08/11/2016 11:47 GMT+7

Viết 'tự sướng', 'lộ hàng' làm vẩn đục hay phát triển tiếng Việt?

M.D. tổng hợp
M.D. tổng hợp

TTO - "Chụp hình tự sướng là cụm từ làm vẩn đục và nhơ nhuốc tiếng Việt nhất từ trước đến nay",  "Truyền thông xài từ lộ hàng thì đúng là sỉ nhục phụ nữ"...

Tự chụp ảnh hiện nay được dùng khá phổ biến trên truyền thông với từ "tự sướng" - Ảnh: REUTER

Đó là bức xúc của hai bạn N.T.K. và Trần Minh Phương khi nói về những từ mới xuất hiện vài năm gần đây và được (hay bị?) không ít cây bút thể hiện trên nhiều phương tiện truyền thông.

Và hai ý kiến này được nhiều người bấm quan tâm nhiều nhất sau khi đọc bài Trên "trên cả tuyệt vời" là bá đạo? 

Bạn Bá Tánh sau khi bấm nút quan tâm đã nêu một ví dụ "vẩn đục" cụ thể: Tôi đồng tình với N.T.K. về cụm từ này. Ví dụ có một lần trong một hội nghị, có báo đăng ảnh tổng thống Hoa Kỳ dùng điện thoại di động của mình để tự chụp một bức ảnh cùng nữ thủ tướng Đức ngồi kế bên bằng cụm từ "Tổng thống Mỹ tự sướng với thủ tướng Đức ".

Không chỉ vậy, nhiều bạn đọc còn nêu ra hàng loạt từ mà có lẽ chúng ta không ai không từng đọc nó ở đâu đó. Như bạn Trần Minh Phương đã dị ứng với những từ "thiếu đói", "khát cháy" và cho đó là "sai be bét".

Minh Phương lý luận: "Thiếu đói là no vậy cần gì giúp, khát cháy mong muốn cho cháy hay sao. Tui chỉ mong khi viết một từ nào không hiểu hãy tra tự điển để tiếng Việt được đẹp và trong sáng. Đỉnh cao của phức tạp là sự đơn giản mà".

Có bạn không chịu từ "cọ xát, phối kết hợp" trên báo chí vì theo bạn Trung Phát, "từ cọ xát để mô tả việc các đội thi đấu tranh tài; từ "phối kết hợp" để thay thế cho việc làm hợp tác, phối hợp, hoặc kết hợp hoặc giao lưu... tối nghĩa và không nói đúng bàn chất của sự việc, thậm chí người đọc có thể nghĩ không hay theo nghĩa đen".

Bạn Trực Ngôn thì nêu ra một dẫn chứng mà theo bạn là buồn cười: "Ngư cụ dùng để chỉ chung những dụng cụ đánh bắt của ngư dân là đủ nghĩa cũng như nông cụ dùng chỉ chung những dụng cụ của nhà nông vậy. Nay có cây bút dùng "Ngư lưới cụ" nghe thật buồn cười. Vậy có nên sửa nông cụ thành "nông cuốc cụ" hay "nông cày cụ" không? Lại nữa, chữ "tặc" cũng được lai ghép tùy tiện thành cát tặc, vàng tặc, đinh tặc, cẩu tặc... theo kiểu nửa ta nửa Tàu".

Có bạn như hai bạn Thanh Tùng, Ngọc Nga thì cho rằng việc sai này không chỉ ở truyền thông mà cả ở các văn bản cơ quan nhà nước với ví dụ: "đồng đôla, đồng yen, VN đồng. Tại sao dùng từ như thế chứ. Đây là đơn vị tiền tệ của mỗi quốc gia: Mỹ là đôla, Nhật là yen, Việt Nam là đồng... Vậy đồng đôla, đồng yen là đơn vị tiền tệ của nước nào? Có tiền nước nào gọi là "đồng" đâu mà xài VN đồng (có lẽ bắt chước đôla Mỹ)? Không lẽ có US đồng, Japan đồng?!".

Lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể thao có lẽ có nhiều từ bị "thắc mắc" nhất. Bạn Hồ An "không thể hiểu nổi " từ "phim bom tấn", bạn Linh không hiểu "vận động viên dự thi cử tạ gọi là đô cử, đô cử là gì?"; bạn LeQuang thắc mắc "Tại sao gom rác lại không gọi là tập trung mà gọi tập kết? Không gọi là giải tỏa mặt bằng, mà gọi là giải phóng?"; bạn Lý Kim Thuận "nghe hoài ở các chương trình truyền hình, phát thanh viên đọc "a còng gờ meo chấm côm" , không biết là tiếng gì?"...

Cũng trong lĩnh vực này, một hiện tượng mà nhiều bạn dị ứng mạnh khi lạm dụng tiếng nước ngoài "cho nó sang chảnh" (Thu Sang) như "tại sao không dùng đường dây nóng, máy quay bay, tự chụp thay vì hotline, flycam, selfie...

Những ý kiến này kêu gọi "Trước hết các cơ quan thông tin, báo chí hãy làm gương. Hãy bỏ game show, hot line, hot boy, hot girl, shownbiz, tuổi teen, scandal... Tiếng Việt bị tiếng nước ngoài đè bẹp bởi nhiều cây bút tưởng như vậy là bản lĩnh thời đại!... Đừng lạm dụng ngoại ngữ nữa".

"Không thể ôm khư khư quy chuẩn xưa phán xét tiếng Việt ngày nay"

Đó là ý kiến của bạn Vũ Hoàn khi cho rằng khẳng định "Bản thân ngôn ngữ luôn trải qua quá trình biến đổi không ngừng. Những biến đổi đó không mang tính chủ quan hay ngẫu nhiên mà phản ánh sự thay đổi về quan niệm, nhận thức và văn hóa của dân tộc. Ta không thể ôm khư khư những quy chuẩn thời xưa, yêu cầu giữ gìn sự trong sáng mà phán xét tiếng Việt ngày nay được. Lỗ Tấn đã nói: Trên đời làm gì có đường, người ta đi riết thì thành đường thôi'.

Mặc dù không nhiều nhưng cũng không hiếm bạn đọc lại ủng hộ những từ mới lạ mà truyền thông hay dùng gần đây như bạn Vũ Hoàn. Chẳng hạn bạn Khắc Sơn nêu "Việt Nam ta nằm trong vùng giao lưu văn hóa đã Việt hóa nhiều từ nên chấp nhận và nó làm cho tiếng Việt phong phú đa dạng và phát triển".

Bạn Hoàng Hạ còn nói cụ thể hơn: "Có những từ Việt Nam mình không có mà không dùng tiếng nước ngoài thì dùng gì bây giờ, như xà bông, calwalk...? Hoặc ngôn ngữ vốn phát triển, có những từ không chính thức hôm nay sẽ được xã hội chấp nhận để trở thành từ chính thức như "cây" (trước 1975 không ai gọi cây mà gọi lượng (vàng), ma lanh vốn là từ tiếng Pháp (malin: lém lỉnh, láu cá) bây giờ ai chẳng xài, ai chẳng hiểu...".

* Chấp nhận hàng loạt từ mới nảy sinh gần đây trong quá trình phát triển tất yếu của ngôn ngữ như một sáng tạo hay cần loại bỏ? Ranh giới giữa sáng tạo và làm vẩn đục tiếng Việt ở đâu?

Mời bạn thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình trong phần bình luận dưới đây!

M.D. tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên