Theo ghi nhận tại huyện Giồng Trôm vào buổi sáng cùng ngày, nhiều tuyến đường tại xã Châu Bình bị ngập, đặc biệt các hộ dân nằm sâu trong vườn và giáp sông bị ngập rất nặng.
Bà Nguyễn Thị Hứng (58 tuổi), xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, cho biết triều cường năm nay cao hơn mọi năm và nước lên nhanh nên gia đình bà trở tay không kịp. "Ở đây chưa khi nào triều cường cao như vậy. Năm trước nước ngập lên sân nhà, vườn cây. Còn năm nay nước cao hơn 30cm so với năm trước, tràn vào nền nhà", bà Hứng cho biết.
Nhiều người dân tại các khu vực khác của huyện Giồng Trôm, huyện Mỏ Cày Nam… cũng lo lắng những đợt triều cường sẽ đẩy nước mặn vào sâu nội đồng, ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đặc biệt là cây dừa vừa mới phục hồi sau những đợt xâm nhập mặn từ năm trước và sâu đầu đen tấn công.
Điều đặc biệt là nhiều khu vực bị ngập do triều cường năm nay lớn hơn và lên nhanh hơn các năm trước, khiến người dân lo lắng.
Trước đó, ông Đặng Hoàng Lam - giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre - cho biết mực nước đỉnh triều cao nhất hằng ngày trên các triền sông và kênh rạch lên nhanh từ ngày 13 đến ngày 14 và sẽ xuống dần từ ngày 15 đến ngày 19 - 1.
Ông Lam cũng đưa ra khuyến cáo các địa phương cần có kế hoạch bảo vệ, kê cao đồ đạc và vật dụng thiết yếu, gia cố hệ thống đê bao, chủ động đối phó với tình hình ngập úng, sạt lở, xâm nhập mặn do triều cường.
Đặc biệt là các khu vực trong đê bao nhưng cống mở, các khu vực nội vườn, nội đồng không có cống do chênh lệch giữa 2 đỉnh triều chiều và sáng với nước ròng (chân triều) đêm rất nhỏ gây nên hiện tượng nước lớn (lên) trong thời gian dài giữa 2 đỉnh triều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận