17/10/2017 16:48 GMT+7

Ngôn ngữ địa phương không phải là 'giọng quê mình'

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Cán bộ, công chức Hà Nội được khuyên hạn chế nói ngọng, nói lắp, hạn chế sử dụng ngôn ngữ địa phương…

Ngôn ngữ địa phương không phải là giọng quê mình - Ảnh 1.

Biếm hoạ của DAD

Người làm công việc soạn thảo văn bản quy phạm cần phải làm chủ vốn từ toàn dân, đồng thời phải cẩn trọng cân nhắc, lựa chọn từ ngữ chuẩn xác, phù hợp, tổ chức câu đoạn chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, mạch lạc để tránh gây nên những sự nhầm lẫn, ngộ nhận của dư luận.

Đó là một phần nội dung của dự thảo về quy trình chuẩn mực văn hóa phát ngôn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan mà Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội vừa trình UBND TP. 

Trong những yêu cầu về ngôn ngữ sử dụng trong phát ngôn cần đảm bảo dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, yêu cầu "hạn chế sử dụng ngôn ngữ địa phương" đang gây nhiều tranh cãi.

Nhiều bài báo đã giật tít biểu lộ sự bất đồng hoặc băn khoăn: "Công chức tổn thương khi bị hạn chế nói giọng quê mình"; "Hạn chế công chức, cán bộ dùng tiếng địa phương: Có khả thi?"... 

Xem kỹ các ý kiến trên, chúng tôi nhận thấy một điều là hầu hết các tác giả bài viết đã không hề nhắc lại nguyên văn từ ngữ trong dự thảo là cụm từ "ngôn ngữ địa phương", mà tùy ý phản ánh lại bằng nhiều tổ hợp từ ngữ khác: "giọng địa phương"/ "giọng quê mình"/ "tiếng quê mình"/ "tiếng địa phương"...

Tiếng Việt hôm nay có còn trong sáng? Tiếng Việt hôm nay có còn trong sáng? Viết "tự sướng", "lộ hàng" làm vẩn đục hay phát triển tiếng Việt? Viết 'tự sướng', 'lộ hàng' làm vẩn đục hay phát triển tiếng Việt? Tiếng Việt đang bị dùng dễ dãi Tiếng Việt đang bị dùng dễ dãi

Ngôn ngữ - giọng - tiếng có phải là một?

Thực ra, ở đây đã có một sự ngộ nhận, nhầm lẫn: các khái niệm ngôn ngữ - giọng - tiếng không hoàn toàn đồng nhất với nhau. 

Giọng là "cách phát âm riêng của một địa phương". Tiếng cũng được hiểu là "cách phát âm riêng của một vùng nào đó". 

Trong lúc đó khái niệm ngôn ngữ thì bao quát, rộng lớn hơn nhiều, là "hệ thống những âm, những từ và những quy tắc kết hợp chúng mà những người trong cùng một cộng đồng dùng làm phương tiện để giao tiếp với nhau".

Như vậy, rõ ràng từ ngữ được dùng trong dự thảo của Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội nêu trên là chưa chuẩn xác, dẫn đến hệ lụy là cách hiểu của dư luận cũng bị lệch lạc theo.

Theo suy luận chủ quan của mình, chúng tôi cho rằng có lẽ yêu cầu của Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội là muốn cán bộ, công chức Hà Nội hạn chế sử dụng "từ ngữ địa phương" chứ không phải hạn chế tiếng địa phương, giọng địa phương hay ngôn ngữ địa phương.

Từ ngữ là cách nói khái quát về vốn từ và ngữ của một địa phương hay một dân tộc. Trên đất nước ta hiện tồn tại nhiều vùng phương ngữ tương ứng với các địa phương trải dài từ Bắc chí Nam. 

Mỗi vùng phương ngữ ấy có một vốn từ địa phương.

Khi cư dân ở vùng này đến định cư ở vùng phương ngữ khác, yêu cầu mà họ đặt ra cho chính bản thân mình trước hết là dần dần hạn chế sử dụng từ ngữ địa phương gốc của mình, dần dần tiếp thu và sử dụng từ ngữ ở địa phương mới, nhằm mục đích làm cho sự giao tiếp đạt hiệu quả cao hơn.

Đối với công chức, viên chức "tứ xứ" sinh sống, công tác ở Hà Nội, trước yêu cầu hạn chế dùng từ ngữ địa phương trong giao tiếp công vụ hành chính thiết tưởng cũng là phù hợp. Vậy nên, nếu thay tổ hợp từ "hạn chế sử dụng ngôn ngữ địa phương" bằng tổ hợp từ "hạn chế sử dụng từ ngữ địa phương" thì có lẽ dự thảo đã không vấp phải nhiều ý kiến bất đồng, trái chiều không mong muốn trong mấy ngày qua.

Nói ngọng, nói lắp có hạn chế được không?

Trong dự thảo trên, cán bộ, công chức Hà Nội còn được khuyến nghị "hạn chế nói ngọng, nói lắp".

Thực ra, nếu hiểu một cách thấu đáo thì khi cán bộ, công chức đã nói ngọng, nói lắp - cố tật của một số người - khó có thể hạn chế được, trừ khi được can thiệp ở cơ sở y tế.

Ngọng là "không phát âm được đúng một số âm do có tật hoặc do nói chưa sõi"; nói lắp là "nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần một tiếng, không trơn tru, do có tật". 

Trừ trường hợp hầu hết trẻ em nói ngọng lúc nhỏ, lớn lên sẽ được cải thiện dần theo thời gian, một số người bị các cố tật ở cơ quan phát âm như: ngắn lưỡi, đầy lưỡi, dính thắng lưỡi, sứt môi... thì đó là nguyên nhân dẫn đến tật nói ngọng.

Hiện trạng phát âm lẫn lộn giữa các âm đầu, vần, thanh của cư dân các vùng phương ngữ như l/n, ch/tr, s/x, r/d/gi; ươu/ưu/iu, a/e/ô; -t/c, -n/-ng... hoàn toàn không thể gọi là nói ngọng, mà thực chất đó là sự phát âm chệch chuẩn chính âm tiếng Việt, cư dân ở bất kỳ vùng phương ngữ nào trên đất nước ta cũng đều mắc phải, không lỗi này thì lỗi kia, cần phải điều chỉnh, rèn luyện phát âm cho đúng chuẩn, và hoàn toàn có thể làm được.

Chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng có hai loại "nói ngọng" là "nói ngọng bệnh lý" như nêu trên và nói ngọng mang tính xã hội do phát âm lệch chuẩn.

Nhìn dưới góc độ bệnh lý thì mới có khái niệm nói ngọng, nói lắp - thậm chí cả nói nhịu (lịu) nữa - đều chung nguyên nhân là do có tật.

Quá trình này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, người tiến hành phải kiên trì, quyết tâm, cố gắng để luyện tập mới phát âm được đúng hoặc tiếp cận với chuẩn chính âm tiếng Việt.

Trở lại với bản dự thảo nêu trên, chúng tôi nghĩ cụm từ "hạn chế nói ngọng, nói lắp" là chưa chuẩn xác, nên thay thế bằng tổ hợp "hạn chế phát âm chệch chuẩn" thì phù hợp hơn. 

Còn tật "nói ngọng, nói lắp, nói nhịu" thì cần thiết nên đưa vào thành một tiêu chí đáng lưu ý trong quy chế tuyển dụng công chức, viên chức (ở cương vị việc làm có giao tiếp công vụ hành chính với người dân).

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên