06/07/2024 09:00 GMT+7

Người Anh chọn làn gió mới Công đảng

BÌNH AN
và 1 tác giả khác

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức vào tối 5-7 (giờ VN), tân Thủ tướng Anh Keir Starmer thuộc Công đảng cam kết sẽ vực dậy đất nước và niềm tin của người dân bằng hành động thay vì lời nói.

Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp - Đồ họa: TẤN ĐẠT

"Từ giờ trở đi, các vị sẽ có một chính phủ không bị gánh nặng bởi học thuyết, mà chỉ được định hướng bởi quyết tâm phục vụ lợi ích nhân dân", ông Keir Starmer nhấn mạnh việc sẽ phụng sự tất cả người dân. Tân thủ tướng Anh cũng cam kết sẽ làm mới trở lại đất nước, trong đó có cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và nhà ở với giá cả phải chăng...

Quay lưng với đảng Bảo thủ

Cựu Thủ tướng Rishi Sunak đã gọi điện chúc mừng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer và xác nhận sẽ từ chức thủ tướng Anh. "Hôm nay (5-7), quyền lực sẽ được chuyển giao một cách hòa bình và có trật tự với thiện chí từ tất cả các bên. Điều đó sẽ mang lại cho chúng ta niềm tin vào sự ổn định và tương lai của đất nước", ông Sunak nói.

Theo báo Washington Post, đảng Bảo thủ của ông Sunak dự kiến giành được 131 ghế - kết quả tệ nhất của đảng này kể từ khi thành lập vào năm 1834.

Hãng tin Reuters nhận định đảng Bảo thủ đã chịu cảnh "tắm máu" trong cuộc bầu cử Quốc hội Anh lần này. Với việc đảng Bảo thủ mất hơn 200 ghế, Công đảng đã lên nắm quyền tại Anh lần đầu tiên kể từ năm 2010.

Sự tức giận vì tình trạng trì trệ kinh tế, bê bối chính trị và khủng hoảng của các dịch vụ công sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Anh đã khiến nhiều cử tri rời bỏ đảng Bảo thủ - đảng cầm quyền ở Anh lâu hơn bất kỳ đảng chính trị nào khác.

Trong 14 năm qua, nước Anh đã qua các thời kỳ lãnh đạo của Đảng Bảo thủ từ thủ tướng David Cameron, Theresa May cho tới Boris Johnson, Liz Truss và Rishi Sunak. Những bước đi sai lầm của các nhà lãnh đạo này trong 14 năm qua đã mở đường cho thất bại lịch sử của đảng Bảo thủ.

Từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) bị tính toán sai lầm của ông Cameron đến vụ bê bối Partygate (tổ chức tiệc tùng tại văn phòng giữa lúc phong tỏa vì dịch COVID-19) của ông Johnson, cho tới "ngân sách nhỏ gọn" thê thảm dưới thời bà Truss và những sai lầm trong quan hệ công chúng của ông Sunak, dường như lý do cử tri quay lưng với đảng Bảo thủ và chuyển sang ủng hộ Công đảng đã rõ ràng, theo báo The Independent (Anh).

Tân thủ tướng khó đoán

Theo Hiến pháp Anh, lãnh đạo của đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ trở thành thủ tướng và thành lập chính phủ mới. Như vậy, ông Keir Starmer sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Anh sau khi Công đảng do ông lãnh đạo giành được thế đa số, chấm dứt 14 năm cầm quyền đầy biến động của đảng Bảo thủ.

Trong phát biểu mừng chiến thắng ngày 5-7, ông Keir Starmer tuyên bố "sự thay đổi bắt đầu ngay bây giờ", nhấn mạnh Công đảng của ông hiện "sẵn sàng phục vụ đất nước, sẵn sàng khôi phục nước Anh để phục vụ người lao động". Ông nói: "Chúng tôi đã nói sẽ chấm dứt sự hỗn loạn và chúng tôi sẽ làm được".

Chính phủ mới của Anh đã cam kết sẽ hành động ngay lập tức để thúc đẩy phát triển kinh tế sau khi Công đảng giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, nhiệm vụ này có thể bị cản trở bởi tình hình tài chính căng thẳng mà Chính phủ Anh đối mặt sau các khoản chi tiêu khổng lồ cho dịch COVID-19.

Chính quyền của ông Keir Starmer còn hứa sẽ đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế và giáo dục, nhưng cũng nhấn mạnh nhu cầu cân đối thu chi ngân sách. Cam kết được đưa ra trong bối cảnh ngân khố Chính phủ Anh tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các khoản hỗ trợ hóa đơn năng lượng sau khi xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu mỏ và khí đốt tăng vọt.

Về chính sách đối ngoại, ông Starmer đã hứa sẽ cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu để giải quyết các vấn đề phát sinh do Anh tách khỏi khối. Ông tuyên bố Anh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Theo Hãng tin Reuters, nhìn chung về nhiều vấn đề đối ngoại, chính sách của ông Starmer tương tự như ông Sunak.

Hãng tin Reuters liệt kê ra những thách thức sắp tới, cả về đối ngoại và đối nội, mà chính quyền của ông Keir Starmer sẽ đối mặt: quan hệ với Mỹ và châu Âu, vấn đề Ukraine, Dải Gaza, Trung Quốc, vấn đề liên quan nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh Tata, vấn đề nước thải, cuộc đình công của các bác sĩ, vấn đề liên quan công ty chuyển phát thư Royal Mail, nhà bán lẻ thời trang nhanh đến từ Trung Quốc Shein.

Trong đó, về quan hệ với Mỹ, ông Starmer cho biết ông sẽ làm việc với bất kỳ ai trở thành tổng thống, nhấn mạnh quan hệ Anh - Mỹ "cao hơn mức cá nhân". Ông Starmer dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Mỹ từ ngày 9 tới 11-7.

Theo báo Washington Post, hiện nay người ta khó đoán được ông Keir Starmer sẽ là thủ tướng như thế nào. Một trong những nhà viết tiểu sử cho ông Starmer thừa nhận ông là người "khó đoán". Và ông Starmer đã biến sự mơ hồ, khó đoán thành lợi thế của mình, khiến mọi người có thể nhìn nhận ông theo cách họ muốn tin.

Bạn bè của ông Starmer mô tả ông có thể trở thành người rất cứng rắn và quyết liệt, điều mà một nước Anh "đi loạng choạng" đang cần. Những người ủng hộ Starmer hy vọng ông sẽ là một lãnh đạo mang đến thay đổi thực sự, vượt qua những chia rẽ sâu sắc trong đảng của mình.

Nhiều nước chúc mừng

Ngày 5-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã chúc mừng ông Keir Starmer về chiến thắng trên và bày tỏ mong muốn được làm việc với chính phủ mới tại Anh.

Nhiều nhà lãnh đạo khác như Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon... cũng gửi lời chúc mừng tới ông Keir Starmer.

Thủ tướng Anh thừa nhận thua cuộc, công nhận chiến thắng của Công đảngThủ tướng Anh thừa nhận thua cuộc, công nhận chiến thắng của Công đảng

Sáng 5-7, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử, chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho thủ tướng mới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên