Bà Nguyễn Thị Dư đang dạy học - Ảnh: Phan Phan |
Tiếng giảng bài vang lên trong không gian của một ngôi trường đặc biệt.
Đặc biệt vì cả trường chỉ có một lớp học, chia làm ba ca dạy liên tục từ sáng đến chiều. Học sinh có đứa người nhỏ xíu, có đứa lớn tồng ngồng ở nhiều độ tuổi khác nhau theo học mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào.
Đập phòng trọ xây phòng học
Cách trung tâm thành phố không xa, ngôi trường nằm nép mình trên con đường thuộc khu phố 8 (P.Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), lối vào chỉ vừa đủ một người đi nhưng lúc nào cũng tấp nập. Tấm bảng “Lớp phổ cập tiểu học” ngả màu, nằm ngay ngắn phía trước cổng.
Ông Tống Thanh Đa (bí thư Đảng ủy P.Long Bình): Dân khó có cơ hội đến trường Khu phố 8 có địa bàn dân cư chưa ổn định, chưa được quy hoạch, người dân chủ yếu từ miền Tây lên làm thuê theo mùa vụ, làm công nhân trong cụm khu công nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh. Cả địa bàn có đến 1.800 hộ dân, với diện tích khoảng 30ha, nhưng lại không có bất kỳ ngôi trường nào. Hơn nữa đa số là lao động ở xa đến nên không có hộ khẩu, nhiều em không có giấy khai sinh nên việc được đi học là rất khó. |
Mới đầu giờ sáng, cả lớp học im phăng phắc, tập trung trong bài tập viết lớp 1.
Nhiều em mới vô học, lóng ngóng không biết cách cầm bút, vật lộn một hồi trên giấy mà chữ vẫn nguệch ngoạc, loay hoay một lúc thì cất tiếng gọi khe khẽ: Cô ơi!
Bà Dư nghe thấy liền bước tới, kiên nhẫn nắm tay chỉ dẫn từng nét. Học trò viết được một chữ, bà đứng sát bên mỉm cười, khích lệ.
Bà Dư quê gốc ở Hưng Yên, chồng mất sớm, một tay nuôi năm người con trưởng thành.
Năm 1992, bà vào Nam cùng hai người con trai, định cư tại P.Long Bình.
Những tháng ngày nhận nhiệm vụ mới làm công tác phụ nữ và tổ trưởng tổ dân phố, bà đến từng nhà trò chuyện thì thấy phần lớn các em nhỏ không đến trường do hoàn cảnh khó khăn, nhiều em ham chơi, đua đòi và bỏ nhà đi lang thang.
Với trái tim nhạy cảm của người từng làm công tác giáo dục (bà là giáo viên tiểu học nghỉ hưu), bà Dư nghĩ phải tập hợp các em lại trong một môi trường giáo dục tốt.
Tại các cuộc họp với phường, bà đứng lên kiến nghị phải có một ngôi trường tại địa bàn nhưng chờ mỏi mòn vẫn chưa thấy xây dựng.
Đầu năm 2006, bà họp bàn với các chủ phòng trọ kêu gọi mọi người đưa con em từ 6-15 tuổi đến trường. Bà đứng ra cam kết hỗ trợ hoàn toàn mọi chi phí đi học, từ học phí đến sách vở, địa điểm học trong suốt thời gian từ lớp 1 đến lớp 5.
Một tuần sau, lớp học của bà Dư được thành lập, do bà trực tiếp giảng dạy. Nhà văn hóa khu phố khi ấy được sử dụng làm địa điểm học tạm thời.
“Bài học đầu tiên tôi muốn các em được học không phải là các chữ cái hay phép tính mà là cách cư xử lễ phép, biết chào hỏi dạ thưa, điều mà bấy lâu nay do cha mẹ chúng mải đi làm nên lãng quên. Được giáo dục đầy đủ và quan tâm tốt, các em sẽ không hư hỏng” - bà Dư chia sẻ.
Năm 2012, do nhà văn hóa hội họp nhiều, ảnh hưởng đến thời gian học nên bà Dư nghĩ phải tìm một nơi yên tĩnh, thích hợp với việc học hơn. Nghĩ đến việc nhà có năm phòng trọ cho công nhân thuê, bà không do dự đập bỏ ba phòng để có một phòng lớn rộng hơn 20m2, nâng cấp sửa sang để làm lớp học.
Bà tự tay trang trí lớp học với ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc, khẩu hiệu... để các em có cảm giác như tại trường học chính quy. Không có bàn ghế, bảng đen, đèn học, quạt và các phương tiện dạy học, bà gõ cửa từng nhà dân, liên hệ với các mạnh thường quân giúp đỡ.
Gia tài của bà Dư
Vừa kết thúc buổi dạy vào lúc 9g30, học sinh chưa kịp thu xếp sách vở ra về đã thấy một tốp học sinh khác đứng ở ngoài. Cô giáo Trần Vũ Uyên Ly trẻ măng bước vào nhận lớp. Học sinh ngoan ngoãn đứng dậy chào cô giáo.
“Từ đầu năm 2013, tôi và một cô giáo nữa ở bên P.Tân Hòa (TP Biên Hòa) nghe tin về lớp học nên tình nguyện đến giúp cô Dư. Năm học này cả trường có 104 em theo học. Cô Dư đảm nhận lớp 1 với số lượng đông nhất là 54 em” - Uyên Ly chia sẻ.
Kết thúc tiết dạy, bà Dư vui vẻ cầm tập hồ sơ học sinh - thứ bà nâng niu gọi là gia tài lớn nhất của mình - lên phía trước nhà. Bà cẩn thận lần giở những lá thư, tấm ảnh cũ hay từng giấy khai sinh, học bạ của gần 500 học sinh. Với bà, mỗi học trò, mỗi cái tên là một kỷ niệm không thể quên.
Nói về những trường hợp đã được mình cảm hóa, giọng bà trầm ấm nhưng quyết đoán. Một trong số những học trò mà bà nhớ nhất là cậu bé L.. Bà kể: “10 tuổi, L. xin vào học lớp 1 được một thời gian thì theo mẹ chuyển trọ và bỏ học.
Hai tháng sau, công an xã và dân phòng dẫn L. đến lớp học gặp tôi. L. khai tôi là người dạy học. Em bị bắt khi đang cùng nhóm bạn xấu ăn trộm trong nhà dân”.
Khi ấy, L. rất hoảng sợ khi biết sẽ bị đưa vào trại giáo dưỡng. Bà Dư thấy vậy liền đứng ra bảo lãnh.
Bà quả quyết: “Học trò tôi, tôi sẽ quản lý. Nếu còn tái phạm, tôi sẽ chịu trách nhiệm”. Bây giờ cậu bé L. đã học lớp 2 lễ phép, đọc viết thông thạo và làm được các bài toán khó. L. còn có em gái học lớp 1 cũng tại trường của bà Dư.
Gia tài những câu chuyện của bà không chỉ về học sinh, mà còn cả cha mẹ các em. Kể về một câu chuyện ám ảnh mình rất lâu, bà bùi ngùi: “Có lần tôi dặn một phụ huynh mua cho con một quyển tập tô chữ lớp 1. Ông bố đó loay hoay mang về một quyển tô màu. Tôi bảo không phải rồi mô tả quyển sách một lần nữa. Ông bố tiếp tục đi mua, một lúc sau quay lại cầm trên tay quyển đã mua, rụt rè bảo không biết chữ nên không biết lấy quyển nào”.
Đêm về, bà cứ nghĩ hoài về câu nói của người cha đó. Bà lại trăn trở tìm cách để những người mù chữ ở bất kỳ độ tuổi nào cũng được học để kịp hòa nhập với xã hội.
Vì vậy, trong các buổi họp phụ huynh học sinh, bà Dư luôn phân tích những bất lợi của việc không biết chữ, và những ảnh hưởng đối với tương lai con em sau này. Những công nhân, người lao động mặt còn ướt đẫm mồ hôi sau giờ làm ngồi nghe thì gật gù đồng ý. Họ nhận ra rằng ánh sáng của gia đình mình bắt đầu từ việc cho con đi học.
Một người mẹ đứng lên kể: “Công ty dán giấy tuyển người làm, ngày nào tôi cũng đi qua mà không biết gì cả, cứ chạy khắp nơi tìm việc. Cũng nhờ cô Dư dạy chữ nên con gái tôi biết đọc, về nói cho tôi biết. Con gái tôi còn dạy tôi cách tính công làm để không bị thanh toán tiền lương nhầm. Nó còn ngồi đọc báo cho cả nhà nghe, vui lắm. Chúng tôi không biết lấy gì để cảm ơn cô Dư”.
Có học bạ như trường chính quy Ông Phan Công Lệ - phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng P.Long Bình - cho biết trường học của bà Dư do trung tâm quản lý. Trường thuộc diện các lớp phổ cập tiểu học, với 165 tuần học, bám sát với các kiến thức tiểu học theo phân bổ của Bộ GD-ĐT. Vì điều kiện nên giáo án được chọn lọc, tập trung chính vào hai môn toán và tiếng Việt, có bổ sung các kiến thức tự nhiên và xã hội do trung tâm hỗ trợ về chuyên môn. Thời gian học, thi cử và xét khen thưởng giống như trường chính quy. Trường cũng có học bạ, sổ điểm và hồ sơ học sinh đầy đủ. “Các em ngoài việc được học miễn phí tại trường của cô Dư, sau khi tốt nghiệp còn có học bạ và bằng chứng nhận để tiếp tục theo học cấp II tại các trường công lập và dân lập. Việc làm của cô Dư có ý nghĩa quan trọng khi giúp trẻ em nghèo biết chữ, góp phần giải quyết vấn đề nâng cao dân trí cho người dân” - ông Lệ chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận