21/06/2022 16:27 GMT+7

Người dân phơi thóc trên quốc lộ vì ‘không còn chỗ nào phơi’

HÀ QUÂN - NGUYỄN HIỀN
HÀ QUÂN - NGUYỄN HIỀN

TTO - 'Đất chật, người đông, ngày mùa nếu không mang ra đường phơi thì không có chỗ nào để phơi cả. Xe to chạy qua cũng sợ lắm, nhưng không phơi thóc thì thóc mọc mầm hết, không có gì ăn'.

Người dân phơi thóc trên quốc lộ vì ‘không còn chỗ nào phơi’ - Ảnh 1.

Dù biết nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn vượt qua vạch phân làn ôtô và xe máy để thu thóc - Ảnh: HÀ QUÂN

Đó là chia sẻ của người dân tại huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) khi được hỏi "tại sao lại phơi thóc ở hai bên đường lớn dù biết nguy hiểm luôn rình rập?".

Đường tỉnh 303 đoạn qua xã Thanh Lãng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc những ngày này "nhỏ" đi một nửa do nhiều hộ dân gặt lúa hai bên đường mang thóc ra phơi. 

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, đoạn đường được người dân tận dụng để phơi thóc dài 3 - 4km trong khi đây là tỉnh lộ có nhiều xe khách, xe tải qua lại liên tục. 

Phần đường dành cho xe máy, xe đạp được tận dụng để phơi thóc, khiến xe cộ phải di chuyển hết ra làn ôtô.

Người dân phơi thóc trên quốc lộ vì ‘không còn chỗ nào phơi’ - Ảnh 2.

Khoảng 3h chiều là thời điểm người dân tập trung đông nhất để thu thóc vào bao trước khi trời tối - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

"Cũng sợ phết, nhưng để thóc như vậy thì mọc mầm không có gì ăn. Tranh thủ phơi như này chứ trong làng nhà nào cũng xây cao tầng, sân hẹp, không có chỗ để phơi. Nhà nào cũng phơi ở đây 1 - 2 buổi.

Năm nay còn ít đấy, mọi năm còn đóng bao tải để luôn cả đêm ở đường. Khi nào thu thóc vào bao thì phải kéo thóc sát vào mép đường cho an toàn", một người dân chia sẻ.

Những ngày nắng to, thóc chỉ cần phơi ở đường "2 nắng" (hai ngày) là xong. "Mình phơi trong vạch này thôi. Nhỡ không may thì thiệt vì mình sai mà. Biết là sai nhưng ngày mùa thì phải tranh thủ thôi", một nông dân khác cho hay.

Với người nông dân ở đây, ai cũng mong chính quyền quy hoạch sân phơi thóc tập thể để không phải phơi ở ven đường nữa, nhưng họ cũng biết mong muốn đó khó mà thực hiện được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cho biết nhiều năm trước, bà con gặt mỗi ngày một sào, nhưng bây giờ nhờ có máy móc một ngày có thể gặt một mẫu. Bên cạnh đó, diện tích phơi lúa cũng hẹp đi.

Ngay đầu vụ lúa, thanh tra sở đã phối hợp chính quyền địa phương, công an cấp xã cùng "xắn tay" tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con. Cơ quan quản lý cũng chủ động dọn dẹp, nhắc nhở bà con hạn chế phơi lúa trên đường để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Về lâu dài, cơ quan này cùng các ban ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, nắm tình hình để phát hiện kịp thời, xử lý dứt điểm tình trạng trên, song song với yêu cầu bà con ký cam kết không phơi rơm rạ, thóc lúa ra đường.

Người dân phơi thóc trên quốc lộ vì ‘không còn chỗ nào phơi’ - Ảnh 3.

Tại đoạn đường giao cắt, người dân còn tận dụng tối đa toàn bộ mặt đường để phơi thóc - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Người dân phơi thóc trên quốc lộ vì ‘không còn chỗ nào phơi’ - Ảnh 4.

Nhiều bao thóc được để hẳn ra phần đường dành cho ôtô, gây nguy hiểm khi hai phương tiện lớn tránh nhau - Ảnh: HÀ QUÂN

Phóng sự ảnh: Mùa gặt ở Kiến Thụy Phóng sự ảnh: Mùa gặt ở Kiến Thụy

TTO - Mù mịt trong những làn khói, có thể là khuất tầm tìm nhìn đường chân trời, đó là khói từ những thửa ruộng, cánh đồng Kiến Thụy (Hải Phòng) bát ngát. Tấp nập, nhộn nhịp và cũng không kém phần vất vả như đi cấy, cày ruộng của bà con nông dân mùa thu hoạch.

HÀ QUÂN - NGUYỄN HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên