26/06/2019 11:35 GMT+7

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ cuối: Tây khác ta chỗ nào?

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Từ học viện lên đến CLB chuyên nghiệp, tỉ lệ đào thải luôn là rất cao, dù là ở những nền bóng đá có các học viện hiện đại.

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ cuối: Tây khác ta chỗ nào? - Ảnh 1.

Những cầu thủ nhí của Đức luôn được đảm bảo về việc học - Ảnh: Economic Times

Năm 2017, tờ Business Insider đưa ra một thống kê làm giật mình các bậc phụ huynh ở nước Anh. Sự hào nhoáng của Premier League khiến đông đảo các bậc cha mẹ ùn ùn dắt tay con đến những học viện bóng đá khắp cả nước. Nhưng tỉ lệ thành công chiếm một phần rất nhỏ.

"Được 20% đã là may"

Theo Business Insider, khoảng 1,5 triệu đứa trẻ tham gia vào các tổ chức, học viện bóng đá trẻ ở Anh trong khoảng 20 năm trước đó. Và rồi vỏn vẹn chỉ 180 người trong số này từng được ra sân ở Premier League khi trưởng thành. Tức tỉ lệ chỉ là 0,012%. 

Mở rộng hơn, tỉ lệ những đứa trẻ được đào tạo ở học viện từ năm 9 tuổi sau khi trưởng thành có thể kiếm sống bằng nghề cầu thủ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 1%.

Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Anh cực kỳ rộng lớn, với cả thảy 11 hạng đấu chuyên nghiệp và bán chuyên. Riêng 5 hạng đấu chuyên nghiệp đã bao gồm 140 CLB, 3 hạng đấu tiếp theo lại bao gồm đến 272 CLB... Nhưng chừng đó vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu kiếm việc khổng lồ từ các học viện bóng đá trẻ.

Sebastian Neuf - một thành viên trong ban quản lý học viện của CLB Freiburg (đang chơi ở Bundesliga - giải đấu hạng cao nhất của nước Đức) - thừa nhận việc đẩy được con số 20% học viên của một khóa trở thành cầu thủ chuyên nghiệp đã là một thành công. Ông Neuf cũng cho biết những cầu thủ Đức dưới 17 tuổi học văn hóa khoảng 34 giờ/tuần (mỗi ngày khoảng 5 giờ).

Vẫn là chuyện học

Nhà báo Vũ Công Lập - người rất am hiểu về văn hóa nước Đức - cho biết trong giới thể thao Đức có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho chuyện học của VĐV. Cụ thể, khi các VĐV đi tập huấn hay thi đấu ở xa, họ luôn có giáo viên đi kèm. Điều này giúp VĐV đảm bảo được khối lượng giờ học đúng như mức 34 giờ/tuần. 

"Điều quan trọng là người Đức xem việc học phải là học thật, có kiến thức thật chứ không phải chỉ tấm bằng" - ông Lập nói.

Ngoài Đức, phần lớn những đất nước phát triển của phương Tây có sự kết hợp rất tốt giữa thể thao và nhà trường, tạo nên khái niệm thể thao học đường. Bóng đá Trung Quốc tự hào về việc xây nhiều học viện, nhưng nhiều HLV phương Tây tin rằng đây không phải là cách thức đúng đắn để phát triển bóng đá học đường. 

Và họ cho rằng điều quan trọng là phải tạo được thói quen chơi bóng, tập luyện thể thao với tất cả các trường học. Muốn vậy, các trường học phải có sân bãi tốt và cả sự liên kết với những CLB chuyên nghiệp.

Vấn đề ở đấy được đảo ngược: không phải làm thế nào để các cầu thủ được học hành như những học sinh khác, mà là giúp mọi học sinh có thể tập luyện và chơi bóng như cầu thủ. Cách đây một tháng, đội bóng bán chuyên nghiệp Cardiff Metropolitan của Xứ Wales bất ngờ giành vé dự Europa League mùa giải tới. Đáng nói, trong thành phần của Cardiff Metropolitan có rất nhiều cầu thủ là kỹ sư, giáo viên, chuyên gia dinh dưỡng...

Ở Thái Lan, CLB Muang Thong mà Đặng Văn Lâm đang khoác áo có cả thảy 4 lò đào tạo, trong đó có 2 lò đào tạo đặt "chân rết" ở những trường tiểu học, trung học lớn. Nơi đây có sân bãi, khán đài rộng lớn, phòng kiểm tra y tế, phòng tập gym chẳng kém gì một học viện chuyên nghiệp. Với các học sinh của Thái, việc chơi bóng là vô cùng dễ dàng. Vì vậy nếu có thất bại trên con đường cầu thủ, họ cũng đảm bảo được nền tảng học tập ở trường.

Ở VN hiện tại cũng có một số lò đào tạo đảm bảo việc học hành rất tốt cho các cầu thủ nhí - tiêu biểu là PVF. Tất nhiên, đi kèm đó là những nguồn kinh phí cực lớn.

"Đãi cát tìm vàng"

Theo HLV Đào Quang Hùng - phó giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ SHB Đà Nẵng, hiện nay mô hình đào tạo trẻ ở CLB này theo hình chóp ngược. Tức liên tục tuyển quân số vào và đào thải dần những cầu thủ không đạt chất lượng. Các cấp độ từ U11 có thể tuyển tới 60 học viên nhưng khi tiếp cận đội 1 thì rơi rụng dần, chỉ còn lại trên đầu ngón tay. Nhiều năm làm công tác đào tạo trẻ, ông Hùng cho biết quá trình đãi cát tìm vàng ở CLB này trung bình mỗi năm tìm được 2-4 cầu thủ đủ đẳng cấp để chơi ở đội 1.

TR.TRUNG

Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 3: Đời không như là mơ... Ngôi sao bóng đá và phận đời - Kỳ 3: Đời không như là mơ...

TTO - Á quân U17 quốc gia năm 2009, vô địch U15 quốc gia năm 2010, có thể xem đó là hai cột mốc đáng nhớ cho công tác đào tạo trẻ ở CLB SHB Đà Nẵng. Một viễn cảnh xán lạn chờ đón hai lứa tài năng trẻ này của bóng đá sông Hàn. Nhưng...

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên