Diễn viên Ngọc Trinh tại tòa chiều 8-5- Ảnh: Tâm Lụa
Hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo của Nhà hát kịch TP, tuyên buộc Nhà hát Kịch thành phố phải thanh toán cho bà Ngọc Trinh một phần chi phí đầu tư là hơn 233 triệu đồng.
Tòa cũng không ghi nhận sự tự nguyện của Nhà hát kịch khi hỗ trợ cho diễn viên Ngọc Trinh được biểu diễn 52 suất tại Nhà hát, lý do vì bà Trinh không đồng ý ghi nhận sự hỗ trợ này.
Ngọc Trinh yêu cầu tiền, Nhà hát thương lượng 52 suất diễn
Trước đó, phiên tòa đã được mở vào ngày 23-4 nhưng tạm dừng đột ngột vì cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều không đồng ý thương lượng và có những ý kiến trái chiều nhau.
Vụ kiện khởi nguồn từ năm 2014, giám đốc Nhà hát kịch đã có thỏa thuận miệng với bà Ngọc Trinh về việc dàn dựng và biểu diễn các vở kịch để phục vụ công chúng theo phương thức xã hội hóa.
Kinh phí 100% bà Ngọc Trinh bỏ ra, lợi nhuận sẽ được chia cho hai bên. Tuy nhiên sau đó hai bên đã có tranh chấp không thể thỏa thuận khiến diễn viên Ngọc Trinh khởi kiện ra tòa yêu cầu Nhà hát kịch bồi thường tổng cộng hơn 400 triệu đồng.
Tòa sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc Nhà hát kịch TP phải bồi thường cho bà Ngọc Trinh số tiền đầu tư có hóa đơn là 233 triệu đồng. Sau đó cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều kháng cáo.
Tại tòa phúc thẩm, diễn viên Ngoc Trinh đồng ý nhận số tiền 233 triệu đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên nếu như Nhà hát kịch TP đồng ý với bản án này mà không kháng cáo.
Tuy nhiên, ông Trần Quý Bình (đại diện ủy quyền của Giám đốc Nhà hát kịch TP) cho rằng Nhà hát không có tiền để bồi thường. Nhà hát có thiện chí đối với bà Trinh bằng cách hỗ trợ cho bà 52 suất diễn tại Nhà hát để bà thu hồi số vốn đã bỏ ra để đầu tư.
Diễn viên Ngọc Trinh cương quyết không nhận hỗ trợ bằng suất diễn mà chỉ muốn được bồi thường bằng tiền mặt bởi giữa bà và bị đơn có những mâu thuẫn không thể hàn gắn.
Tại tòa chiều 8-5, phía diễn viên Ngọc Trinh vẫn tiếp tục đề nghị tòa bác ý kiến của bị đơn về việc sẽ hỗ trợ 52 suất diễn miễn phí cho nguyên đơn. Trong khi đó, phía Nhà hát Kịch vẫn tha thiết đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ cho bà Trinh được tổ chức 52 suất biểu diễn miễn phí tại Nhà hát.
Diễn viên Ngọc Trinh trao đổi với luật sư tại tòa - Ảnh: T.L
Chưa ký hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý
Tại tòa, luật sư Phạm Văn Sinh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho diễn viên Ngọc Trinh) cho rằng hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
Theo luật sư Sinh, trên thực tế các bên có thương lượng biên bản thoả thuận hợp tác theo phương thức xã hội hoá. Ông Khánh Hoàng - lúc đó là giám đốc Nhà hát kịch đã xác nhận form mẫu hợp đồng Nhà hát chuyển qua bà Trinh, nội dung các bên thoả thuận thực hiện.
Vì vậy hợp đồng hợp tác giao kết bằng lời nói giữa bà Trinh và Nhà hát kịch TP là có thực. Việc Nhà hát viện dẫn lý do chưa ký kết hợp đồng bằng văn bản để đơn phương chấm dứt hợp đồng với bà Trinh là không có căn cứ, vi phạm pháp luật.
Do đó, luật sư Sinh đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, bồi thường cho bà Trinh các khoản chi phí đầu tư có hoá đơn, chứng từ hợp pháp
Trong khi đó, luật sư Hà Hải (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà hát kịch) thừa nhận giữa Nhà hát kịch và diễn viên Ngọc Trinh có thỏa thuận hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, do chưa thống nhất được các điều khoản nên giữa hai bên chưa ký kết hợp đồng. Vì vậy, hậu quả phát sinh do các bên tự chịu theo đúng bản chất hợp tác đầu tư là "lời ăn lỗ chịu".
Luật sư Hà Hải cũng cho rằng phía Nhà hát không bắt buộc diễn viên Ngọc Trinh phải chấm dứt hợp tác mà diễn viên Ngọc Trinh đã tự lập biên bản và yêu cầu đại diện Nhà hát ký xác nhận chấm dứt trong khi biết rõ người này không đủ thẩm quyền.
Từ đó, luật sư Hải cho rằng phía Nhà hát kịch không đơn phương chấm dứt thoả thuận hợp tác như nguyên đơn đã trình bày. Tuy nhiên cả đại diện Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử phúc thẩm đều cho rằng có đủ cơ sở xác định giữa nguyên đơn và bị đơn đã xác lập mối quan hệ hợp tác đầu tư.
Sau đó, Nhà hát kịch đơn phương chấm dứt hợp tác đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn. Việc chấm dứt hợp tác này được thông báo tới các cán bộ công nhân viên của Nhà hát và có nhiều người làm chứng.
Tại tòa phúc thẩm, bà Ngọc Trinh đã rút một phần kháng cáo yêu cầu Nhà hát kịch hoàn trả các chi phí đầu tư cho 6 vở kịch không có hóa đơn chứng từ. Vì vậy Hội đồng xét xử quyết định đình chỉ một phần kháng cáo, tuyên buộc Nhà hát kịch phải bồi thường cho bà Trinh 233 triệu đồng là các khoản chi phí đầu tư có hóa đơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận