15/11/2020 11:56 GMT+7

Ngược xuôi bến khoái: Món ngon Việt từ trang viết đậm tình

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - "Ngược xuôi bến khoái" là hình tượng được Tạ Tri chọn để mô tả công việc của mình: Ngược xuôi giữa những vùng miền để tìm hiểu và đồng cảm với các món ăn, rồi chuyển đến người đọc bằng trang viết...

Ngược xuôi bến khoái: Món ngon Việt từ trang viết đậm tình - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Các khâu đều dính đến chữ khoái, công việc của nhà báo lấy xê dịch làm khoái, đến với các món ăn thực mục sở thị và dốc lòng cảm nhận là các mức độ khoái khẩu, lại còn tìm kiếm từ trong lịch sử cộng đồng để hiểu quá trình hình thành một món ăn nào đó, quá trình lưu truyền của một món ngon từ vùng này sang miền kia diễn ra như thế nào, lắm khi phát hiện một vấn đề tồn nghi trong lịch sử món ăn mà bản thân người dân vẫn quen ăn từ bao thế hệ nhưng không nhận ra... cũng chính là chỗ sướng khoái của người viết.

Ngược xuôi bến khoái là kết quả trong nhiều năm tác giả ngược xuôi trên đường tìm hiểu văn hóa ẩm thực. Cách gọi "tùy bút ẩm thực" gợi liên tưởng về một thể loại nhẹ nhàng trên các báo, kỳ thực để thực hiện các bài viết nghiêm túc cho mảng đề tài này, người viết phải bỏ ra không ít công phu.

Và Tạ Tri chính là người chọn cho mình cách làm việc như vậy. Như viết về món chay, anh đến thủ phủ của đạo Cao Đài là Tây Ninh tìm gặp những nghệ nhân nấu chay thứ thiệt. Tìm hiểu món sò huyết danh bất hư truyền hay các loại cua, cá mú vẫn níu kéo thực khách trong Nam ngoài Bắc, anh lặn lội về đầm Ô Loan ở Phú Yên.

Hấp dẫn nhất là những trang tùy bút viết về các món ngon ở mỗi vùng miền. Đọc các trang viết về những món ăn từ nguyên liệu heo rừng được anh gọi tên "Hoài thương heo thượng" và thuật tả tỉ mỉ các cách chế biến của người dân tộc lẫn người Kinh ở vùng Tây Nguyên, cảm giác tác giả đã thuần thành với công việc bếp núc hơn cả chuyện... viết lách.

Dù vậy, độ nhạy của một người làm báo giúp Tạ Tri theo đuổi đề tài và phát hiện nhiều điểm độc đáo. Chẳng hạn như nơi nào ở Sài Gòn bán chè đặc sản Campuchia, bánh in Long Hựu có gì đặc biệt, thịt bò xóm Chăm ở An Giang với món "cơm bò" nghe lạ tai và gợi không ít tò mò, rồi ruốc Gò Công, chè mặn Huế, dược liệu Bảy Núi, các món mắm ở nhiều vùng miền...

Nhưng thú vị nhất là tác giả từng tiếp cận một nghệ nhân sở hữu công thức các món y thực (món ăn bài thuốc) từng được xem là lưu xuất từ chốn cung đình thời Nguyễn.

Qua đó, những trang viết về trà Việt, về khả năng kết hợp của trà với mắm - một công thức ẩm thực dễ gây kinh ngạc với người mới nghe; hay như lẩu gà nòi nấu cùng lá trà xanh... là những phát hiện và ghi nhận quan trọng của Tạ Tri đối với thế giới của những nghệ nhân đang tỉ mẩn lưu giữ và khuếch trương không ngừng những nét hay, nét đẹp của ẩm thực Việt.

Không chỉ đi, nếm và viết, tập sách cũng chính là tấm lòng của tác giả đối với nghịch cảnh trong đời sống người dân - chủ nhân của biết bao món mỹ thực. Lận đận giọt mắm xứ mình, Còng ngon vương bóng mẹ, Mắm muối nở hoa, Đong đầy ơn ruốc Gò Công... chính là tấc lòng tác giả ẩn đằng sau trang viết vậy.

'Uống nhầm một ánh mắt...' - Câu thơ Việt thành tên truyện ngôn tình Trung Quốc

TTO - Câu thơ 'Uống lầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời' của tác giả Thục Linh đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2004, về sau lại được dùng làm tên sách dịch ngôn tình Trung Quốc và nổi tiếng trên mạng.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên