25/08/2023 17:45 GMT+7

Người dân Bến Tre tìm cách giữ đất trước mùa gió chướng

Trong số 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre, điểm sạt lở được đánh giá nghiêm trọng nhất dài khoảng 4,7km tại huyện Ba Tri. Mùa gió chướng đang đến gần, người dân phải tự tìm cách giữ đất.

Nhiều ngôi nhà tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị sóng biển đánh sập trong thời gian qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiều ngôi nhà tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị sóng biển đánh sập trong thời gian qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Những ngày cuối tháng 8, ông Nguyễn Văn Nghiêng, 51 tuổi (xã Bảo Thuận, Ba Tri), phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để thuê người làm kè chắn sóng biển phía trước diện tích đất của gia đình. Ông lo sợ mùa gió chướng năm nay, sóng biển sẽ cuốn trôi toàn bộ gia sản của ông.

Ông Nghiêng cho biết cách đây khoảng nửa năm, trong một lần triều cường lớn, bờ bao phía trước phần đất của gia đình ông bị sóng đánh sập, cuốn trôi toàn bộ đất cát bên trong.

"Chỉ còn cách một con lộ bê tông nữa là nước biển sẽ tràn vào nhà và vườn dưa hấu phía sau. Bây giờ giá nào tôi cũng phải làm bờ kè để chuẩn bị chống cự với mùa gió chướng sắp tới", ông Nghiêng cho biết.

Hằng năm cứ đến tầm tháng mười âm lịch, gió chướng thổi mạnh khiến sóng biển đánh mạnh vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng cho hàng ngàn hộ dân ở Bến Tre. Theo ghi nhận, nhà dân hai bên gia đình ông Nghiêng hiện đã phải di dời nơi khác, một số nhà tường kiên cố cũng bị sóng đánh sập hoàn toàn.

Ông Nghiêng cho biết thêm cách đây hơn 10 năm, đất liền nằm cách lộ bê tông khoảng 200m nhưng mỗi mùa gió chướng đi qua, biển lại xâm thực vào chừng 10m. Đến thời điểm hiện tại, rừng phòng hộ khu vực Cồn Ngoại, xã Bảo Thạnh phần lớn đã bị sóng biển tàn phá.

Cách nhà ông Nghiêng khoảng 1km, ông Mai Văn Sỹ (46 tuổi) đang canh nghêu cho hợp tác xã. Ông Sỹ cũng là nạn nhân của tình trạng sạt lở bờ biển khi cách đây không lâu căn nhà của gia đình ông bị sóng biến đánh sập.

Ngay cả căn chòi canh nghêu ông đang tá túc cũng phải liên tục di dời vì bị sóng đánh. Trước mùa gió chướng sắp tới, ông Sỹ cùng các thành viên trong hợp tác xã đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để tu sửa, gia cố căn chòi.

Theo ông Nguyễn Văn Điền - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh Bến Tre có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 134km.

Trong đó, điểm sạt lở tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri là nghiêm trọng nhất, tổng chiều dài sạt lở cần phải khắc phục ngay khoảng 4,7km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, đời sống, sản xuất của hơn 4.500 hộ dân, với tổng diện tích khoảng 230ha đất.

Ngoài ra, tình trạng sạt lở tại khu vực này còn ảnh hưởng đến các công trình, cơ sở hạ tầng quan trọng của khu vực hiện có như: tuyến đê biển Ba Tri, cầu Đường Tắc, tuyến kè khu du lịch biển cồn Nhàn…

Ông Điền cũng cho biết thêm trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, mới đây tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương hỗ trợ kinh phí xử lý một số điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn.

Trong đó có dự án phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri với chiều dài 4,7km, tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng.

Một người dân Bến Tre sống ven biển phải tự gia cố bờ bao để chuẩn bị ứng phó với mùa gió chướng sắp đến - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Một người dân Bến Tre sống ven biển phải tự gia cố bờ bao để chuẩn bị ứng phó với mùa gió chướng sắp đến - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiều diện tích rừng ven biển Bến Tre bị sóng đánh trơ gốc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Nhiều diện tích rừng ven biển Bến Tre bị sóng đánh trơ gốc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cứ tầm 2 năm, những căn chòi canh nghêu phải di dời vào phía trong đất liền một lần vì biển xâm thực - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Cứ tầm 2 năm, những căn chòi canh nghêu phải di dời vào phía trong đất liền một lần vì biển xâm thực - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Bờ biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục sạt lở nặngBờ biển du lịch Đà Nẵng tiếp tục sạt lở nặng

TTO - Trong vòng nửa tháng qua, bờ biển ven tuyến đường Võ Nguyên Giáp (nối quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại là việc xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới tại các khu nghỉ dưỡng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên