỡ nào, đổ cơm đang ăn dở, xé hết quần áo, phá tan tành nhà thì cũng chưa thấy lần nào mẹ la anh ấy. Mẹ bảo mẹ sinh Tùng ra thì mẹ sẽ gánh phần nhọc nhằn, thiệt thòi cùng anh" - ông Sơn nói.

Mùa Vu lan nhớ mẹ Mùa Vu lan nhớ mẹ

TTO - Mùa Vu lan thúc giục lòng người nhớ về đấng sinh thành. Và như có hẹn trước vậy, thời gian này Tuổi Trẻ nhận được nhiều bài viết của bạn đọc trên cả nước với đong đầy nỗi nhớ về mẹ.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên