03/03/2016 10:45 GMT+7

Cần lộ trình thích hợp việc ngưng tuyển trung cấp y

THANH HÀ thực hiện (thanhha@tuoitre.com.vn)
THANH HÀ thực hiện (thanhha@tuoitre.com.vn)

TT - Theo quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021 sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp.

Một lớp thực hành trong phòng thí nghiệm của học sinh hệ trung cấp dược Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng
Một lớp thực hành trong phòng thí nghiệm của học sinh hệ trung cấp dược Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng

Nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh là một việc nên làm và được ủng hộ. Tuy nhiên, cần có lộ trình hợp lý, đảm bảo sự đồng bộ giữa khâu tuyển dụng, sử dụng và đào tạo nguồn nhân lực...

Đó là quan điểm của phía Bộ GD-ĐT về quy định nói trên. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Ngọc Vinh, vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho biết:

- Mấy ngày qua, nhiều cơ sở đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang khá hoang mang về việc ngành y tế không tuyển viên chức trình độ TCCN từ năm 2021. Thông tư này ảnh hưởng đến khoảng 135 cơ sở đào tạo và hơn 5.000 giáo viên đang đào tạo TCCN các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, thông tư cũng tác động tâm lý đến hàng trăm nghìn học sinh đang theo học và những người tốt nghiệp ngành này chưa có việc làm...

* Quy định trên liệu có phù hợp với thực tế đào tạo và sử dụng nhân lực cho ngành này không, thưa ông?

- Để khẳng định trình độ TCCN có phù hợp với thực tế đào tạo và sử dụng nhân lực hay không thì cần có bản mô tả công việc ở mỗi vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp và mức độ áp dụng kiến thức, kỹ năng trong công việc.

Mặt khác, nhu cầu nhân lực còn tùy thuộc vào tổ chức công việc tại các bệnh viện và tài chính cho bệnh viện. Đơn cử một ví dụ khá phổ biến: tình trạng chung của các bệnh viện từ tuyến huyện đến tuyến trung ương là mỗi người bệnh thường kéo theo 2-3 người đi chăm sóc mà lại không có nghiệp vụ. Điều này vừa tạo ra sự lãng phí sức lao động, gây ra những khó khăn nhất định tại các bệnh viện...

Nhưng nếu không cho người nhà bệnh nhân đến chăm sóc người bệnh và thay vào đó là nhân viên điều dưỡng thì ngành y tế sẽ còn thiếu rất nhiều điều dưỡng theo tiêu chuẩn chung của thế giới.

* Bộ Y tế có trao đổi với Bộ GD-ĐT trước khi ban hành quy định này không? Ý kiến của Bộ GD-ĐT về quy định này như thế nào?

- Việc ban hành thông tư này thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, nếu hai bộ cùng trao đổi với Bộ GD-ĐT thì văn bản sẽ tốt hơn. Một trong những quy định của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần nghiên cứu, đánh giá tác động của văn bản đến các đối tượng liên quan.

Những tác động tốt và tác động xấu đến người học, người lao động và các chủ thể khác cần được xem xét kỹ lưỡng để có những giải pháp chính sách và pháp luật phù hợp.

Thực tế ở nước ta, việc sử dụng nhân lực có trình độ trung cấp và CĐ không có sự phân biệt thật rõ ràng và dùng lẫn lộn hai trình độ này cho một vị trí việc làm. Hiện ở một số vị trí làm việc tại các cơ sở y tế - ví dụ như điều dưỡng viên hay trình dược viên - người được đào tạo ở trình độ trung cấp có ưu điểm là được đào tạo nghiệp vụ kỹ hơn (thực hành nhiều) đào tạo trình độ CĐ.

Ở đây cũng cần nói thêm rằng nếu theo phân loại giáo dục quốc tế thì những người tốt nghiệp TCCN hiện nay có đầu vào là đã tốt nghiệp THPT, đều được phân loại ở trình độ giáo dục sau trung học (hay còn gọi là CĐ).

Nhưng ở ta, hệ thống giáo dục có bất cập so với thế giới nên người học TCCN chịu thiệt thòi, đặc biệt nếu đi lao động ở ngoài nước.

Các cơ sở giáo dục TCCN hiện nay tuyển sinh chủ yếu là học sinh tốt nghiệp THPT học hai năm lấy bằng trung cấp, có thể coi là một bất cập. Thực tế ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Malaysia... những người học như vậy sẽ được cấp bằng CĐ.

Vì thế, điều cần thiết là khi yêu cầu trình độ CĐ, cần biết đó là CĐ gì, đâu là sự khác biệt về năng lực làm việc ở mỗi trình độ. Còn nếu chỉ nói trình độ CĐ chung chung thì e rằng lại bị mắc cái bệnh bằng cấp hình thức.

Bộ Y tế sẽ có cuộc họp ở Hải Phòng, có mời Vụ Giáo dục chuyên nghiệp và Tổng cục Dạy nghề tham dự, chúng tôi sẽ cùng trao đổi với Bộ Y tế về những vấn đề này.

TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Ngọc Hà
TS Hoàng Ngọc Vinh (vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Ngọc Hà

* Như vậy từ năm nay, các trường có nên tiếp tục tuyển sinh và người học có nên vào học trung cấp y dược nữa không, thưa ông?

- Tôi khuyến cáo học sinh nên lựa chọn các trường đào tạo có uy tín, cơ sở vật chất đầy đủ, có mối quan hệ tốt với những cơ sở khám chữa bệnh, đội ngũ thầy cô giáo tốt và phải chú ý đến nhu cầu nhân lực.

Với cách tổ chức khám chữa bệnh như hiện nay và xã hội hóa ngành y tế chưa cao thì nhân lực ngành điều dưỡng có thể xem là khá lớn, vượt quá nhu cầu. Nhưng đối với thị trường việc làm ở nước ngoài (Đức, Nhật Bản, Đài Loan) thì ngành điều dưỡng còn nhiều cơ hội, chất lượng đào tạo tốt và ngoại ngữ là một trong các ưu tiên hàng đầu...

Đối với ngành dược, học sinh tốt nghiệp nếu không làm việc trong các cơ sở y tế nhà nước thì có thể đăng ký mở quầy dược bán thuốc ở các bản làng, phường xã hoặc làm trong các nhà máy sản xuất dược phẩm.

Với các trường cần mở thêm những khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn, liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người già, hỗ trợ gia đình, đồng thời liên tục nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện cả nước có khoảng 135 cơ sở đào tạo TCCN nhóm ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, với tổng quy mô học sinh TCCN trên 126.000 người và trên 5.000 giáo viên TCCN. Trong số 135 cơ sở đào tạo ngành y tế có 80 trường TCCN, 45 trường CĐ và 10 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo TCCN.

Tính số học sinh nhập học theo ngành đào tạo chủ yếu năm 2015 là: y sĩ 21.116 người, dược 28.749 người và điều dưỡng 10.286 người.

Ngoài ra còn có học sinh theo học các ngành khác như hộ sinh trung cấp, dân số... Các học sinh TCCN ra trường trong những năm qua có thể làm việc trong các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập, hoặc đi lao động ở nước ngoài hoặc tự tạo việc làm...

* Như vậy có thể hiểu trung cấp hay CĐ chỉ là vấn đề quy định đặt tên cho trình độ đào tạo. Nếu Bộ Y tế kiên quyết giữ quy định này, liệu Bộ GD-ĐT có cho các trường trung cấp y dược nâng cấp lên thành CĐ không?

- Trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT đang trình Chính phủ xem xét ban hành cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Khi đó sẽ có sự thay đổi về việc đào tạo trình độ trung cấp, CĐ và ĐH để phù hợp với hệ thống giáo dục và đào tạo trên thế giới. Vấn đề cần định hình cho rõ thế nào là trình độ trung cấp và thế nào là trình độ CĐ, yêu cầu năng lực làm việc của mỗi loại trình độ này như thế nào trên thị trường lao động của ngành y tế.

Từ đó sẽ quyết định tiêu chuẩn trình độ đào tạo cùng chương trình đào tạo phù hợp, và kèm theo là hệ thống các trường trung cấp, CĐ theo quy hoạch mạng lưới.

Việc CĐ hóa nhân lực ngành y tế bắt đầu từ năm 2021 là một tín hiệu tốt góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và hội nhập ASEAN. Nhưng cần chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao văn bằng CĐ phải có giá trị đích thực của năng lực gắn với trình độ đào tạo.

THANH HÀ thực hiện (thanhha@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên