09/01/2007 05:27 GMT+7

Ngòi pháo 9-1 - Kỳ 2: Trần Văn Ơn sống mãi

LÊ TRUNG NGHĨA (cựu học sinh nội trú Trường Pétrus Ký)
LÊ TRUNG NGHĨA (cựu học sinh nội trú Trường Pétrus Ký)

TT - Lúc bấy giờ, theo đồng hồ tay của chúng tôi là 13g20, còn 10 phút nữa mới hết hạn định của thủ hiến Trần Văn Hữu, bỗng nhiên có nhiều tiếng tu huýt hoét lên nghe rợn người, cổng dinh thủ hiến mở toang, hàng trăm cảnh sát tràn ra đường vung gậy, dùi cui quất túi bụi vào học sinh, bất kể nam nữ lớn nhỏ, rượt đuổi tán loạn, đẩy lùi đoàn biểu tình. Một số học sinh bị đánh; một số khác ném gạch đá vào bọn đàn áp, mở đường cho học sinh chạy.

JcQCqvyT.jpgPhóng to

Liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931-1950)

TT - Lúc bấy giờ, theo đồng hồ tay của chúng tôi là 13g20, còn 10 phút nữa mới hết hạn định của thủ hiến Trần Văn Hữu, bỗng nhiên có nhiều tiếng tu huýt hoét lên nghe rợn người, cổng dinh thủ hiến mở toang, hàng trăm cảnh sát tràn ra đường vung gậy, dùi cui quất túi bụi vào học sinh, bất kể nam nữ lớn nhỏ, rượt đuổi tán loạn, đẩy lùi đoàn biểu tình. Một số học sinh bị đánh; một số khác ném gạch đá vào bọn đàn áp, mở đường cho học sinh chạy.

Kỳ 1: Cuộc biểu tình 9-1

“Tôi lạy người anh hùng dân tộc”

Anh Trần Văn Ơn bị trúng đạn khi đang đỡ học sinh trèo lên đống củi chất sát rào để vượt tường. Có lẽ chúng tưởng lầm anh Ơn lấy củi ném chống lại chúng. Bấy giờ tôi đang lúng túng, nghe súng nổ, rồi có một học sinh mang kính cận chạy nhào lại tôi, la to: “Có anh bị bắn chết rồi”. 16g30, chúng tôi được tin đích xác: anh Trần Văn Ơn, học sinh nội trú lớp seconde Trường Pétrus Ký, bị bắn chết trong cuộc biểu tình. Thi hài anh còn nằm trong nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, đường Thuận Kiều. Tin còn cho biết thêm có bốn học sinh bị thương ở đầu và 27 học sinh bị thương nặng đang nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Sài Gòn.

Anh em trong ban đại diện học sinh nội trú họp ngay. Một mặt thông báo cho toàn trường, thông báo với ban giám hiệu và tất cả giáo sư, thông báo với báo chí công khai nhờ loan tin khẩn cấp. Mặt khác cử 12 học sinh nội trú từ lớp đệ tam trở lên thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại nhà xác, canh giữ thi hài anh Ơn, đề phòng bọn xấu chở giấu đi nơi khác. Cử đại diện liên lạc gia đình anh Ơn; cử đại diện đấu tranh với giới cầm quyền đòi đem xác anh Ơn về quàn tại Trường Pétrus Ký làm lễ truy điệu năm ngày và an táng trang trọng tại đất thánh Tây (tức nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi - bây giờ là công viên Lê Văn Tám). Bọn chúng không cho quàn thi hài tại trường, buộc tẩn liệm xong thì chôn ngay ở nghĩa trang Chí Hòa (nghĩa địa công cộng - bây giờ là công viên Lê Thị Riêng).

FijQIHRa.jpgPhóng to
Người dân xuống đường trong đám tang anh Trần Văn Ơn - Ảnh tư liệu

Cuộc đấu tranh gay gắt và quyết liệt. Sau cùng bọn chúng nhượng bộ cho quàn xác ba ngày nhưng để tại nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều, sau đó đưa an táng ở nghĩa trang Chợ Lớn (trước sân banh Renault, nay là sân vận động Thống Nhất). Ngôi mộ anh Ơn nằm trong khu nghĩa trang nay đã cải tạo, xây dựng đại học xá cho sinh viên ĐH Kỹ thuật Phú Thọ (nay là ĐH Bách khoa).

Đại diện học sinh đòi được thiết lập bàn thờ, đặt linh vị Trần Văn Ơn và tổ chức lễ truy điệu tại Trường Pétrus Ký. Toàn thể học sinh Pétrus Ký quyết định để tang tưởng nhớ anh Ơn. Tất cả đều mang băng đen hoặc ở cánh tay, ở ngực áo hay cổ áo. Băng tang do các nữ sinh làm một kiểu, một cỡ. Ban tổ chức thông báo quyết định: học sinh toàn thành phố nghỉ ba ngày để lo lễ tang anh Trần Văn Ơn và lễ tang sẽ được cử hành vào sáng 12-1-1950.

Từ 10 đến 12-1-1950, hàng trăm đoàn đại biểu đại diện cho đồng bào các giới ở Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh lân cận (ở xa thì gửi điện văn, điện tín chia buồn): công nhân, lao động, nông dân, tiểu thương, công kỹ nghệ gia, công - tư chức, trí thức, tôn giáo, các ngành nghề tự do... mang tràng hoa đến viếng, thắp hương tưởng niệm Trần Văn Ơn, dòng người như nước chảy từ sáng đến 9 giờ tối mới dứt (10 giờ là giới nghiêm).

Các anh Nguyễn An Tịnh và Hồng Điểu đã ghi lại trong bài “Một ngày đáng nhớ: 9-1-50” như sau: “Đặc biệt là số người đến viếng, tuy đông như vậy nhưng ai cũng im lặng, nói rất khẽ. Một không khí trầm mặc lắng xuống toàn thành phố. Cả thành phố đều đến với thanh niên học sinh để bày tỏ một tấm lòng. Chúng tôi rất xúc động khi thấy một bà cụ già lom khom đến viếng, cụ vái lạy trước bàn thờ anh Trần Văn Ơn. Chúng tôi vội vã đỡ cụ dậy, xin cụ miễn cho vì anh Ơn tuổi chỉ đáng con cháu cụ, cụ bảo: “Tôi không lạy anh Trần Văn Ơn bình thường. Tôi lạy người anh hùng dân tộc”. Rất nhiều vị trí thức, nhân sĩ tên tuổi của Sài Gòn. Cả ngày 10 và 11-1 dành cho lễ viếng kéo dài đến đêm mà không dứt. Vòng hoa có đến hàng ngàn”.

Năm ấy, anh Trần Văn Ơn 19 tuổi.

1/6 người dân Sài Gòn - Chợ Lớn xuống đường

Sáng 12-1-1950, hàng chục ngàn học sinh sinh viên đã tề tựu chật sân trường và sân vận động trong khuôn viên. Các cụ, cô bác và các lớp tuổi từ 11, 12 trở lên tự động tập trung hàng hàng lớp lớp chật hết các nẻo đường dẫn về Trường Pétrus Ký và dọc hai bên lề đường dẫn về nghĩa trang Chợ Lớn, đông chật người là người. Đúng 7g30, đoàn khởi hành đi theo lộ trình từ Trường Pétrus Ký ra đường Nancy (Nguyễn Văn Cừ), theo vòng xoay đi đường Frédéric Drouhet (Hùng Vương), quẹo đường Armand Rousseau (Nguyễn Chí Thanh) vòng ngã sáu, đi thẳng ngang qua Hãng Bière Larue thẳng đến nhà vĩnh biệt đường Thuận Kiều, nơi quàn quan tài anh Ơn.

F5NN9ZSP.jpgPhóng to

Trên ngực áo mỗi người đi đưa tiễn anh Trần Văn Ơn đều cài mảnh tang đen - Ảnh tư liệu

Dẫn đầu là những biểu ngữ do học sinh nội trú cầm giương cao, tiếp đến là xích lô chở bức ảnh bán thân của anh Ơn cùng vò hương tỏa khói nghi ngút, rồi đến gần trăm xích lô chở các tràng hoa. Biểu ngữ đoàn đại biểu giới trí thức cũng do học sinh nội trú Pétrus Ký cầm. Trong số này có cụ bác học Lưu Văn Lang, hai phụ nữ người Pháp là bà Phạm Ngọc Thạch và bà Hoàng Quốc Tân, hàng trăm ngàn người theo sau các biểu ngữ của mình. Đoàn đến ngã sáu tiếp giáp các đường Lacaze (Nguyễn Tri Phương), Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ) thì gặp 50 học sinh Trường tiểu học Bàn Cờ do thầy cô hướng dẫn, đón tại đây.

Các em tự động xếp hàng đi dọc hai bên xe chở di ảnh Trần Văn Ơn. Xe đi chầm chậm, đoàn người trùng trùng điệp điệp theo sau. Hai bên đường dọc lộ trình, đồng bào đón chờ nối tiếp càng lúc càng đông (báo chí lúc bấy giờ ước lượng có trên 300.000 người. Dân số Sài Gòn - Chợ Lớn hồi đó chưa đến 2 triệu, mà có đến hơn 1/6 người xuống đường thì quả là con số kỷ lục).

Đến 9g30, đoàn học sinh theo di ảnh Trần Văn Ơn dẫn đầu mới đến cổng nhà vĩnh biệt, đã có 10 học sinh nội trú kề vai vào quan tài anh Ơn chầm chậm khiêng ra giữa rừng người và hàng trăm tràng hoa, hàng trăm biểu ngữ. Mọi người xúc động cúi đầu lặng lẽ theo sau quan tài đưa Trần Văn Ơn về nơi an nghỉ cuối cùng. Nghĩa trang Chợ Lớn hồi này chỉ có xóm nhà lá bình dân lao động, đất rộng người thưa. Đất thánh là một vùng rộng thênh thang, có nhiều ngôi mộ và nhiều cây cổ thụ cao ngất. Sân Renault còn là bãi đất rộng, rào giậu đổ nát. Cả trăm ngàn người tụ về một vùng mộ địa hoang vu.

Hàng trăm biểu ngữ, chủ yếu là vải trắng chữ đen, hoặc ngược lại, di chuyển nhấp nhô trên biển người; không có tiếng sóng ầm ào mà có tiếng sóng ở trong lòng. Mọi người lắng nghe theo sự điều động của máy phóng thanh, chấp hành tuân thủ theo lời ban trật tự. Có hàng chục điếu văn đọc trước huyệt mộ anh Ơn, bày tỏ lòng xót thương, tiễn biệt Trần Văn Ơn.

Đám tang anh Trần Văn Ơn được tổ chức lớn lao, được đồng bào đưa tiễn đông đảo là biểu lộ tinh thần yêu nước, như một lời kêu gọi mãnh liệt và tha thiết nhất gửi đến đồng bào cả nước, đặc biệt là giới học sinh sinh viên trí thức đứng lên vì dân tộc, vì Tổ quốc chống ngoại xâm, đồng thời cũng là lời tố cáo trước dư luận trong nước và trên thế giới những hành động vô nhân đạo của thực dân Pháp và tay sai. Ngày 9-1 trở thành ngày lịch sử đấu tranh của thanh niên học sinh sinh viên VN.

LÊ TRUNG NGHĨA (cựu học sinh nội trú Trường Pétrus Ký)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên