18/12/2017 16:39 GMT+7

Ngư dân bỏ tiền 'mua biển' và án phạt 'thẻ vàng' từ EU

Đ.HÀ - Đ.TRONG - T.MAI -  N.HÙNG - M.TRƯỜNG - D.KHÁNH - L.TRUNG - T.MẠNH - D.THANH - K.NAM - TRẦN MẠNH
Đ.HÀ - Đ.TRONG - T.MAI - N.HÙNG - M.TRƯỜNG - D.KHÁNH - L.TRUNG - T.MẠNH - D.THANH - K.NAM - TRẦN MẠNH

TTO - Bên ngoài, án tù và tiền phạt vì ngư dân vi phạm lãnh hải các quốc gia khác. Bên trong, EU rút "thẻ vàng" và chực chờ "thẻ đỏ". Hải sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ.

Ngư dân bỏ tiền mua biển và án phạt thẻ vàng từ EU - Ảnh 1.

Ngư dân đi tàu gỗ lưới vây kéo lưới trên Biển Đông vào tờ mờ sáng - Ảnh: NGỌC HIỂN

Một trong những nội dung mà EU nhấn mạnh khi rút thẻ vàng với hải sản Việt Nam là "thiếu hành động để chấm dứt các hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển của các nước láng giềng" mà đó lại là chính là sinh kế của nhiều ngư dân.

Còn 4 tháng nữa, hải sản Việt Nam đứng trước nguy cơ bị "rút thẻ đỏ" nếu không thay đổi.

Vô tình vi phạm

Tháng 9-2017, ông Đỗ Thành Đạt (Hoài Nhơn, Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 11 ngư dân hành nghề lưới vây ở vùng biển Trường Sa. Do gió lớn, lại ở vùng biển sâu không thể thả neo nên tàu ông bị dạt đến vùng biển Brunei. 

"Họ bắt giữ và nói chúng tôi xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái phép. Tôi bị phạt 10 tháng tù, còn 11 người đi bạn bị phạt mỗi người 1 tháng tù phải đóng tiền mới được thả", ông Đạt kể.

Ông Đạt cho rằng trước đó đã được tuyên truyền không đánh bắt ở vùng biển nước khác nhưng thực tế khi ra biển thì không biết được chính xác đâu là vùng biển tiếp giáp, đâu là vùng biển nước bạn, ngoài ra vì tàu bị gió lớn đánh dạt đi nên mới gặp "sự cố". 

Bên cạnh việc không có phương tiện xác định khu vực biển chồng lấn, nhiều ngư dân cũng vô tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều chủ tàu cá cho biết đến khi tàu của họ bị nước sở tại bắt giữ, họ mới biết việc đánh bắt là bất hợp pháp.

Nhiều ngư dân cho biết nhiều trường hợp đánh cá ở vùng biển giáp ranh, chồng lấn nhưng vẫn bị nước ngoài bắt giữ. Nhiều ngư dân thời gian qua cũng biết được chuyện "thẻ vàng EU" với hải sản và nguy cơ ảnh hưởng đến sinh kế của họ nếu EU "rút thẻ đỏ". 

Ngư dân bỏ tiền mua biển và án phạt thẻ vàng từ EU - Ảnh 2.

Tuy nhiên, đa số ngư dân trước nay chỉ biết đóng tàu ra biển khai thác theo truyền thống, họ không hiểu cách khai thác của mình là vi phạm, hay phải chuyển đổi như thế nào để đảm bảo được cuộc sống.

Ngư dân bỏ tiền mua biển và án phạt thẻ vàng từ EU - Ảnh 3.

Còn trúng nên còn liều

Đại tá Phạm Quang Oánh - Chính ủy Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4 - cho biết ngư dân nắm về luật biển Việt Nam và luật biển của các quốc gia trong khu vực chưa chắc, có khi còn chưa phân định rõ vùng biển chỗ nào của ta, chỗ nào của nước khác nên đã vi phạm khi khai thác hải sản.

Nhưng cũng có nhiều ngư dân Việt Nam vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn cố tình vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản trái phép.

Có trường hợp nhiều lần bị bắt giữ, bị xử lý, đã được các lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền nhưng vì lợi nhuận nên tiếp tục vi phạm.

Ông Đinh Công Khánh, một ngư dân nhiều năm kinh nghiệm đi biển xa bờ ở huyện Phù Cát (Bình Định), kể cách đây mấy năm đã từng đánh bắt hải sản ở vùng biển Malaysia.

Cứ đêm đến là tàu chạy vào vùng biển của họ bủa lưới, thả câu, rồi sáng thì chạy ra vùng biển của mình. Biển nước ngoài hải sản rất nhiều, đánh rất "trúng" nên chủ tàu phải liều.

Nhưng sau khi thấy nhiều tàu cá của Việt Nam bị bắt, anh em ở tù nên ông Khánh bỏ, không đánh bắt ở vùng biển nước bạn nữa.

Ngư dân bỏ tiền mua biển và án phạt thẻ vàng từ EU - Ảnh 4.

Đồn biên phòng Gành Dầu (Phú Quốc, Kiên Giang) phổ biến pháp luật cho ngư dân trước khi ra biển - Ảnh: TIẾN VINH

"Nhưng hiện vẫn có tàu cá của ngư dân Việt Nam cố ý vào vùng biển các quốc gia lân cận để đánh bắt vì ngư trường của Việt Nam hiện bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản không còn nhiều", ông Khánh giải thích.

Ông Nguyễn Văn Cường (52 tuổi, ngụ ở TP Rạch Giá, Kiên Giang), làm thuyền trưởng tàu cá gần 20 năm, cho biết do ngư trường trong nước cạn kiệt, nên từ mấy năm nay đã xuất hiện một số người đứng ra môi giới đưa tàu đi đánh cá tại các vùng chồng lấn, thậm chí sang vùng biển nước khác mà dân trong nghề gọi là "mua biển". 

Giá "mua biển" của mỗi chuyến ra khơi khoảng 20 ngày dao động 50-80 triệu đồng. "Nói là mua nhưng thực chất là hợp đồng miệng giữa người môi giới với doanh nghiệp đánh cá nước sở tại", ông Cường cho hay.

Một ngư dân tại Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết ông từng có hợp đồng "mua biển" nhưng vẫn bị bắt giữ nên phải bỏ tiền tỉ để chuộc ghe về. Từ đó đến nay ông không dám cho tàu cá của mình ra đánh bắt ở vùng biển của nước bạn nữa. 

"Để an toàn và chắc ăn, tôi cấm tuyệt đối tài công không được sang vùng biển nước bạn hay vùng đang chồng lấn để đánh cá", ngư dân này nói.

Cam kết không tái phạm

Lão ngư Nguyễn Văn Mạnh ở xã Phước Tỉnh (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) có sáu chiếc ghe đánh cá ở vùng biển Việt Nam không khỏi lo lắng trước thông tin nguy cơ EU không cho nhập khẩu hải sản Việt Nam. 

"Thế thì nguy lắm, ngư dân khó làm ăn, đói chứ không phải chơi. Hải sản đánh bắt được chỉ còn cách bán cho Trung Quốc và bị ép giá", ông Mạnh nói.

Với thâm niên 45 năm bám biển, ngư dân Phan Văn Hiếu, phó chủ nhiệm Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng 3 (TP Phan Thiết, Bình Thuận), trăn trở khi nhắc đến chuyện hải sản bị EU "rút thẻ vàng". 

Ông Hiếu cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đánh bắt vi phạm lãnh hải nước ngoài là do ngư dân ta từ xưa đến nay khai thác theo kiểu tận diệt, không có kế hoạch. 

"Nhiều ngư dân nhiều đời cứ tự hào cá tôm biển ta dồi dào nên khai thác bừa bãi mới dẫn đến cạn kiệt, rồi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Bây giờ lo lắm", ông Hiếu nói.

Ở cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), trong hơn một tháng qua các ngư dân cũng lên mạng tìm hiểu về "thẻ vàng EU". 

Ngư dân Nguyễn Văn Thu (xã Bình Châu) hai lần bị Úc và Palau bắt giữ, sau khi được tuyên truyền vận động đã đóng mới một chiếc tàu cá, đầu tư bể nuôi cá trên tàu. 

"Từ ngày đóng tàu mới tôi chỉ chuyên tâm đánh bắt ở ngư trường Việt Nam", ông Thu cho biết và nói thêm bây giờ mỗi lần xin giấy ra khơi là các chiến sĩ biên phòng lại nhắc nhở và bản thân ngư dân cũng viết cam kết không đánh bắt ở lãnh hải các nước.

Thuyền trưởng tàu QNg 90504 Nguyễn Tấn Hải (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vừa được quốc đảo New Caledonia trả về nước sau khi mãn án tù vì đánh bắt ở vùng biển nước này và bị bắt giữ ngày 8-2 cũng tâm sự: "Mấy chú xuống nhà, khuyên nhủ mình đủ điều. Mình cũng nhận ra cái sai và viết bản cam kết không tái phạm nữa".

Ngư dân bỏ tiền mua biển và án phạt thẻ vàng từ EU - Ảnh 5.

Những hoạt động khắc phục "thẻ vàng EU" - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Đ.HÀ - Đ.TRONG - T.MAI - N.HÙNG - M.TRƯỜNG - D.KHÁNH - L.TRUNG - T.MẠNH - D.THANH - K.NAM - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên