18/01/2012 08:30 GMT+7

Ngư dân đón tết trên biển

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Những ngày cuối năm ở cảng Bến Đá, Bến Đình (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu), bên cạnh những người chộn rộn trở về quê đón tết cũng không ít ngư dân đang lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt vào đúng những ngày xuân.

Bw1lvsxn.jpgPhóng to
Ghe mực của anh Tô Nguyên Định lấy nước đá ở bến cảng tại TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu chuẩn bị ra khơi đón tết trên biển - Ảnh: L.Vân

Cảng Bến Đá, Bến Đình nằm trải dài từ P.5 đến P.10, TP Vũng Tàu, là nơi các tàu thuyền tập trung cập cảng và xuất bến đi đánh bắt cá ở nhiều vùng biển trải dài từ Côn Đảo cho tới Indonesia, Malaysia, Philippines...

Ngư dân của cảng biển này đều là dân từ các tỉnh miền Trung vào Vũng Tàu, lập nghiệp bằng nghề đi biển. Ghe cào của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... thì đi đánh bắt vùng biển khu vực Đông Nam Á; ghe mực chủ yếu của ngư dân Bình Định, Quảng Ngãi... nổi tiếng với nghề câu cá ngừ đại dương.

Lênh đênh

Tại cảng Bến Đá, khi những ghe cào đi biển từ hai tháng cho tới nửa năm trước vội vã vào bờ thì với những ngư dân đi ghe mực, đây mới là thời điểm họ bắt đầu đi biển, đón tết biển bằng những chuyến đi câu ngoài khơi xa. Những ngày cận tết, khu cảng biển tấp nập, chộn rộn nhiều cảm xúc. Những ghe cào đi biển cả nửa năm mới vào bờ thì háo hức chuẩn bị sơn, sửa tàu, ghe để gửi bến rồi về quê đón tết cùng gia đình. Còn các ghe mực cũng tất bật cho chuyến đi biển từ khoảng 18, 19 tháng chạp năm 2011 cho tới qua Tết Nguyên đán.

Nhiều ngư dân ở đây có thâm niên gần 30 năm đi biển thì có tới hơn 10 lần ăn tết trên biển. Chị Hồ Thị Kim Hoa - chủ một ghe mực ở Bình Định - vừa đi chợ Bến Đá để mang về ghe sửa soạn đồ tết cho chồng đi biển. Đây sẽ là chuyến đi biển dài tới qua tết của chồng chị.

Buổi đi chợ của chị Hoa hôm nay như một buổi chợ sắm đồ tết sớm. Chị mua bánh mứt, hạt dưa, nhang, giấy vàng hàng mã để chuẩn bị cho chồng cúng giao thừa trên biển. Bao giờ cũng vậy, chị thường mua dư thêm một chút bánh, mứt cho chồng và bạn đi ghe có thêm chút bánh trái ăn trong ngày tết.

Chị Hoa dặn dò chồng rất kỹ từ việc cúng tết ông Táo như thế nào, canh giờ giao thừa để cúng biển, cúng vọng ông bà tổ tiên từ ngoài khơi ra sao... Anh Định - chồng chị Hoa - đã quen với việc thiếu vợ con trong những ngày tết đi biển và cũng rất kỹ lưỡng trong việc cúng kiếng đón tết biển như thế nào.

Với những ngư dân như anh Định, cái tết cổ truyền rất thiêng liêng nên dù ở bờ hay ngoài biển, họ cũng cố gắng đón giao thừa thật tươm tất, rồi sau đó tiếp tục với công việc đánh bắt ngoài biển.

Ghe của anh Định cập bến lấy nước đá cho hầm đông lạnh. Chuyến đi biển này anh sẽ đi từ ngày 19 tháng chạp năm Mão tới rằm tháng giêng năm Thìn mới vào bờ. Nhiều ghe mực khác ở Bình Định cũng vội vã vào lấy đá, lấy dầu và lương thực chuẩn bị cho chuyến đi biển vào dịp tết. Lương thực đã có cả bánh mứt, bia, nước ngọt... cho chuyến đi biển vào ngày tết.

Cành mai ngoài biển xa

Bữa cơm tất niên sớm của gia đình ngư dân Võ Văn Đàng quê ở Bình Định được kết hợp với buổi họp mặt gia đình trước khi anh Đàng đi biển. Trong buổi tất niên sớm này, vợ anh Đàng cũng từ Bình Định đến Vũng Tàu để chuẩn bị lương thực cho chồng đi biển.

Ở đây, các chủ ghe gọi người làm thuê cho họ trên ghe trong các chuyến đi biển là bạn ghe. Bạn ghe của anh Đàng có anh Thành, quê Thanh Hóa, anh Phương quê Bình Định. Anh Phương mới 26 tuổi nhưng đã 14 năm đi biển. Từ năm 12 tuổi, anh cùng với gia đình đi ghe. Còn nhỏ, chưa làm nghề biển được thì Phương làm anh nuôi nấu cơm, phơi cá, mực giúp người lớn. Nghề biển lớn dần ở anh như vậy.

Đến giờ thì chàng trai dân biển Bình Định với nước da sạm nắng rắn rỏi đã trở thành dân biển thạo nghề. Ấy vậy mà nhắc tới sáu cái tết ngoài biển, anh Phương vẫn bùi ngùi: “Tết ngoài biển bần thần dữ lắm. Nhớ gia đình, nhớ bữa cơm tết, nhớ bạn gái nhiều mà bốn bên chỉ thấy biển”.

Còn anh Thành, quê Thanh Hóa thì đã 20 năm đi biển với ba cái tết ngoài khơi, chia sẻ: “Vì cuộc sống và tương lai cho con thôi chứ có ai muốn xa quê vào ngày tết đâu? Nhớ thì rất nhớ nhưng công việc nặng nhọc rồi cũng làm mình nguôi ngoai. Anh em bạn ghe đi biển chỉ đón giao thừa xong lại tiếp tục thả câu, quăng lưới. Đời đi biển là vậy”.

Mỗi chuyến đi biển ngày tết như vậy nếu gặp may ngư dân có thể thu về 3-6 triệu đồng. Nhưng thời điểm cận tết thường sóng lớn, đi biển vất vả hơn nên cũng có khi ghe về chỉ đủ tiền lương thực, dầu, nước đá làm hầm đông lạnh. Vì vậy mà “bạn ghe” có khi cũng chỉ được 1-2 triệu đồng tiền xe đi lại về quê.

Sau bữa cơm tất niên, ngư dân Võ Văn Đàng vội vã tranh thủ lúc nước lớn để chuẩn bị đi biển. Anh dùng một loại nước thuốc truyền thống của dân biển để rửa ghe lấy may. Một ghe của ngư dân khác là anh Huỳnh Văn Nước cũng đang cúng biển trước khi xuất bến.

Hầu hết ngư dân đều chuẩn bị bữa cơm cúng biển rất thịnh soạn. Họ tin rằng với lòng thành, biển sẽ mang đến may mắn và cho ngư dân thuận buồm xuôi gió, được mùa đánh bắt ngoài khơi.

Những người vợ sau khi chia tay chồng đi biển sẽ bắt xe về quê đón tết. Họ đã quen với những cái tết vắng chồng. Tết biển, những ngư dân sẽ vẫn giong buồm lênh đênh ngoài khơi xa. Chúng tôi vừa cảm thấy ấm áp vừa xốn xang khi nhìn cành mai mua sớm trên ghe anh Định. Nhưng anh Định và nhiều ngư dân khác cùng có niềm tin rằng: Tết biển dù ở xa nhưng vẫn rất gần, bởi họ luôn mang theo tình cảm ấm áp, mong ngóng người thân trở về với tôm cá đầy ghe của vợ con ở quê nhà.

Xuân ở khơi xa

Những chuyến đi biển vào mùa tết thường bắt đầu từ ngày 17-19 tháng chạp. Ngư dân sẽ phải chuẩn bị vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng bao gồm tiền dầu, đá, lương thực... cho cả ghe. Ngư dân tính thời gian đi biển bằng một lần trăng (một tháng). Cứ sau rằm họ đi biển và khi thấy trăng tròn ngoài biển là trở về cảng, nghỉ trên ghe khoảng 20 ngày lại tiếp tục ra khơi. Cả năm họ cứ lênh đênh ngoài biển với những chuyến đánh bắt như vậy. Có khi một năm ở nhà chỉ khoảng một tháng là nhiều nhất nhưng lại không có mấy năm thời gian nghỉ ấy rơi vào những ngày tết.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên