19/08/2013 09:50 GMT+7

Người có tâm luôn ở sẵn trong cuộc đời

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Sáng sớm thứ bảy 17-8, Tuổi Trẻ nhận được cuộc gọi sớm nhất của ông Dương Quang Thiện: “Tôi nhận tài trợ cho em Trang, nhân vật “Tiếp sức đến trường” hôm nay, suốt các năm học”.

Sáng sớm chủ nhật 18-8, Tuổi Trẻ nhận được cuộc gọi của TS Nguyễn Thiện Tống: “Tôi đang tham gia cuộc đi bộ “Tiếp sức đến trường”. Hi vọng chương trình sẽ tiếp tục lan tỏa”.

Cq6ZydPB.jpgPhóng to
TS Nguyễn Thiện Tống tại cuộc đi bộ đồng hành với chương trình “Tiếp sức đến trường” sáng 18-8 - Ảnh: Tự Trung

Giữa hai cuộc gọi của hai người đã và đang tích cực sẻ chia với những thân phận nghèo khó là hàng trăm cuộc gọi khác, mong được giúp đỡ và yêu cầu được kết nối để đóng góp cho chương trình “Tiếp sức đến trường”.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện xung quanh chuỗi hoạt động được coi là có ý nghĩa nhất trong thời điểm này với TS Nguyễn Thiện Tống.

* Là người đồng hành, sáng lập viên của chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, miệt mài vận động và cũng là hạt nhân chính của CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên - Huế, ông nhận xét thế nào về bước đi mới của Tiếp sức đến trường năm nay?

- Với những “khẩu hiệu” mới, tôi nghĩ sức lan tỏa của chương trình năm nay sẽ rộng hơn, đến được với nhiều người hơn. Nhiều người ở đây là cả các tân sinh viên đang gặp khó khăn và những người có tấm lòng đang chờ những cơ hội để đóng góp. Trong danh sách các tỉnh đăng ký học bổng cho tân sinh viên năm nay, chúng tôi đọc thấy những tỉnh thuộc Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, miền Tây mà những năm trước chưa có, vùng Trung Trung bộ thì đã được phủ kín.

Tôi cũng thích yêu cầu mới của chương trình là đề nghị các em viết thư tự ứng cử hoặc giới thiệu bạn bè. Điều này khi xét học bổng ở Huế chúng tôi đã thực hiện. Đọc thư, chúng tôi không chỉ nhìn thấy hoàn cảnh khó khăn mà hiểu thấu được nỗ lực, khát vọng tuổi trẻ và cả năng lực học tập của các em. Tôi có thể đoán được ngày mai của các em qua những bức thư đó, từ đó tin tưởng hơn vào các “khoản đầu tư” của mình.

* Có khi nào ông nghĩ mở ra cánh cửa mới: “Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ” sẽ khiến cho hàng dài những tân sinh viên xin học bổng vượt quá khả năng của chúng ta?

- Trên thực tế thì khi nào bản danh sách có được cũng vượt quá khả năng của chúng ta cả. Và chính vì thế mà chúng ta luôn phải cố gắng, dù không phải không có lúc mệt mỏi. Trong khuôn khổ hoạt động cá nhân, tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu về học bổng, sử dụng mọi mối quan hệ (đồng nghiệp, bạn bè, học trò...) để vận động. Tôi còn tiếc là mình không quen biết nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Mỗi tối tôi đều suy nghĩ: Nay viết thư cho ai nữa đây? Tôi luôn kéo dài thời hạn chót gút danh sách nhận đóng góp, luôn chuẩn bị danh sách học bổng nhiều hơn số đã đăng ký, luôn cố gắng để mở rộng lằn ranh trong xét duyệt.

Đôi khi những phần học bổng được đóng góp vào phút chót, lúc tôi đang lên xe đến dự lễ, trước khi lên sân khấu phát học bổng cho các em. Những lúc ấy mừng thật là mừng. Mấy năm nay kinh tế khó khăn nhưng số lượng học bổng chúng ta vận động được vẫn tăng, người cũ rút bớt đi lại có người mới tham gia.

* Lại nhắc lại một câu đã quen thuộc: “Vì lòng người là vô tận” chăng?

- Vâng, vì điều đó là sự thật. Hãy nhớ lại cơ duyên đầu tiên khi tôi mang một số học bổng của Hội Khoa học kỹ thuật gia tại Úc muốn tặng một số sinh viên nghèo đến Tuổi Trẻ, khởi động cho chương trình “Vì ngày mai phát triển” năm 1988. Khi đó chúng ta đã vất vả bao nhiêu để xét được vài suất học bổng. Khi câu chuyện ấy được đăng báo, như có một đốm lửa đã được thổi bùng lên và lan ra. Đốm lửa ấy ở sẵn trong lòng người. Chương trình phát triển lớn mạnh suốt 25 năm nay, hàng ngàn người đã tham gia xây dựng cho tương lai của hàng chục ngàn người khác. Thực tế ấy chứng minh rằng những người có lòng, có tâm luôn ở sẵn trong cuộc đời này, họ có mong muốn được đóng góp, được giúp đỡ, được dang tay và chúng ta mang đến cho họ cơ hội để thực hiện.

Nói một cách khác, tham gia các chương trình như thế này, cả người cho lẫn người nhận đều “sướng”. Ví như người mang tiền đi mua kim cương, tiền hết rồi nhưng cầm viên kim cương trong tay mình sẽ thấy vui sướng biết mấy. Kim cương có giá trị tự thân nó nhưng lại bất biến, còn khoản đầu tư của chúng ta cho các tân sinh viên, giá trị tự thân của nó lớn thêm mỗi ngày.

* Ông có mong muốn gì khác hơn nữa cho “Tiếp sức đến trường”?

- Tôi vừa nhận được email của một sinh viên từng nhận học bổng năm ngoái. Em chỉ viết vỏn vẹn: “Thầy ơi, giúp em với...” như một lời kêu cứu. Liên lạc lại, tôi được biết cơ sở nơi em đi làm thêm đã đóng cửa, không dành được đủ tiền đóng học phí cho năm thứ hai. Yêu cầu em viết thư trình bày rõ hơn, mấy hôm sau tôi nhận được một bức thư sai văn phạm rất nhiều, có vẻ không phải văn phong của em. Lại hỏi thì biết em đã vội vã lên Tây nguyên hái cà phê để kiếm tiền đóng học phí, cha em ở nhà nhận được thư tôi, sợ muộn nên viết giúp...

Từ những chuyện như thế mà tôi mong muốn các em sinh viên hãy chủ động hoặc báo Tuổi Trẻ có thể giúp các em trình bày rõ ràng hơn về hoàn cảnh của mình. Các nhà tài trợ có thể sử dụng nhiều kênh để xác minh và tùy trường hợp có thể tiếp tục tài trợ khi các em đã là những sinh viên năm 2, năm 3, không còn là tân sinh viên nữa. Khi đó, các em có thể bớt những giờ làm thêm để học thêm ngoại ngữ, nghiên cứu thêm chuyên môn, nâng cao năng lực và bản thân mình. Khoản lãi suất sau này các em trả lại cho xã hội cũng sẽ cao thêm nhiều lắm.

Một mong muốn nữa đương nhiên là có thêm nhiều người, nhiều doanh nghiệp tham gia Tiếp sức đến trường, đầu tư cho tương lai.

* Thật ra thì 35 tỉ đồng cho 10 năm Tiếp sức đến trường chưa phải là số tiền lớn nếu so với các quỹ khác. Ông có nghĩ đến những cách khác để tăng hiệu quả vận động không?

- Có chứ, nhưng tôi vẫn tin vào lòng người, cũng như những người đóng góp tin vào bản thân tôi. Những năm qua, chúng ta vận động chủ yếu dựa trên sự cộng hưởng của lòng tin ấy. Bao nhiêu người đã đóng góp cho chúng ta mà không ghi tên tuổi, không hỏi tên, danh sách các sinh viên thụ hưởng học bổng bao giờ. Bao nhiêu người đã gọi để góp học bổng khi không hề quen biết.

Theo dõi các quỹ khác, các cuộc vận động khác đã vận động được những số tiền rất lớn do có quyền lợi trả lại cho nhà tài trợ, tôi thấy nó không được bền vững và hơn nữa sẽ không đạt hiệu quả sâu sắc là tác động vào tấm lòng, vào khát vọng, vào nhiệt tâm cống hiến của các em. Tôi vẫn nghĩ rằng khi đọc báo, biết được có một người phụ nữ bán ve chai, một người đàn ông chạy xe ôm, một sinh viên nghèo mưu sinh bằng nghề gia sư đã đóng góp cho phần học bổng của mình, các em tân sinh viên sẽ học tốt hơn và sau này sẽ trở thành người có ích nhất cho xã hội.

Đầu tư cho phát triển

Chúng ta luôn gọi những người đóng góp là những tấm lòng vàng, nhà hảo tâm, nhưng tôi xin khẳng định lại rằng đóng góp cho “Vì ngày mai phát triển” hay “Tiếp sức đến trường” không phải là làm từ thiện. Đây là một khoản đầu tư cho sự phát triển. Các em tân sinh viên nhận khoản học bổng này như người đi vay với lãi suất cao, sau này các em sẽ trả cả vốn lẫn lãi cho xã hội. Đó không chỉ là học phí cho một năm học mà còn là động lực giúp các em nâng cao năng lực bản thân, mở rộng tầm nhìn, mở rộng tấm lòng mình.

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên