18/07/2022 16:10 GMT+7

Người dân bức xúc vì hai 'ông lớn' cá tra xả 'trộm' nước thải

BỬU ĐẤU
BỬU ĐẤU

TTO - Cử tri huyện Châu Phú, An Giang bức xúc vì hai doanh nghiệp nuôi hàng trăm hecta cá tra nhưng lại xả thải ra môi trường gây ô nhiễm. Trong khi đó, doanh nghiệp cho rằng đơn vị làm nhưng chậm được cấp phép là do luật thay đổi liên tục.

Người dân bức xúc vì hai ông lớn cá tra xả trộm nước thải - Ảnh 1.

Ông Năm To chỉ tay xuống kênh 7, thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú - nơi có đường ống nước thải của vùng nuôi cá tra Lộc Kim Chi đâm thẳng xuống - Ảnh: BỬU ĐẤU

Đó là vùng nuôi cá tra của Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (350ha), ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt (600ha, với 150ha ương giống và 450ha cá tra thương phẩm), ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Ngày 18-7, dẫn chúng tôi men theo tuyến kênh 7, thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn To (67 tuổi) - than thở: "Từ khi có vùng nuôi cá tra của Lộc Kim Chi thì bà con khu vực này lãnh đủ về ô nhiễm môi trường nước, không khí.

Nước thải từ hầm cá thì doanh nghiệp này xả thải trực tiếp xuống kênh, còn trên bờ thì công nhân thường xuyên chở cá chết làm hôi thối khắp nơi. Bà con đã có ý kiến nhiều lần nhưng đến nay vẫn đi vào quên lãng".

Trả lời Tuổi Trẻ Online vì sao nuôi cá hàng trăm hecta nhưng lại không xin phép xả thải môi trường, ông Trần Văn Lật - giám đốc Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi - nói: "Chúng tôi đang xin Bộ Tài nguyên và môi trường giấy phép xả nước thải ra môi trường.

Doanh nghiệp cũng rất muốn xin giấy phép sớm để chúng tôi làm giấy chứng nhận, chứng chỉ vùng nuôi để xuất khẩu cá tra. Doanh nghiệp làm chậm cũng là do chính quyền ít hỗ trợ chúng tôi".

Người dân bức xúc vì hai ông lớn cá tra xả trộm nước thải - Ảnh 2.

Lãnh đạo vùng nuôi cá tra của Tập đoàn Nam Việt Bình Phú cho biết vùng nuôi cá giống có giấy xả thải nhưng khu vực cá tra thương phẩm đang chờ cấp phép xả thải - Ảnh: BỬU ĐẤU

Trước kỳ họp HĐND tỉnh An Giang lần thứ 8, nhiều cử tri lo lắng việc vùng nuôi cá tra của Tập đoàn Nam Việt xả nước thải ra môi trường khi chưa có giấy phép xuống kênh 11.

Ông Trần Ngọc Hiến - giám đốc vùng nuôi cá tra Nam Việt Bình Phú - cho biết dự án nuôi cá tra 3 cấp công nghệ cao gồm 2 dự án nuôi cá tra giống và cá tra thương phẩm. Đối với vùng cá tra giống đã có giấy phép xả thải môi trường, còn khu vực vùng nuôi cá tra thương phẩm thì đang trình hồ sơ gửi cho Bộ Tài nguyên và môi trường.

"Giấy phép khai thác nước mặt thì chúng tôi có rồi, còn giấy phép xả thải ra môi trường đang xin hồ sơ, thủ tục ở Bộ Tài nguyên và môi trường. Do luật thay đổi nên giấy phép mới này sẽ tích hợp hết các quy định cho dự án này luôn. Mỗi ngày chúng tôi xả thải 10.000 - 20.000m3 nước", ông Hiến nói.

Trước đó, ngày 12-7, tại kỳ họp HĐND tỉnh An Giang lần thứ 8, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang - cho biết: "Thật ra cho đến nay, tất cả các lần xả nước thải ra môi trường của công ty Nam Việt và Lộc Kim Chi đều không đạt yêu cầu theo quy định.

Công ty Nam Việt hứa đến tháng 7 và Công ty Lộc Kim Chi hứa đến tháng 10 sẽ hoàn thành các thủ tục môi trường theo quy định nhưng chưa xong. Hai dự án này hình thành từ năm 2018 đến nay nhưng chưa hoàn thành hết các thủ tục, do là mô hình mới, đi đầu phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, hướng của ngành sẽ uốn nắn giúp doanh nghiệp hoàn thiện, chứ không thể buộc họ dừng hoạt động là thiệt hại rất lớn".

Giá cá tra tăng lên, 27.000 - 28.000 đồng/kg, chi phí bà con nuôi gần 30.000 đồng/kg Giá cá tra tăng lên, 27.000 - 28.000 đồng/kg, chi phí bà con nuôi gần 30.000 đồng/kg

TTO - Dù giá cá tra đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người nuôi cá cho biết vẫn bị thua lỗ do giá thức ăn tăng liên tục, chưa kể các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao khiến giá thành bị đội lên.

BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên