24/03/2012 03:00 GMT+7

Người dân các nước căng thẳng với phí đường bộ

TRẦN PHƯƠNG - ĐÔNG PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG - ĐÔNG PHƯƠNG

TTO - Việc chính quyền tăng phí đường bộ đã trở thành một vấn đề gây bức xúc tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là người nghèo. Những kế hoạch thu phí thường vấp phải sự chỉ trích.

3PQCe8ry.jpgPhóng to
Trạm thu phí - Ảnh minh họa

Theo báo Guardian, mới đây Thủ tướng Anh David Cameron đề xuất một kế hoạch nhằm “tư nhân hóa” đường bộ, theo đó cho phép lĩnh vực tư nhân tham gia xây dựng và quản lý các con đường. Người dân sẽ phải đóng phí để sử dụng các con đường mới xây, điều chưa từng có ở Anh. Ngoài ra, những con đường cũ sẽ được mở thêm các làn xe có thu phí cao để giúp tài xế dễ dàng né các đoạn kẹt xe.

Kế hoạch ngay lập tức vấp phải nhiều chỉ trích. Báo Telegraph viết các công ty vận chuyển cho rằng việc thu phí trong lúc các doanh nghiệp và người lái xe đang bị siết bởi mức thuế và giá nhiên liệu cao ngất ngưởng là “không thể tưởng tượng nổi”.

Phản đối vì ảnh hưởng đến người nghèo

Ngoại trừ một số phí cầu, hầm và con đường cao tốc tư nhân M6, các con đường ở Anh hầu như chỉ được duy trì dựa vào thuế nhiên liệu và thuế xe. Thủ tướng giải thích việc tư nhân hóa sẽ giải phóng gánh nặng cho công quỹ trong bối cảnh khó khăn kinh tế. Tuy nhiên trong gần 75 tỉ USD thuế chính quyền Anh thu được mỗi năm, chỉ chưa tới 16 tỉ USD được chi cho các con đường.

Ở Nam Phi, từ đầu tháng 3-2012 hàng chục nghìn người đã biểu tình rầm rộ ở 30 thành phố để phản đối "phí cướp đường” quá cao áp lên đường cao tốc. Theo Reuters, Chính phủ Nam Phi khẳng định việc thu phí nhằm chi trả các khoản vay dùng để nâng cấp đường.

Tuy nhiên Đại hội các nghiệp đoàn Nam Phi lo ngại phí đường sẽ kéo theo hàng loạt chi phí khác như thực phẩm, nhiên liệu, điện, phí vận chuyển… và đè nặng lên cuộc sống của người nghèo. Trước sức ép của người biểu tình, chính phủ tuyên bố sẽ chịu chi 725 triệu USD trên tổng 2,6 tỉ USD khoản vay.

Theo đó, kể từ ngày 30-4 các tài xế Nam Phi sẽ phải chịu phí khoảng 4 cent Mỹ trên mỗi km đường thay vì 6,5 cent như đề xuất ban đầu. Người dân Nam Phi hiện đóng khoản 70 USD phí đường mỗi tháng, trong khi ¼ dân số Nam Phi hiện đang thất nghiệp và sống dưới mức 2 USD/ngày

Ở Philippines, chính phủ mới đây cũng cân nhắc giảm phí đường bộ, thậm chí miễn phí trong giờ thấp điểm để giúp người dân giảm chi phí sinh hoạt. Hồi tháng 10-2011, Manila công bố kế hoạch đánh 12% thuế giá trị gia tăng lên phí đường bộ nhằm tăng thêm 46,8 triệu USD cho chính phủ. Tuy nhiên Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng quốc gia Philippines cho rằng việc đánh thuế không chỉ làm tăng phí vận chuyển mà có nguy cơ đẩy người ở các tỉnh tập trung vào thủ đô để sống.

Trung Quốc: phí đường bộ quá cao

Theo báo Tân Kinh, Hội liên hiệp thu mua và vận chuyển Trung Quốc hôm 20-3 đã công bố khảo sát trên 120 công ty vận tải về phí cầu đường. Khảo sát cho thấy trong năm 2011 các công ty vận chuyển phải chi trả trung bình 44,6 triệu nhân dân tệ (7 triệu USD) tiền phí cầu đường.

37% trong số đó phải chịu mức phí cao ngất ngưởng vượt quá 50 triệu nhân dân tệ. Một số chịu mức phí lên đến 100 triệu nhân dân tệ. Hiệp hội này cho biết đây là một mức phí mà các công ty vận tải cho là “không thể chấp nhận được”.

Phí qua cầu đường chiếm đến 34% tiền vốn của các doanh nghiệp vận tải. Hiệp hội thu mua và vận chuyển Trung Quốc đã đề nghị các cơ quan chức năng nước này tháo dỡ các trạm thu phí bất hợp lý, giảm mức phí tại các trạm thu phí, thiết lập các tiêu chuẩn và chế độ thu phí hợp lý.

“Chính phủ cam kết thực hiện những gì tốt nhất vì lợi ích của người dân Philippines” - báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino.

Theo báo Người Tiêu Dùng Trung Quốc, tháng 9-2011, chính quyền thành phố Trịnh Châu, Hà Nam đã hủy bỏ một quy định tréo ngoe về việc áp dụng mức phí cao nhất đối với các xe quay đầu trên đường cao tốc.

Chẳng hạn, tài xế vi phạm sẽ phải nộp phí cho toàn bộ 2.000 km đường cao tốc trong địa phận tỉnh Hà Nam nếu quay đầu xe lại trạm thu phí ban đầu. Cụ thể, vào tháng 9-2011, hai tài xế họ Hà và họ Tín buộc phải nộp hơn 1.000 nhân dân tệ/người (158 USD) phí cầu đường khi chỉ di chuyển 7,6km đường cao tốc Trịnh Thiếu (tính cả đoạn đi và đoạn quay đầu).

Trong khi đó, theo quy định chung về phí đường cao tốc, các xe lưu thông chỉ chịu mức phí trung bình khoảng 0,5 nhân dân tệ (0,008 USD)/km.

Không chỉ bị phản ánh về tình trạng đẩy phí đường bộ lên trời, các đường cao tốc còn bị giới truyền thông “tố” là đã duy trì việc thu phí quá thời gian cần thiết. Theo báo mạng Chinahighway, đường cao tốc sân bay Bắc Kinh có tổng vốn đầu tư là 1,16 tỉ nhân dân tệ, tuy nhiên đến cuối năm 2005 đường cao tốc này đã “bội thu” 3,2 tỉ nhân dân tệ.

Theo tính toán của các chuyên gia, đến khi việc thu phí hoàn tất vào năm 2026, đường cao tốc này sẽ mang về 9 tỉ nhân dân tệ, gấp 7,8 lần số tiền đầu tư.

TRẦN PHƯƠNG - ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên