12/07/2018 16:45 GMT+7

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - Chiều 12-7, cô gái người Pháp gốc Việt 25 tuổi Hiền Munier ngồi lặng người xem lại phóng sự về hành trình về Việt Nam tìm kiếm mẹ ruột của mình.

Hiền Munier khóc khi kể về lúc bị bỏ rơi

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 2.

Hiền Munier (Dương Ngọc Hiền) nhắn nhủ đến cha mẹ ruột mình rằng cô có thể hiểu được hoàn cảnh của họ, và vì sao họ bỏ rơi mình, và muốn cám ơn vì đã mang mình đến cuộc đời này, cho mình một cuộc sống hạnh phúc với cha mẹ nuôi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Dương Ngọc Hiền, sinh năm 1993, không kềm được xúc động và rơi nước mắt khi chia sẻ lại câu chuyện mình bị bỏ rơi trên một cây cầu ngay khi vừa ra đời, rồi được chuyển vào Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Gò Vấp, nơi cô được nuôi dưỡng đến năm 8 tuổi.

Năm đó Hiền được một gia đình người Pháp nhận nuôi rồi theo mẹ nuôi đi Pháp.

Từ đó, cô gái nhỏ "ép" mình tạm quên đi quá khứ đau buồn để hòa nhập vào cuộc sống mới, có mẹ cha, có anh chị, và có cái tên mới là Hiền Munier.

Vượt qua hết những nỗi giận dữ, hoài nghi và đau khổ về lí do mình bị cha mẹ ruột vứt bỏ, Hiền tự giải tỏa cho bản thân bằng những đáp án là "do mẹ quá nghèo, mẹ cũng không muốn làm như vậy".

Đến năm 16 tuổi, Hiền nghĩ bắt đầu nghĩ đến việc tìm mẹ và từ tháng 3-2018, Hiền về Việt Nam sống để bắt đầu hành trình tìm mẹ.

"Nếu được gặp lại mẹ, tôi sẽ nói lời cám ơn vì đã cho mình cuộc sống. Tôi không bao giờ trách mẹ đã bỏ rơi mình, vì cuộc sống có những hoàn cảnh không thể làm khác được", Hiền xúc động nói.

Hiền Munier là một trong ba con nuôi người Pháp gốc Việt tham gia chương trình tọa đàm Cội nguồn con ở đâu do báo Tuổi Trẻ tổ chức, nhằm giúp đỡ những người con nuôi gốc Việt tìm lại cha mẹ sinh thành của mình.

"Tôi chưa từng cảm giác giận hờn hay trách cứ cha mẹ ruột vì đã bỏ rơi tôi, vì tôi đã và đang có cuộc sống rất tốt" - đó là chia sẻ của họ, những người bị bỏ rơi từ khi còn rất nhỏ.

Chị Hiền Munier và Amandine Durand chia sẻ không bao giờ ghét ba mẹ - Video: ĐAN THUẦN- QUANG NAM

Xin phép được nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh, chàng trai Aureline Malnoury có tên tiếng Việt là Phan Văn Giang, muốn nhắn nhủ đến cha mẹ ruột rằng anh đã được một gia đình rất tốt nhận nuôi.

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 4.

Aureline Malnoury thường muốn mọi người gọi mình bằng tên tiếng Việt là Phan Văn Giang - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Nếu được gặp lại cha mẹ, con muốn dẫn ba mẹ đến mái ấm Gò Vấp nơi con đã từng ở đó. Con muốn được làm việc ở đó và muốn giúp đỡ những đứa trẻ ở đó", Giang nói trong cảm xúc.

Chàng trai 27 tuổi này cho biết mình rất yêu cuộc sống ở Sài Gòn, và đang học tiếng Việt để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ trong mơ với cha mẹ mình.

Trong khi đó, cô gái trẻ 22 tuổi Amandine Durand gây xúc động khi bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ cha mẹ mình nếu họ đang gặp khó khăn.

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 5.

Amandine Durand bảy tỏ mong muốn được gần với cha mẹ ruột của mình hơn, nếu một ngày cô tìm thấy họ - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ bỏ công việc tốt ở Pháp, Amandine quyết định về Việt Nam sống, để có thể có thêm nhiều điều kiện tìm kiếm cha mẹ ruột của mình.

Những lúc có thời gian, Amandine lại tìm về Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Gò Vấp, nơi mình đã ra đi năm xưa, để mang đến cho các em niềm vui qua các hoạt động tình nguyện.

Trước đó, câu chuyện về ước muốn tìm lại đấng sinh thành sau bao năm được nuôi dưỡng và lớn lên ở nước ngoài của những người con này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả, bày tỏ sự chia sẻ với những người con xa quên muốn tìm về với cội nguồn.

Câu chuyện tìm cha mẹ của con nuôi gốc Việt Marion Potriquet, người đang học ở Hà Nội, được đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 12-7 đã được bạn bè cô chia sẻ với hy vọng giúp người bạn học tìm được cha mẹ ruột của mình.

Là người gắn bó với nhiều trẻ mồ côi Việt Nam suốt gần 20 năm qua, ông Michael Sơn Phạm, người Mỹ gốc Việt, nhà sáng lập tổ chức Trẻ Em Không Biên Giới, mong muốn có thể tạo một nhịp cầu kết nối những đứa con Việt về với cội nguồn của mình.

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 6.

Ông Sơn Michael Phạm - nhà sáng lập tổ chức Trẻ Em Không Biên Giới - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ năm 1999 nay, mỗi năm ông đều về Việt Nam 3 lần để giúp đỡ nhiều cô nhi viện ở Việt Nam, chứng kiến nhiều lứa con nuôi ra vào các mái ấm.

"Tôi có mấy trăm đứa con ở Việt Nam, đó là những đứa trẻ ở các mái ấm mà tôi xem như con ruột. Lâu lâu tôi lại nhận được email hay thư từ từ những đứa con trên thế giới gửi đến, bày tỏ mong muốn tìm về gốc rễ của mình. Tôi lại bắt đầu đi tìm giấy tờ, tin tức với hy vọng mang các con về với cội nguồn của mình", ông Sơn tâm sự.

"Cội nguồn con ở đâu là một câu hỏi vô cùng day dứt. Với tôi, cội nguồn các con nằm trong tim cha mẹ các bạn. Không ai muốn bỏ con mình sinh ra, có lẽ vì lí do gì đó nên cha mẹ phải bỏ mình đi. Ai cũng có lỗi lầm, tôi mong muốn mọi người đừng bỏ cuộc, vì hành trình chúng ta còn dài, chỉ mới bắt đầu tại đây, nhưng tôi hành trình đó sẽ có kết thúc đẹp", anh Bùi Đức Huy - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Kế toán Gia Huy - chia sẻ tại chương trình.

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của nam ca sĩ mang hai dòng máu Mỹ - Việt Randy Trane, người đã mang khao khát tìm mẹ nhiều năm nay.

Sau khi trình bày ca khúc về mẹ do anh tự sáng tác, Randy chia sẻ đến thời điểm này anh đã sáng tác 9 bài hát về mẹ, thể hiện nỗi niềm đầy xúc cảm của một đứa con đi tìm mẹ suốt bao nhiêu năm.

Ca sĩ Randy Trane mang hai dòng máu Việt - Mỹ biểu diễn ca khúc do anh sáng tác về mẹ - Video: ĐAN THUẦN - QUANG NAM

Bị bỏ rơi khi chỉ mới một tháng tuổi, sau nhiều năm sang Mỹ theo diện con lai, Randy đã quay lại Việt Nam với sứ mệnh tìm kiếm mẹ ruột của mình.

Đến nay, anh đã trải qua 20 lần xét nghiệm ADN, nhưng vẫn chưa tìm được mẹ, tuy nhiên anh khẳng định mình sẽ không bỏ cuộc.

Ngoài những người con Việt trở về từ nhiều nước trên thế giới, chương trình còn đón nhận sự tham gia tích cực từ trẻ em đang sinh sống ở các mái ấm, những bậc cha mẹ không may thất lạc con, các chuyên gia tâm lý và các ban ngành liên quan.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý xã hội Việt Nam chia sẻ trong buổi giao lưu- Clip: ĐAN THUẦN - QUANG NAM

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 9.

Nữ ca sĩ Võ Hạ Trâm trình bày ca khúc "Mẹ ơi" tại tọa đàm "Cội nguồn con ở đâu?". Nữ ca sĩ chia sẻ cô muốn mang đến cho những người con gốc Việt một món quà tinh thần để tiếp thêm động lực cho những người con gốc Việt trên hành trình tìm kiếm đấn sinh thành của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 10.

Các con nuôi gốc Việt giao lưu cùng trẻ em đến từ trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp và đại diện mái ấm tại tọa đàm "Cội nguồn con ở đâu?" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 11.

Nhà báo Đỗ Văn Dũng - Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tặng hoa cho khách mời tại buổi tòa đàm "Cội nguồn con ở đâu" do báo tổ chức ngày 12-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 12.

Ông Trần Xuân Toàn - Ủy viên Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các chuyên gia, khách mời - Ảnh: DUYÊN PHAN

Người con Việt tìm về cội nguồn: không oán giận vì bị bỏ rơi - Ảnh 13.

Hai con nuôi gốc Việt Aureline Malnoury (bìa phải) và Hiền Munier (thừ 2 từ phải sang) biểu diễn ca khúc Hello Việt Nam và Em đi trên cỏ non cùng ca sĩ Hà Vân và tình nguyện viên - Ảnh: DUYÊN PHAN

'Tìm về cội nguồn' nối yêu thương cho những người con nuôi gốc Việt

TTO - Chương trình làm cầu nối cho những người con đang trở về quê hương từ bất cứ nơi đâu để tìm lại gia đình.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên