Kiều Diễm, Văn Tư và cây đàn piano quen thuộc - Ảnh: NVCC |
Cộng đồng mạng có thể trầm trồ vì giọng ca khàn khỏe khoắn hay gương mặt rạng rỡ như hoa khôi của cô gái gốc Tam Kỳ, Quảng Nam (Diễm cao 1,76m), nhưng nhiều người chưa biết trên con đường đến với âm nhạc của cô gái này còn tồn tại một tình bạn thơ mộng giữa cô và một chàng trai khiếm thị.
Diễm từng bảo: “Với tôi, cùng bước với bạn trong bóng tối tốt hơn là bước đi một mình nơi ánh sáng”. Dù bị khiếm thị nhưng Trần Văn Tư vẫn mày mò tự học và có thể chơi được bảy loại nhạc cụ khác nhau như piano, guitar, đàn nhị, đàn sến, trống...
Sự nhạy bén về thính giác của một người khiếm thị bẩm sinh cũng mách bảo với Tư, Kiều Diễm là một cô gái đặc biệt.
Tư kể: “Sẽ không bao giờ được nhìn thấy Diễm nhưng mỗi khi nghe Diễm hát, khi nghe Diễm cười, rồi trò chuyện với bạn bè, tôi biết đây là một cô gái lạc quan, tốt bụng”.
Gặp nhau lần đầu khi Diễm vào Sài Gòn ôn thi đại học, còn Tư đang là nhạc công chơi piano của một phòng trà, giữa hai con người thoạt nhìn dường như chẳng có mối liên quan này, âm nhạc chính là chìa khóa đã mở cửa trái tim, đưa họ xích lại gần nhau hơn.
Nếu lên kênh YouTube riêng của Kiều Diễm sẽ bắt gặp những clip Tư đàn Diễm hát rất dễ thương như ca khúc Lời yêu thương (sáng tác Đức Huy) nhận được hơn 89.000 lượt xem. Từ nhiều năm nay, các phòng trà ở TP.HCM cũng đã quen với những đêm chơi nhạc thật vô tư, phóng khoáng và giàu năng lượng của đôi bạn Tư - Diễm.
Trương Kiều Diễm - Ảnh NVCC |
Ba năm học chính quy tại hệ trung cấp thanh nhạc - Nhạc viện TP.HCM đã cho Diễm những kiến thức nhạc lý vững vàng để sáng tác và viết nhạc nhiều hơn. Thế nhưng người hòa thanh cho phần lớn những ca khúc ấy, thêm bớt tiết tấu để có một bản nhạc phong phú, màu sắc hơn lại chính là Tư.
“Có lần đang buồn quá, tôi hỏi Tư: Tư thấy tui là người ra sao? Tư chỉ cười hiền, chậm rãi đáp: Diễm đẹp mà! Tôi ghẹo: Sao Tư biết được? Tư lại cười bảo: Tư thấy chứ!
Rồi có lần Tư nói với tôi muốn tự đi xe đạp. Tôi dẫn Tư đến một khu đất trống để tập xe. Lúc thấy bạn cười rạng rỡ dưới ánh sáng ban ngày, tự nhiên lúc đó nước mắt tôi trào ra” - Diễm nhớ lại.
Mấy năm rồi, mỗi lần Tư được mời đi đâu chơi đàn, đến những nơi sang trọng như các sự kiện lớn, các khách sạn lớn, nơi mà Tư luôn cảm thấy bỡ ngỡ thì bên cạnh anh lúc nào cũng có Diễm!
Chăm chút trang phục, chọn giày dép, đưa Tư đến tận nơi rồi tiệc tàn lại đưa Tư về nhà. Diễm hạnh phúc với những thành công dù to dù nhỏ của bạn.
Mùa hè nhiều năm về trước, đôi bạn trẻ đã cùng tung tăng về quê Diễm ở Quảng Nam để rong chơi và làm những mini show ở các quán cà phê trong phố cổ mà ở đó họ được say sưa đàn hát.
“Dẫn hắn đi Hội An chơi nhưng vì hắn không thấy được cảnh đẹp nên tôi dẫn hắn đi ăn! Món nào ngon nhất, lạ nhất ở Hội An đều cho hắn ăn no thì thôi. Ba mẹ Diễm thương hắn tới mức đòi làm chủ hôn cho hắn khi nào hắn lấy vợ. Giờ thì hắn có bạn gái rồi” - Diễm cười.
Còn Tư thì bảo anh không bao giờ quên được những ngày hè nhộn nhịp ấy, nơi anh cảm nhận được tình yêu thương, tình bạn trong trẻo và sức mạnh của âm nhạc một cách rõ ràng nhất.
Lọt vào vòng trong của chương trình Nhân tố bí ẩn, Diễm đã giới thiệu và đề nghị ban tổ chức được mời Tư thử đệm đàn cho các thí sinh hát. Ngón đàn piano điêu luyện của chàng trai đã thuyết phục được số đông. Và thế là trên một hành trình mới, khác biệt hơn, nhiều thử thách hơn, đôi bạn Tư - Diễm lại cùng song hành như hai phím đen - trắng trên một cây đàn.
Nhìn hình ảnh một cô gái dáng vóc mảnh khảnh, đội một chiếc mũ phớt sành điệu, vui vẻ khoác tay một chàng trai khiếm thị, vai mang guitar, tung tăng đi giữa phố Sài Gòn và ca hát rổn rảng, một chút bình yên bỗng len lỏi giữa một chiều nắng nhạt.
Không có cảm xúc với các cuộc thi nhan sắc! “Sao không thi hoa hậu đi?” chắc là câu Kiều Diễm được hỏi nhiều nhất mỗi lần cô xuất hiện ở bất cứ đâu. Ngây ra một lúc, cô nàng có chất giọng Quảng Nam đặc sệt nhún vai trả lời tỉnh queo: “Tại vì tôi không có nhiều cảm xúc với các cuộc thi nhan sắc. Tôi sinh ra không phải để cho người ta ngắm!”. Sinh hoạt trong ca đoàn nhà thờ và bắt đầu được cậu ruột dạy cho những nốt piano đầu tiên năm lên 7 tuổi, âm nhạc đã thấm vào máu của Diễm thật tự nhiên đầy thích thú. “Năm 18 tuổi, tôi viết ca khúc đầu tay, đặt tên là Thương vì mối tình đơn phương với một chàng trai. Chị coi 18 tuổi mà viết vầy nè: Ngày đêm xin trôi đi thật mau. Cho em ngắm bình minh nhạt nhòa. Hoàng hôn xin đừng vội buông. Tội lắm thân em mệt nhoài. Vì yêu em đã ngủ quên...” - Diễm ngân nga hát. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận