01/12/2018 13:55 GMT+7

Ngọt ngào giai điệu tài tử

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Sau gần 5 tháng diễn ra, chương trình Tài tử miệt vườn của Đài PT-TH Đồng Tháp sẽ về đích với đêm thi chung kết xếp hạng tối 2-12 tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp.

Ngọt ngào giai điệu tài tử - Ảnh 1.

Nguyễn Kim Chi (trái) và Nguyễn Thị Mỹ Duyên - hai trong sáu thí sinh được chọn vào đêm thi chung kết xếp hạng - Ảnh: L.ĐOAN

Sáu gương mặt được ban giám khảo chọn lựa từ gần 500 thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi sẽ tranh tài tại đêm chung kết (truyền hình trực tiếp trên kênh THĐT1).

Niềm vui lớn nhất là chương trình dường như bắt trúng gu của người miền Tây nên được khán giả đón nhận rất nồng nhiệt

Ông BÙI THANH HỒNG (giám đốc Đài PT-TH Đồng Tháp)

"Đã đời" những giai điệu đờn ca tài tử

Tài tử miệt vườn là chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng về đờn ca tài tử, cải lương không chuyên. Vì tính chất "thoáng" đó nên số lượng thí sinh đăng ký tham gia rất khả quan và đối tượng cũng được mở rộng triệt để, từ anh bán vé số, chị bán cá tới học sinh, sinh viên, bộ đội... mở rộng ra khắp cả nước, không giới hạn trong tỉnh Đồng Tháp và số tuổi thí sinh có thể dao động từ 10 đến hơn 80 tuổi!

Vì là chương trình có tính chất game show đầu tiên do Đài PT-TH Đồng Tháp tự thực hiện nên mỗi khi ghi hình, ban giám đốc gần như huy động lực lượng cả đài để cùng chung tay thực hiện. Họ vừa làm vừa học và hồi hộp chờ đợi phản ứng của khán giả!

Đến nay, có thể nói Tài tử miệt vườn đã thu được hiệu ứng đáng kể. Lượng rating "có số có má" trong các chương trình truyền hình ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đã có những tiết mục dự thi của thí sinh Thanh Tứ, Mỹ Duyên... bất ngờ đạt hơn 4 triệu lượt xem trên YouTube.

Tài tử miệt vườn không có sự... dữ dội của việc đầu tư hoành tráng, độ khó và tính chất chuyên nghiệp qua mỗi vòng thi. Điều mà chương trình thu hút người xem chính là chất tỉ tê, mùi mẫn, tự sự rất chân chất, mộc mạc qua mỗi số phát sóng (tối chủ nhật hằng tuần).

4 tập của vòng So tài là những đêm thi người ghiền đờn ca tài tử có cơ hội được xem các thí sinh thách đấu với nhau để ca 1 trong 20 bài bản tổ, trong số đó có những bài bản rất khó. Qua mỗi bài thi, người xem được cung cấp kiến thức về xuất xứ những bài bản, tính chất, cách sử dụng. 

Chương trình đã phát hiện ông Lương Quốc Sĩ ngoài 50 tuổi hát rất chắc và đã tai những bài bản khó, bài Song cước mà ông thể hiện khiến cả ba vị giám khảo Thanh Hằng, Việt Anh, Ngọc Huyền phải xuýt xoa: "Nghe sướng tai tới từng câu, từng chữ!".

Lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử

Với chương trình này, những người thực hiện không kỳ vọng tìm ra một ngôi sao mới của sân khấu cải lương, mà mục tiêu quan trọng là lan tỏa tình yêu đờn ca tài tử, cải lương, tạo sân chơi cho những người yêu nghệ thuật dân tộc có cơ hội gặp gỡ, thể hiện mình.

Đạo diễn Ngọc Trinh cho biết vì tính chất đó nên khi dàn dựng chương trình, ưu tiên số 1 của chị là giữ được sự mộc mạc, đáng yêu của các thí sinh. Càng vào sâu, thí sinh tiếp xúc với những thử thách khó hơn, như vòng Tăng tốc yêu cầu thể hiện trích đoạn cải lương, sau đó là vòng hát cùng nghệ sĩ chuyên nghiệp. 

Nhưng nếu soi ở con mắt chuyên nghiệp, có những bạn trẻ vẫn chưa ngấm được cái hồn của bài bản khi hát; ở các thí sinh vẫn còn nhiều lắm sự lúng túng, chất nghiệp dư từ việc không thể duy trì tâm lý nhân vật, hoặc "vật vã" với tâm lý dẫn đến hát hụt hơi.

Như thí sinh Dương Thảo Nguyên thổ lộ lần đầu tiên cô được mặc đồ cổ trang khi thể hiện nhân vật Dương Quý Phi. Vì vậy, cô di chuyển khá khó khăn trong trang phục cổ, tay chân cũng không biết đặt sao cho đúng. 

Nhưng Thảo Nguyên cười tươi: "Em vui lắm, được mặc bộ đồ rất đẹp, được diễn tuồng cổ, kiểu này nếu coi tivi chắc má em nhận hổng ra!".

Ông Bùi Thanh Hồng, giám đốc Đài PT-TH Đồng Tháp, chia sẻ khi chương trình đang đến gần những ngày cuối: "Sau mùa đầu tiên, chúng tôi đang tính toán để mùa sau có thể làm tốt hơn. Vì kinh phí đài tỉnh có hạn, nên có thể năm sau chúng tôi sẽ mời thêm một số đài bạn cùng thực hiện để chia sẻ và đầu tư cho chương trình mới tốt hơn".

Sáu thí sinh được chọn vào vòng chung kết xếp hạng gồm Nguyễn Kim Chi, Võ Thị Thắm, Trần Tấn Phúc, Nguyễn Quốc Đồng, Lê Ngọc Lâm và Nguyễn Thị Mỹ Duyên.

Mỗi thí sinh sẽ có hai phần thi: diễn một trích đoạn cải lương dài khoảng 15 phút (thí sinh tự chọn kịch bản và có thể mời nghệ sĩ hỗ trợ) và hát chung bài tân cổ do ban giám khảo đưa ra. Thí sinh xuất sắc nhất sẽ giành được giải quán quân trị giá 60 triệu đồng.

Đi tìm tài tử miệt vườn ở đất miền Tây Đi tìm tài tử miệt vườn ở đất miền Tây

TTO - Đất miền Tây đúng là đất của đờn ca tài tử, của cải lương. Đến ấp nào, xóm nào, bất kể đám cưới, đám giỗ, lễ tết hay chỉ đơn giản là buổi ngơi tay giữa lúc làm đồng, người ta cũng có thể tụ họp chơi đờn ca tài tử.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên