Cuộc thi “Tự hào sử Việt”
(Câu hỏi đặc biệt: Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2010), bạn hãy kể một câu chuyện vì nước vì dân của người cộng sản đã hi sinh ngay tại tỉnh thành bạn sinh sống và tên người ấy đã được chọn đặt tên đường phố? Cảm nghĩ của bạn?)
Trong một lần đến trường, Na thấy bọn lính ở chi khu Cái Răng hành quân tiến về hướng nhà mình, nơi có các đồng chí thị ủy đang họp. Anh đã bình tĩnh, nhanh chóng về báo tin cho các đồng chí lãnh đạo kịp thời rút lui an toàn. Năm 11 tuổi, Na lại tiếp tục xin gia nhập lực lượng du kích xã.
Trước quyết tâm của Na, lãnh đạo đã đồng ý. Cuối năm 1960, Trần Hoàng Na tham gia cùng đội du kích An Bình, bao vây đánh đồn Cái Da, diệt hoàn toàn lực lượng địch đóng đồn, thu được nhiều vũ khí.
Năm 1961, sau thời gian quan sát, nắm được thông tin căn lầu Vĩnh Phước Thành (gần chợ Cần Thơ) có bảy tên cố vấn Mỹ đến thuê, Na ngụy trang quả lựu đạn trong chiếc bánh cầm trên tay. Lợi dụng lúc chúng sơ hở, Na rút chốt ném thẳng vào bọn chúng, tiêu diệt hai tên, hai tên khác bị thương. Cũng bằng cách dùng lựu đạn, tháng 6-1963, Na khéo léo vào nhà hàng Tân Cảnh ở bến Ninh Kiều, nơi cố vấn Mỹ thường tập trung ăn nhậu, ném một quả lựu đạn diệt hai cố vấn Mỹ, bốn tên khác bị thương.
Tháng 8-1964, Na được tổ chức phân công đi dự lớp chính trị tại căn cứ Cái Da. Trong thời gian này, bọn Mỹ ngụy mở cuộc càn quét quy mô lớn với 300 quân theo bốn hướng, bao vây khu căn cứ.
Trước tình thế nguy cấp không lối thoát, Trần Hoàng Na yêu cầu tất cả rút xuống hầm bí mật, còn mình ở lại cùng một số đồng chí đánh nghi binh để dụ địch. Địch tập trung đuổi theo Trần Hoàng Na, anh ném lựu đạn liên tiếp vào quân địch diệt được sáu tên. Địch tập trung hỏa lực bắn xối xả vào hướng Hoàng Na. Anh hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!” rồi anh dũng hi sinh khi mới tròn 15 tuổi...
Ngày 20-12-1994, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Trần Hoàng Na danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay tên anh đã được trang trọng đặt cho một con đường lớn ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Trường tiểu học ở phường Hưng Thạnh cũng vinh dự được mang tên anh nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Bà con ở Xẻo Bứa, Xẻo Kè, nơi Na từng công tác và bà con ấp Cái Nai, phường Hưng Phú, quê hương của Na đã đồng lòng với quyết định của thành phố, đặt tên cho rạch Xẻo Tràm là rạch Trần Hoàng Na để tưởng nhớ đến một thiếu niên anh hùng.
Tôi là một thuyết minh viên ở Bảo tàng TP Cần Thơ, hằng ngày đón và giới thiệu với khách tham quan về lịch sử văn hóa của vùng đất và con người Cần Thơ. Trong lời thuyết minh của mình, xen giữa những sự kiện lịch sử là bao câu chuyện về những vị anh hùng trẻ tuổi, về những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Có những hình ảnh hay hiện vật không biết rõ lai lịch nhưng lại chất chứa trong đó những câu chuyện đã trở thành huyền thoại về một thời máu lửa hào hùng của ông cha.
Câu chuyện về anh Trần Hoàng Na là một câu chuyện đặc biệt về người chiến sĩ cộng sản được nhiều vị khách, đặc biệt là các bạn trẻ rất quan tâm. Tôi đã kể lại cho các vị khách của mình nghe, đó là những em học sinh, là những bạn sinh viên chuẩn bị bước vào đời, hay những người lao động bình thường. Với tôi, đó không còn là một nhiệm vụ mà là một niềm vinh hạnh khi được làm chiếc cầu nối, đưa mọi người về với quá khứ để thêm vững bước vào tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận