Sinh viên CĐ dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Trần Huỳnh |
* TS Trần Ái Cầm - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành:
Nên nâng cấp trình độ tối thiểu khối ngành y dược là bậc CĐ
Đặc thù của khối y dược là liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Việc nâng cao trình độ bậc học, qua đó thời gian đào tạo cũng được tăng theo là đáp ứng với nhu cầu thực tế công việc tại các cơ sở y tế.
Nếu so sánh với hệ thống văn bằng quốc tế và nhìn trên phương diện hợp tác lao động nước ngoài - nơi họ rất cần nhân lực chăm sóc y tế (ví dụ: Nhật Bản) thì khi người lao động VN cụ thể là điều dưỡng, nữ hộ sinh đi làm việc với bằng TCCN sẽ gặp nhiều khó khăn.
Như vậy câu trả lời theo quan điểm cá nhân tôi là rất nên nâng cấp văn bằng của ngành y dược tối thiểu là bậc CĐ.
Vấn đề đặt ra là lộ trình thực hiện, để phù hợp, thuận lợi với nhóm người lao động đang làm việc tại các cơ sở y tế, và đặc biệt là đối với các học sinh đã tốt nghiệp khối sức khỏe bậc TCCN.
* ThS Trần Thị Thuận - phụ trách khoa điều dưỡng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng:
Quy định phù hợp
Quy định này là phù hợp vì:
Thứ nhất, đối với chuẩn năng lực của một điều dưỡng chuyên nghiệp, Bộ Y tế đã ban hành theo chuẩn các nước trong khu vực. Theo đó, chuẩn của người điều dưỡng chuyên nghiệp phải qua đào tạo từ 3 năm trở lên. Những người học chương trình 2 năm mới chỉ là trợ lý, phụ tá.
Thứ hai, quy định này tạo khoảng thời gian chuẩn bị giúp giảm quy mô đào tạo TCCN khối ngành y dược. Hiện nay các sơ sở đào tạo bậc TCCN khối y dược quá nhiều dẫn đến học sinh ra trường thất nghiệp. Quy định này cũng là cách báo động cho xã hội, các cơ sở đào tạo giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN khối ngành y dược.
Thứ ba, để chuẩn hóa, bắt buộc những người tốt nghiệp TCCN nhóm ngành y dược phải tiếp tục học lên CĐ, ĐH. Từ nay đến khi quy định này có hiệu lực đủ để người học có thể học nâng cao trình độ.
Quy định này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các trường và cả người học. Trước mắt, đào tạo bậc TCCN ngành y dược có thể các trường lo ngại không tuyển sinh được, học sinh cũng lo lắng… Nhưng tôi cho rằng không việc gì phải quá lo lắng.
Có hai hướng cho người học: thứ nhất, người học cần chuẩn bị tâm lý học liên thông lên bậc cao hơn để đạt chuẩn. Thứ hai, cần đầu tư học ngoại ngữ để sau này có thể đi xuất khẩu lao động ở một số nước đang rất cần nhân lực đạt chuẩn này.
Về phía các trường cần mở các khóa ngắn hạn trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cho người học.
Thực tế chỉ có các trường ĐH mới được đào tạo với chỉ tiêu rất ít (chỉ 40% chỉ tiêu chính quy), trong khi nhu cầu người học rất lớn. Vì vậy Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cần tính toán tạo cơ hội cho người học được học liên thông.
* PGS.TS Trịnh Văn Lầu - hiệu trưởng trường trung cấp Phạm Ngọc Thạch (Cần Thơ):
Thời điểm ban hành quy định không phù hợp
Đã có hàng trăm học sinh đang theo học các ngành trung cấp y dược lo lắng điện thoại tới trường hỏi về số phận các em sau khi tốt nghiệp ra trường, hàng chục giáo viên của trường hoang mang về công việc làm của họ trong tương lai.
Theo ông Lầu, tin này được đưa ra ngay trong mùa tư vấn tuyển sinh 2016 làm cho các trường đã và đang được phép đào tạo các ngành trung cấp y dược nhiều năm nay lâm vào hoàn cảnh khó khăn, lúng túng vì chưa nhận được thông tin gì từ các cơ quan quản lý giáo dục và y tế để có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho người đang học, người sẽ học và đội ngũ giáo viên của trường.
Ông Lầu đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về y tế và giáo dục có văn bản hướng dẫn kịp thời để trường có thể thoát khỏi tình trạng kể trên.
* ThS Lê Lâm - hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn:
Các trường đào tạo TCCN y dược bị động
Ở góc độ cá nhân và là người từng sử dụng dịch vụ bệnh viện, đồng thời qua quan sát thực tế ở các phòng khám, trung tâm y tế phường xã ... tôi thấy việc sử dụng nhân lực nhiều bất cập.
Có rất nhiều vị trí công tác chỉ cần trình độ trung cấp thậm chí sơ cấp vẫn có thể cáng đáng được. Không lý do gì quá gấp để chuẩn hoá theo hình thức và gây lãng phí xã hội về lao động. Trong khi chúng ta vẫn luôn khuyến khích đào tạo nghề chuyên môn sâu và chuyên đề, nghề ngắn hạn.
Việc bất cập trong sử dụng lao động có trình độ phù hợp và bằng cấp chuyên môn vẫn đang tồn tại ở các đơn vị hiện nay.
Ở góc độ trường đào tạo tôi nhận thấy học sinh tốt nghiệp TCCN ra trường đa số có việc làm phù hợp chuyên môn, chỉ có số ít tiếp tục học liên thông ngay lên bậc học cao hơn.
Về đào tạo cũng đã tạo thuận lợi nhiều cho việc đáp ứng nhân lực cho vùng sâu vùng khó khăn, chưa kể đã đào tạo bổ sung, đào tạo chuyển đổi cho anh chị em đã tốt nghiệp các ngành nghề ở bậc TCCN, CĐ, ĐH và sau ĐH. Người học ở bậc này dễ lĩnh hội kiến thức chuyên môn và tiếp cận cơ hội việc làm nhanh chóng.
Việc nhà trường chủ động tăng cường cập nhật, thay đổi chương trình đào tạo theo hướng nghiệp vụ ngành cụ thể, thực hành và thực tập tại các bệnh viện cơ sở y tế cũng là một linh động trong xã hội hoá đào tạo ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực. Chính bậc học này đã giải quyết công việc làm của khá nhiều lao động qua đào tạo ĐH,CĐ nhưng chưa có việc làm hoặc ngành nghề chưa phù hợp sở thích và chuyên môn.
Ở góc độ chính sách thì những dự thảo văn bản do bộ ban hành không đến đúng đối tượng chịu tác động để có phản hồi góp ý cụ thể và phù hợp.
Thứ nhất, hiện nay các cơ sở y tế công lập cũng đã nhanh nhạy mở các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ khám chữa bệnh ngoài giờ và cổ phần hoá bệnh viện.
Ngoài ra cũng đã phát triển khá mạnh xã hội hoá y tế trong các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế dịch vụ khác... Do đó nhu cầu nhân lực rất lớn. Vậy chính các cơ sở này có suy nghĩ và ý kiến phản hồi về nhu cầu sử dụng lao động trình độ phù hợp hay chưa.
Thứ hai, các trường đang đào tạo trung cấp bị động khi chưa được tiếp cận từ khâu dự thảo để khi ban hành thì gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động trường.
Khối ngành chăm sóc sức khỏe chưa chuẩn bị kịp lộ trình cho đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất để chuyển sang đầu tư cho ngành nghề khác.
Sinh viên học sinh đang theo học cũng thấy hụt hẫng và ảnh hưởng đến chất lượng học tập và cơ hội việc làm.
Gia đình và xã hội cũng tạo dư luận lo lắng, phân biệt trình độ không đáng có về quy định này. Chưa kể là phần lớn những người này đang phát huy rất tốt công việc chuyên môn của mình theo trình độ trung cấp ở địa phương đang làm.
Thứ ba, Bộ GD-ĐT chưa xây dựng xong khung trình độ quốc gia và các bộ ngành khá vội vàng trong việc áp chuẩn trong hội nhập ASEAN về trình độ lao động đã thực sự chưa chuẩn bị bước đệm cho chuyển đổi hoặc nâng cấp trình độ đào tạo của trong nước cho tương đương phù hợp.
Lộ trình cho các trường đào tạo, cho các đơn vị sử dụng lao động và cho cả người lao động đã và đang qua đào tạo thì gấp gáp và phân bổ khu vực chưa hợp lý...
* Bà Lê Thị Hồng Hoa - hiệu trưởng trường trung cấp Lê Hữu Trác (Hà Nội):
Bộ Y tế đã làm ngược
Đáng lẽ trước khi ra qui định này, Bộ Y tế phải có một cuộc khảo sát, đánh giá diện rộng về nhu cầu nhân lực từ các cơ sở y tế tuyến xã trở lên, đánh giá khả năng, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay và tương lai để xem khả năng đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trình độ CĐ như thế nào. Nhưng tôi cho rằng, đã không có một cuộc khảo sát đầy đủ, sâu rộng như vậy.
Để thực hiện được qui định của Bộ Y tế, tôi cho rằng cần phải có một lộ trình 10 năm, thay vì chỉ năm năm như mục tiêu của Bộ. Vì không chỉ tăng chỉ tiêu đào tạo CĐ là được, phải có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chưa kể cả nguồn tuyển…
Trong khi đó, các trường trung cấp đào tạo y dược sẽ đi về đâu? Chỉ riêng Hà Nội có 10 trường trung cấp đào tạo các ngành y dược. Có cho chúng tôi nâng cấp thành CĐ cũng không phải một sớm một chiều là đủ năng lực đào tạo CĐ hết, chúng tôi cũng cần có thời gian để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng qui định về diện tích đất đai, giáo viên, cơ sở vật chất đối với trường CĐ theo qui định hiện hành.
Qui định của ngành y tế tác động đến thí sinh ngay từ năm nay. Người học sẽ không muốn vào học trung cấp chuyên nghiệp ngay từ bây giờ.
Điều này sẽ đi ngược lại cả hai chủ trương mà lâu nay chúng ta ra sức nỗ lực thực hiện: Một là xã hội hóa giáo dục, kêu gọi đầu tư vào dạy nghề, đào tạo trung cấp; và hai là phân luồng HS sau trung học.
Bộ Y tế đã làm ngược. Đáng lẽ phải có chủ trương, cùng với Bộ GD&ĐT có kế hoạch nâng cấp các trường trung cấp trước, nghiên cứu xem xét để thống nhất lại qui định về tên gọi bậc trình độ đào tạo phù hợp với chuẩn quốc tế… trước khi ban hành một chính sách đụng chạm đến hàng trăm ngàn người như vậy.
Đúng là thế giới không có trung cấp chuyên nghiệp, chỉ có CĐ, ĐH, kỹ thuật viên y tế ở nước ngoài chỉ có trình độ CĐ. Nhưng mình muốn hội nhập thì phải đồng bộ. Không chỉ hội nhập về qui định bằng cấp tuyển dụng. Nếu không có sự chuẩn bị cho các cơ sở đào tạo, chuẩn bị nguồn được đào tạo thì lấy đâu nhân lực CĐ cho ngành y tế tuyển dụng.
Đây là một chính sách được hoạch định mà không đi sát với thực tế và không tính đến các đối tượng bị tác động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận