Quinvaxem từng bị điều traVN đã nhập về 13 triệu liều Quinvaxem
Phóng to |
Lô văcxin Quinvaxem bị nghi gây tử vong cho bé Đ.N.N.V.A. tại Đà Lạt, Lâm Đồng ngày 16-3 - Ảnh: Mai Vinh |
Quyết định do phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Việt Hùng ký ngày 4-5 ghi rõ tạm dừng ngay việc sử dụng văcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bảo quản đúng quy định ghi trên nhãn, báo cáo quá trình nhập khẩu, phân phối, sử dụng về Cục Quản lý dược trước ngày 15-5-2013.
Nhập 42 lô, hơn 20 lô có phản ứng sau tiêm
Chỉ trong vòng sáu tháng (tính từ tháng 11-2012), đã có chín trẻ tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem, gồm ba trường hợp ở Nghệ An, một ở Kiên Giang, một ở Thanh Hóa, một ở Hà Nội, hai ở Lâm Đồng và một ở Hải Dương.
Đáng chú ý, hầu hết các bé tử vong sau tiêm đều có tiền sử khỏe mạnh, tử vong đột ngột sau tiêm tại nhà và không có hồ sơ y khoa về diễn biến bệnh cảnh trước tử vong. Ngoại trừ trường hợp bé L.T. ở Hải Dương được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương, hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hải Dương kết luận tử vong do sốc nhiễm khuẩn huyết.
Theo chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển, số trường hợp phản ứng sau tiêm nặng xảy ra trong năm 2012 được ghi nhận là 13 trường hợp (trong đó bốn trường hợp bệnh và một tử vong có thể liên quan đến tiêm chủng), năm 2011 là 10 trường hợp (trong đó bốn trường hợp có thể liên quan đến tiêm chủng, không có tử vong).
Tuy nhiên, chỉ trong vòng sáu tháng có đến chín trường hợp tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem, mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng về sự liên quan của văcxin nhưng cũng chưa có bằng chứng để loại trừ căn nguyên này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-5, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho hay trong số 42 lô văcxin Quinvaxem đã nhập về VN, có đến trên 20 lô xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm từ nhẹ đến nặng. Ông Huấn cũng cho rằng văcxin có thành phần ho gà tế bào toàn phần (như Quinvaxem - PV) là một trong những loại văcxin có tỉ lệ gây phản ứng cao nhất.
Sau mỗi trường hợp phản ứng nặng sau tiêm Quinvaxem, sở y tế các tỉnh thành Lâm Đồng, Hà Nội, Bình Định, Kiên Giang, Nghệ An... đều đã tạm ngừng lô văcxin Quinvaxem liên quan đến tai biến tại địa phương mình.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết mặc dù kiểm định lô văcxin liên quan đến ca tử vong tại Gia Lâm (Hà Nội) hồi tháng 1-2013 cho kết quả chất lượng văcxin đảm bảo độ an toàn, nhưng Hà Nội vẫn đang cho dừng lô văcxin này (hiện còn khoảng 3.000 liều), chờ hướng dẫn tiếp của Bộ Y tế.
Phóng to |
Số vỏ văcxin Quinvaxem sau sử dụng tại trạm y tế xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) đầu tháng 1-2013 - Ảnh: Quang Thế |
Thay thế bằng cách nào?
Trung bình mỗi năm, VN sử dụng tới 4,5 triệu liều văcxin Quinvaxem để chủng ngừa năm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib cho 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi. Hiện tại, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về phương án văcxin thay thế Quinvaxem nhưng đại diện Cục Quản lý dược cho rằng có thể thay thế bằng các loại văcxin viêm gan B, Hib đơn liều và văcxin phối hợp ngừa ba bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
“Nếu có đề xuất nhập khẩu văcxin thay thế cho chương trình tiêm chủng mở rộng, Cục Quản lý dược sẵn sàng” - vị đại diện này cho biết.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, do văcxin Quinvaxem sử dụng cho nhóm trẻ dưới 1 tuổi, còn văcxin phối hợp ngừa ba bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván lại dùng cho trẻ trên 18 tháng tuổi, nên đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để các địa phương có phương án và văcxin tiêm ngừa cho trẻ em. Ông Cảm cũng nhấn mạnh năm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib đều là bệnh nguy hiểm, nếu không có văcxin chủng ngừa trong thời gian dài có thể để lại “lỗ hổng tiêm chủng”.
Còn ông Trịnh Quân Huấn cho rằng trong tình hình hiện nay, rất nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm ngân sách hoặc tìm thêm nhà tài trợ để có thể có văcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thay thế Quinvaxem có chất lượng đảm bảo hơn.
Có nhiều loại văcxin khác Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết nếu việc tạm ngừng trong thời gian ngắn (khoảng 15 ngày) mà có văcxin trở lại thì không ảnh hưởng đến việc phòng bệnh của trẻ. Nếu thời gian tạm ngừng lâu hơn, Bộ Y tế cần có phương án tìm văcxin khác thay thế. Tuy nhiên, phụ huynh có điều kiện vẫn có thể cho bé đi chích ngừa dịch vụ vì hiện nay ở các bệnh viện nhi, Viện Pasteur TP, Trung tâm Y tế dự phòng TP và trung tâm y tế dự phòng các quận huyện... đều có nhiều loại văcxin khác phòng các bệnh nói trên cho trẻ. L.TH.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận