13/08/2016 10:04 GMT+7

Cụ ông bị oan sai 46 năm đòi bồi thường 12 tỉ đồng

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Số tiền 12 tỉ đồng gồm tổn thất tinh thần cho những ngày ngồi tù oan, thiệt hại thực tế những ngày ông Thêm phải ngồi tù, tổn thất tinh thần cho ông Thêm và gia đình, chi phí đi kêu oan, phí chữa bệnh.

Ông Trần Văn Thêm (phải) và người đại diện theo ủy quyền - Ảnh: T.L.
Ông Trần Văn Thêm (phải) và người đại diện theo ủy quyền - Ảnh: T.L.

Ngày 13-8, ông Nguyễn Văn Hòa - đại diện theo ủy quyền của ông Trần Văn Thêm cho biết ông đã gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Thêm đến TAND tối cao, TAND cấp cao tại Hà Nội và Cục bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp. 

Theo đó, số tiền đòi bồi thường oan sai cho ông Thêm khoảng 12 tỉ đồng.

Trước đó, sau 5 năm 6 tháng 7 ngày ngồi tù và hơn 40 năm phải mang thân phận bị can, ông Trần Văn Thêm (81 tuổi, ngụ tại Bắc Ninh) đã chính thức được minh oan bằng quyết định đình chỉ điều tra bị can của Bộ Công an và lời xin lỗi công khai của liên ngành các cơ quan tư pháp trung ương vào sáng 11-8.

Căn cứ vào quyết định đình chỉ điều tra bị can, ông Hòa đã gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai cho ông Thêm.

Số tiền 12 tỉ đồng trên gồm tổn thất tinh thần cho những ngày ngồi tù oan, thiệt hại thực tế những ngày ông Thêm phải ngồi tù, tổn thất tinh thần cho ông Thêm và gia đình, chi phí đi kêu oan, phí chữa bệnh…

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, việc bồi thường cho ông Thêm được tính thành 2 giai đoạn. Ông Thêm bị giam giữ 2.010 ngày (từ ngày 23-7-1970 đến ngày 30-2-1976 âm lịch được trả tự do).

Ông Hòa yêu cầu được bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng trong khoảng thời gian này bao gồm tổn thất tinh thần và thu nhập thực tế bị mất.

Từ khi được trả tự do đến khi được đình chỉ điều tra bị can, ông Hòa đòi bồi thường số tiền hơn 10 tỉ đồng.

Ngoài ra, các chi phí khác như chi phí kêu oan, chi phí chữa bệnh cho ông Thêm khoảng 800 triệu đồng cũng được liệt kê trong đơn yêu cầu bồi thường.

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, câu chuyện của ông Trần Văn Thêm có thể xem là hi hi hữu trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Năm 1970, ông bị cáo buộc đã giết chết em họ để cướp của. Sau đó ông Thêm bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm kết án tử hình mặc dù ông liên tục kêu oan.

Cuối năm 1975, khi người được cho là hung thủ của vụ án bị bắt, ông Thêm được trả tự do mà chỉ có tờ giấy cho trở về nhà vì được miễn lao động nặng. Giấy chứng nhận này sau đó ông đã nộp cho chính quyền địa phương nơi ông cư trú.

Trong khoảng thời gian này, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết án ông Thêm để điều tra, xét xử lại. Tuy nhiên ông Thêm không hề biết bản án tử hình đối với ông đã bị hủy.

Ông mang thân phận bị can từ năm 1975 đến ngày 8-8-2016 mới được Bộ Công an ký quyết định đình chỉ điều tra.

Sau khi được trả tự do năm 1975, ông Thêm và các cháu trai đã gõ cửa nhiều cơ quan ở Trung ương và địa phương để nộp đơn kêu oan, đề nghị minh oan cho ông.

Tuy nhiên hồ sơ của ông bị tắc lại do ông không nộp được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh mình đã từng bị đi tù, đã từng bị kết án tử hình.

Một số cơ quan tố tụng ở trung ương và địa phương đã có văn bản trả lời không tìm thấy bất cứ tài liệu nào về vụ việc của ông Thêm.

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Hòa và các luật sư đã trích lục được hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Từ đó ông Hòa tăng cường gửi đơn tới TAND tối cao đề nghị giải quyết.

Sau khi nhận đơn, TAND tối cao đã khẩn trương rà soát lại vụ việc và tìm thấy hồ sơ liên quan. Phó chánh án thường trực Bùi Ngọc Hòa đã dẫn đầu đoàn công tác về tận nhà ông Thêm để thăm hỏi, động viên và làm rõ một số tình tiết của vụ án.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên