Bệnh nhân T. điều trị tại khoa hồi sức chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ngày 29-12, bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ, trưởng khoa hồi sức chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết bệnh nhân Nguyễn Thị T. vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy hoàn toàn, chức năng tạng vẫn còn suy, tiên lượng xấu.
Trước đó, cả gia đình bà T. có bắt được một số ốc bùn bống ở biển sau đó luộc chín để ăn. Sau khoảng 2 tiếng ăn ốc, bà T. bắt đầu bị tê bì, tay chân, miệng lưỡi, mệt nhiều, cảm giác yếu người.
Loài ốc bùn bống bệnh nhân T. ăn trước đó - Ảnh: Người nhà cung cấp
Người nhà đưa bà T. đến Bệnh viện đa khoa Tâm Trí (TP Nha Trang). Thấy bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân T. được yêu cầu chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Theo bác sĩ khoa hồi sức chống độc, ngay khi trên đường chuyển viện bệnh nhân T. bị ngừng tim. Các bác sĩ phải thực hiện các thao tác cấp cứu, hô hấp tuần hoàn.
"Khi chuyển đến khoa bệnh nhân đã rất nguy kịch, mạch không, huyết áp không, tim đã đập trở lại sau khi cấp cứu trên xe. Các bác sĩ trong khoa đã phải tiến hành lọc máu khi thấy bệnh nhân có biểu hiện suy thận cấp. Đây là ca bệnh rất hiếm gặp tại bệnh viện, có thể vì bệnh diễn biến nhanh nên ít có người bệnh được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện", một bác sĩ cho hay.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân T. nhiễm độc không phải từ chính loài ốc bùn bống mà từ một loại ký sinh trùng sống ký sinh trên loài ốc này. Tetrodotoxin là chất độc tiết ra từ loại ký sinh trùng này.
Tetrodotoxin là loại độc tố thần kinh cực mạnh, có cấu trúc khá đặc biệt nên độc tố này không bị phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao.
Người ăn phải ký sinh trùng này trong vòng 20 phút đến 3 giờ sẽ có cảm giác tê, rát ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đầu, nôn mửa, loạng choạng… Nạn nhân có thể chết sau 30 phút, nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận