17/03/2015 09:20 GMT+7

Ngột ngạt tầng hầm các khu mua sắm, siêu thị

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ

TT - Tầng hầm của các tòa nhà ở TP.HCM và Hà Nội không chỉ là nơi để xe, có nơi là chợ - siêu thị, có nơi vừa để xe vừa làm siêu thị.

Tầng hầm giữ xe của một tòa nhà ở Q.1, TP.HCM phải trang bị nhiều quạt thông hơi cỡ lớn để xua bớt không khí nóng bức, ngột ngạt ở đây - Ảnh: Thuận Thắng

Sau vụ ngạt khí tại siêu thị Big C (tòa nhà The Garden Hà Nội), phóng viên Tuổi Trẻ đã khảo sát tại tầng hầm các tòa nhà cao tầng, siêu thị, bệnh viện... Tuy chưa đến mức nguy hiểm như siêu thị Big C Hà Nội nhưng cảm nhận chung là không khí rất ngột ngạt.

Thực tế cho thấy tầng hầm của các tòa nhà ở TP.HCM và Hà Nội không chỉ là nơi để xe, có nơi là chợ - siêu thị, có nơi một phần chỗ để xe, còn phần khác là siêu thị.

Ngạt khí do quá nhiều xe máy nổ máy cùng lúc

Chiều 16-3, tại khu vực hầm gửi xe và trung tâm mua sắm Big C Garden (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), không khí hoạt động tấp nập như thường ngày. Các hầm đỗ xe máy (B2), đỗ ôtô (B3) có hàng nghìn lượt xe ra vào tấp nập. Trong khi đó, tại tầng hầm B1 - nơi đóng siêu thị Big C - khách hàng vẫn tới mua sắm đông đúc.

Hiện trường khu vực xảy ra vụ ngất xỉu đồng loạt không có gì thay đổi - các nhân viên lễ tân, bảo vệ, thu ngân, bán hàng làm việc bình thường. Khi được hỏi liệu có lo sợ sự cố tương tự xảy ra không, một nữ nhân viên thu ngân ở đây cười xòa nói: “Đó là do sự cố không mong muốn, còn bọn em được phân công công việc thì vẫn phải làm như mọi ngày”.

Từng xảy ra vụ nổ do tích tụ khí

Một cán bộ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết tại TP.HCM cách đây khá lâu (năm 2008) có vụ nổ tại tầng hầm khách sạn Caravelle (Q.1) được kết luận là do lỗi thiết kế.

Trong tầng hầm có khu vực dưới đường dẫn dành cho xe chạy lên có một khu vực kín, không có thông gió, đây lại là nơi có miệng hố chứa chất thải, bể chứa cặn xăng dầu rửa xe...

Khu vực kín này có khí tích tụ lâu ngày và phát nổ khi có tia lửa điện... Vụ nổ khiến hai người bị thương nhẹ.

Cho tới nay toàn bộ số người bị ngất xỉu gồm 18 nhân viên thu ngân, hai nhân viên vệ sinh đã xuất viện trong ngày 15-3.

Theo thông cáo phát đi chiều 16-3 của Công ty CP quản lý bất động sản Bình Minh Thăng Long (Tập đoàn Bitexco, đơn vị quản lý tòa nhà The Garden), đơn vị này kết luận nguyên nhân sơ bộ dẫn tới sự cố là do hiện tượng thiếu khí cục bộ tại khu vực thu ngân.

Điều này bắt nguồn từ một sự kiện lớn thu hút đông người hâm mộ được tổ chức trong tòa nhà, khi sự kiện kết thúc, một số lượng xe máy đông đúc cùng dồn về cửa ra bãi đỗ xe tầng hầm, tạo ra lượng khí thải từ ống xả xe máy lớn hơn bình thường. Trong khi đó thời tiết đang có mưa phùn, độ ẩm không khí rất cao và không có gió, dẫn tới sự cố ngạt khí.

Trả lời về việc liệu tầng hầm B1 có được chủ đầu tư xây dựng nhằm mục đích làm trung tâm thương mại hay chỉ đơn thuần là tầng để xe, ông Tạ Văn Thành - trưởng phòng PR Công ty Bình Minh Thăng Long - nói không nắm rõ được thiết kế ban đầu.

Nhưng trước khi đưa vào hoạt động, Big C Garden đã được các cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ về yếu tố an toàn kỹ thuật cũng như về thương mại... “Việc cần thiết nhất là phía ban quản lý và Big C đã ngồi họp với nhau để rút kinh nghiệm sâu sắc sau sự việc. Chúng tôi sẽ xây dựng các phương án đề phòng và xử lý sự cố nếu có những sự kiện đông người tương tự được tổ chức tại đây” - ông Thành nhấn mạnh.

Ngột ngạt

Chiều 16-3, nhiều người dân phải xếp hàng để vào bãi giữ xe tại tầng hầm khu khám bệnh thuộc Bệnh viện Từ Dũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM). Tại đây khi lấy vé xe ở ngoài tòa cao ốc, khách chạy vòng xuống tầng hầm để gửi xe. Bên trong hàng trăm xe máy xếp dày đặc, chỉ chừa một lối đi ở giữa cho khách ra vào.

Tiếng pô xe nổ xình xịch kèm theo khói xe bốc lên trong không gian chật hẹp, không khí nóng hầm hập. Tại đây có đến hai tầng hầm làm bãi giữ xe và số lượng khách ra vào mỗi ngày rất đông, trong đó có nhiều sản phụ, người mang thai.

Hầm giữ xe Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (Q.Bình Thạnh) cũng trong tình trạng tương tự, không khí lúc nào cũng nóng bức. Để tận dụng ánh sáng, không khí tự nhiên, bệnh viện thiết kế các cửa nhỏ nằm phía trên tầng hầm để thông gió, đồng thời trang bị một số quạt điện nằm sát các bức tường để hạn chế không khí ngột ngạt cho khách gửi xe.

Còn tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận), phía tầng hầm gửi xe được gắn các hệ thống điều hòa để làm mát nhưng khi đi vào tầng hầm thì không khí cũng ngột ngạt, khó thở. Anh Hoàng Văn Tiến, ngụ ở tỉnh Trà Vinh (người đi thăm bệnh), cho biết: “Khi ở ngoài tầng hầm thì mình hít thở rất thoải mái, còn vào trong tầng hầm thấy nặng nề lắm. Chắc là do xe cộ chạy ra vào nhiều nên thiếu oxy”.

Nằm gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tòa nhà C.T Plaza cao 11 tầng, có một tầng hầm giữ xe với sức chứa hàng ngàn xe máy. Dù trang bị hệ thống quạt cỡ lớn bố trí dọc theo các cột trong tầng hầm, nhưng khách vào đây vẫn bị cảm giác ngột ngạt. Muốn vào gửi xe phải xuống tầng hầm thứ hai dốc khá cao.

Bà Nguyễn Thị Tố Trinh, phụ trách quản lý hành chính tòa nhà C.T Plaza, cho biết khu vực tầng hầm có quy mô 4.000 chỗ đỗ xe máy, tổng diện tích 2.500m2. Hệ thống tầng hầm đỗ xe đều có hệ thống camera quan sát và 8-10 người trực.

Ngoài hệ thống quạt lớn, tầng hầm còn có hệ thống thu nước tràn, hệ thống hút hơi từ tầng hầm lên tới tầng thượng. Về vấn đề một tầng hầm khá lớn nhưng chỉ duy nhất một lối ra vào, bà Trinh cho rằng thiết kế có sẵn như vậy nhưng nếu có điều kiện sẽ làm lối ra vào riêng biệt nhau.

Khách đến gửi xe tại siêu thị Big C An Phú thuộc tòa nhà Daewon (Q.2) đều chạy xe thẳng vào trong bãi. Đi dọc khu vực bãi giữ xe, không khí phía dưới tầng hầm nóng bức, ngột ngạt đến khó thở. Chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ P.An Phú, Q.2) cho biết cuối tuần chị thường đi siêu thị Big C An Phú mua hàng. Có hôm khách gửi xe đông phải xếp hàng để gửi xe. Tiếng pô xe, hơi nóng từ tầng hầm kèm theo khói xe bốc lên rất khó thở.

Tầng hầm của một tòa nhà ở Hà Nội để kín mít xe máy - Ảnh: L.Hoài

Không chỉ là chỗ giữ xe...

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại nhiều tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy công năng tầng hầm ở mỗi tòa nhà lại được bố trí và sử dụng rất khác nhau. Theo một chuyên gia xây dựng, việc thiết kế và bố trí tầng hầm nhà cao tầng tại Hà Nội chủ yếu dành cho hai nhóm việc: nơi họp chợ, làm siêu thị, trung tâm thương mại; nơi để xe máy, ôtô.

Bỏ lửng quy định về để xe máy dưới tầng hầm

Theo quy định của Bộ Xây dựng, đối với các công trình, dự án nhà ở cao tầng đã hoàn thành, cứ 100m2 diện tích sử dụng của căn hộ phải bố trí tối thiểu 20m2 chỗ để xe, kể cả đường nội bộ trong nhà xe (đối với nhà ở thương mại) và 12m2 (đối với nhà ở xã hội).

Trường hợp nhà xe đặt trong tầng hầm và nửa hầm của chung cư, buộc phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của QCVN 08:2009/BXD.

Tuy nhiên theo tìm hiểu, quy chuẩn này chỉ có hai phần chính đề cập tới tàu điện ngầm và gara ôtô, không hề có quy định nào về tầng hầm để xe máy tại các tòa nhà.

Cũng giống như tầng hầm tòa nhà The Garden, ngoài khu vực bố trí để xe, tầng hầm tòa nhà Keangnam (Q.Nam Từ Liêm) được bố trí một phần diện tích làm siêu thị, trung tâm thương mại. Tại tầng hầm để xe máy liên tục có vài trăm xe, đặc biệt vào thời điểm cuối tuần có lúc có tới hàng ngàn xe.

Tương tự tại tòa nhà Lotte, khu vực tầng hầm được bố trí một phần diện tích làm siêu thị, một phần làm hầm trông giữ xe và có lúc lên tới hàng ngàn chiếc. Theo ghi nhận, tại những tòa nhà bố trí hầm làm nơi để xe, việc thiết kế tầng hầm, sắp xếp xe cũng rất cảm tính không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào.

Tại khu chợ - trung tâm thương mại Hàng Da, chợ - trung tâm thương mại Cửa Nam, tầng hầm còn được bố trí làm nơi họp chợ truyền thống. Tại đây dưới tầng hầm nằm sâu cách mặt đất 4-5m, hàng trăm kiôt với đủ loại mặt hàng được để dưới hầm.

“Họ bố trí chợ truyền thống họp dưới tầng hầm thì tôi đi chợ sáng phải xuống đó mà mua. Mới đây nghe thông tin hàng chục người ngạt khí ở tầng hầm siêu thị Big C nên thấy lo lo” - bà Nguyễn Thị Vân (P.Cửa Nam, Q.Hoàn Kiếm) nói.

Tại tầng hầm xe máy của tòa nhà khách sạn - trung tâm thương mại, văn phòng Grand Plaza có hàng ngàn xe máy gửi trong tầng hầm. Khu vực tầng hầm giữ xe máy nằm cách mặt đất hàng chục mét và phải đi qua tầng hầm đỗ ôtô mới tới được hầm để xe máy. Chiều cao của tầng hầm chỉ hơn 3m, nhưng lượng xe rất nhiều, đậu kín cả tầng hầm.

Theo ghi nhận, khu tầng hầm dành cho xe máy có hai đường cho xe ra khỏi quầy soát xe, mỗi đường ra chỉ cho phép một xe đi lọt. Thời điểm ra vào tầng đông, các xe phải xếp hàng đợi nhau và tất cả đều trong tình trạng nổ máy. Đây là lúc ngột ngạt khí thở nhất.

Sẽ tăng cường kiểm tra

Chiều 16-3, đại tá Lê Tấn Bửu, giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP.HCM, cho biết vừa chỉ đạo đơn vị tham mưu lên kế hoạch tổng rà soát các trung tâm thương mại, các công trình công cộng lớn tại TP.HCM để phòng ngừa các trường hợp ngạt khí, ngộ độc khí sau vụ việc ngạt khí, ngộ độc khí thải tại siêu thị Big C, tầng hầm tòa nhà The Garden Hà Nội.

“Trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi chưa ghi nhận có vụ việc ngộ độc khí, ngạt khí do khí thải xảy ra tại các trung tâm thương mại hay các công trình công cộng lớn. Trong quá trình kiểm tra định kỳ theo quy định, chúng tôi đều chú ý tới các vấn đề về khoảng cách an toàn, điều kiện thoát khí thải, thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ và các khu vực có khả năng xảy ra ngộ độc khí”.

Theo ông Phan Ngọc Diêu - nguyên trưởng Phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng Sở Xây dựng TP.HCM, hiện tượng tầng hầm của các tòa nhà ngột ngạt, thiếu không khí có thể do nhiều nguyên nhân.

Trước hết phải coi bản vẽ thiết kế để xem có lỗi trong thiết kế hay không, sau đó xem xét trong quá trình sử dụng có bố trí các hạng mục làm cản hoặc bít họng thông gió. Tiếp đến là kiểm tra vận hành đúng không, có tắt bớt quạt thông gió để tiết kiệm điện hoặc quên mở...

KTS Nguyễn Trường Lưu, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, cho rằng việc thông khí thông gió trong tầng hầm chỉ có thể sử dụng giải pháp kỹ thuật, không có giải pháp về mặt kiến trúc. Nhà đầu tư xây hầm cho tòa nhà phải bảo đảm cho xe được nổ máy chạy trong hầm chứ không thể xe vô hầm tắt máy.

Các tòa nhà nên lắp đặt đồng hồ đo thán khí trong tầng hầm có màn hình tại phòng trực. Qua đồng hồ, người quản lý có thể kiểm soát 24/24 giờ chất lượng không khí tại tầng hầm, tránh xảy ra hiện tượng như tại Hà Nội vừa qua.

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên