01/07/2018 14:02 GMT+7

Ngọc Huyền: Chưa từng rơi lệ vì đi hát

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Thuộc lời tuồng hát trước khi học chữ, đến nay nghệ sĩ Ngọc Huyền vẫn tha thiết gắn bó với cải lương tuồng cổ và giữ được làn hơi khỏe khoắn, đầy nội lực, chất giọng vang, sáng.

Danh ca Ngọc Huyền hát trong minishow Trăm nhớ ngàn thương tại TP.HCM năm 2017 - Video: QUANG ĐỊNH

Ngọc Huyền: Chưa từng rơi lệ vì đi hát - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Ngọc Huyền trong minishow Trăm nhớ ngàn thương tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH





Tôi chỉ khóc vì hạnh phúc chứ chưa bao giờ rơi lệ, gạt nước mắt để được theo nghề. Đó là phúc phần Tổ thương, Tổ đãi, nên tôi nghĩ mình cần trân trọng...

Nghệ sĩ NGỌC HUYỀN

Khán giả gặp lại Ngọc Huyền khi cô ngồi ghế giám khảo Đường đến danh ca vọng cổ. Từ tháng 10-2017, khi được cấp phép biểu diễn trong nước, NSƯT Ngọc Huyền đã trở lại với hàng loạt hoạt động, đánh dấu sự tái ngộ với khán giả bằng vở tuồng Xử án Phi Giao, tiếp đó là những đêm diễn tại các phòng trà. Hiện cô là một trong ba giám khảo của chương trình Tài tử miệt vườn lên sóng Đài THĐT1 vào ngày 15-7.

Theo mẹ xem hát

Cô đào (sinh năm 1970) người Sài Gòn này lớn lên trong một gia đình không ai theo nghề hát. Nhưng từ nhỏ Ngọc Huyền đã theo mẹ đến khắp các rạp hát trong thành phố, coi riết mà thành thân quen với các nghệ sĩ Bạch Mai, Kiều Minh Trang, Ngọc Hương, Mộng Lành... Bé Ngọc Huyền mới 3 tuổi đã thuộc luôn tuồng Nửa đời hương phấn, rồi Tiếng trống Mê Linh.

Năm Ngọc Huyền 8 tuổi, cô Bạch Mai, Kiều Minh Trang khuyên mẹ cho Ngọc Huyền làm đệ tử thầy Út Trong. Huyền mới 12 tuổi, thầy Út Trong thấy có triển vọng bảo Huyền rèn luyện để năm sau thi vào khóa đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. 13 tuổi, vô thi mới hát bài bản đầu chưa vô vọng cổ, NSND Phùng Há biểu: "Thôi được rồi, đủ điểm đậu rồi con!".

Ngọc Huyền: Chưa từng rơi lệ vì đi hát - Ảnh 4.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Năm đó, Ngọc Huyền đứng thứ sáu trong 40 thí sinh được chọn, trở thành bạn đồng môn của NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Kim Tử Long, Tô Châu..., được học bài bản với những người thầy dày dạn kinh nghiệm như NSND Phùng Há, nghệ sĩ Kim Cúc, NSƯT Hoàng Ba, NSƯT Tấn Đạt...

Được hai năm, vì lý do riêng, Huyền nghỉ học đi hát. Là cô đào trẻ nhất trong Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, nhưng Ngọc Huyền may mắn được các thầy giỏi uốn nắn. Nghệ sĩ Bạch Mai dạy ca, vũ đạo, diễn xuất; "sư phụ" Kiều Minh Trang dạy cách diễn tuồng xã hội, cách ca sâu lắng, nhấn nhá đài từ tình cảm.

Nghệ sĩ Thanh Bạch (anh rể NSƯT Thành Lộc) trực tiếp "bẻ tay bẻ chân" Ngọc Huyền trong buổi đầu tập dượt những động tác khó của bộ môn cải lương tuồng cổ. Có chiều cao hạn chế, nhưng Huyền học được "bí kíp" từ thầy Bửu Truyện. Ông dạy cô sử dụng bộ cao, hạn chế sử dụng bộ thấp, tập vói, tập vươn lên cao. Thầy cũng chỉ cô vuốt cặp lông chim trĩ (trên mão các nhân vật tướng trong tuồng cổ) sao cho nhuyễn.

Vai diễn để đời

Ngọc Huyền: Chưa từng rơi lệ vì đi hát - Ảnh 5.

Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cuối năm 1989 đầu năm 1990, nghệ sĩ Bạch Mai viết tuồng Xử án Phi Giao "đo ni đóng giày" cho Ngọc Huyền. Nhưng mẹ Ngọc Huyền không muốn con gái đóng vai ác, sợ khán giả ghét, trong khi cô vừa đoạt huy chương vàng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc với vai Ngọc Hân công chúa trong vở Mặt trời đêm thế kỷ. Nghệ sĩ Bạch Mai và cha nuôi của Ngọc Huyền là bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà vất vả thuyết phục mẹ Ngọc Huyền.

Rồi để đến nay, với những khán giả từng xem vở diễn, khó mà quên được nàng Phi Giao - từ cái liếc mắt sắc như dao cau đến sự nhấn nhá lời thoại, vũ đạo chuẩn xác, đào sâu tâm lý nhân vật. Nhất là cảnh cuối, khi Phi Giao bị xét xử, Ngọc Huyền khai thác sắc thái của những tiếng cười để bộc lộ rõ sự ngạo nghễ lẫn chua xót, ân hận...

Xử án Phi Giao tạo được tiếng vang, diễn suốt cả năm và nàng Phi Giao được xem là vai diễn để đời của Ngọc Huyền. Từ vai diễn này, cô được mệnh danh là công chúa của bộ môn cải lương tuồng cổ.

Ngọc Huyền: Chưa từng rơi lệ vì đi hát - Ảnh 6.

Ngọc Huyền và các nghệ sĩ trong vở "Xử án Phi Giao" - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau thời điểm của Xử án Phi Giao, cải lương video bùng nổ, sàn diễn gặp khó khăn. Lúc đó, một số nghệ sĩ cải lương quay băng đĩa nhạc. Hãng Rạng Đông mời Ngọc Huyền - Vũ Linh thâu ba bài Lan và Điệp trong chương trình Duyên tình. Tiền ký hợp đồng thâu bài hát và lợi nhuận từ bài hát đủ để Ngọc Huyền mua nhà ở Vũng Tàu, đến giờ cô vẫn giữ làm kỷ niệm.

Năm 1996, đạo diễn Tất My Loan dựng vở Thanh Xà Bạch Xà với đào kép chánh là Minh Vương và Ngọc Huyền diễn suốt một tháng. Nghệ sĩ Vũ Linh, Kim Tử Long bỏ tiền túi dựng vở mời Ngọc Huyền đóng đào chánh.

Sau nhiều năm, cải lương tuồng cổ luôn là mạch sống trong cô. Tại buổi họp báo giới thiệu vở Xử án Phi Giao (tháng 12-2017), Ngọc Huyền xúc động chia sẻ chưa bao giờ cô nguôi nỗi nhớ ấy bởi việc dàn dựng và diễn trọn tuồng ở hải ngoại rất khó khăn, thỉnh thoảng chỉ diễn trích đoạn.

Trước đêm diễn Xử án Phi Giao, cô liên tục tập thể lực để đảm bảo sức khỏe. Có lẽ một phần vì vậy, nàng Phi Giao vẫn giữ được thần thái tươi trẻ dẫu hai phiên bản cách nhau 17-18 năm...

Khai phá để tạo dấu ấn

Hồi mới biết hát, Huyền ca y chang cô Lệ Thủy. Nhưng sau Huyền học hỏi thêm ở nhiều tài danh khác. Cô học nốt trầm độc đáo của NSƯT Mỹ Châu, cách ngân cuối câu đứt ruột của NSND Ngọc Giàu, thả những dấu huyền u uẩn giữa câu vọng cổ của NSƯT Út Bạch Lan, học NSND Bạch Tuyết ở những dấu sắc, cách nhấn đài từ điềm đạm của NSƯT Thanh Nga và những luyến láy mang âm điệu dân ca rất trữ tình của NSƯT Thanh Kim Huệ. Vậy nên giọng ca của Ngọc Huyền dù ảnh hưởng nhiều tài danh nhưng vẫn rất riêng và độc đáo.

Vai chính đầu tiên của Ngọc Huyền là trong vở Tấm Cám khi mới 14 tuổi, nhưng lúc đó chỉ đóng chánh thử vai, 18 tuổi mới chính thức là đào chánh trong vở Lưu Kim Đính (đóng chung với Tiểu Linh).

Ngọc Huyền thích nhất vai diễn nào do cô tự khai phá, không phải theo khuôn mẫu. Cô nhớ năm 17 tuổi, khi nhận vai Tố Mai, một nữ tướng theo hầu vua trong vở tuồng mới tinh Bí mật thành Cổ Loa. Có thể nói đó là nhân vật đầu tiên cô nhận để tự khai phá.

Chỉ là đào ba và đóng có hai cảnh, nhưng mỗi lần Tố Mai xuất hiện khán giả vỗ tay rần rần, báo chí lúc đó khen ngợi Ngọc Huyền như phát hiện thú vị. Từ đó, Ngọc Huyền nhận ra chinh phục vai diễn mới dù vất vả nhiều nhưng giúp người nghệ sĩ trưởng thành.

Ham khám phá, tìm ra cái mới nên Ngọc Huyền nhanh chóng trở thành đào cưng của sân khấu cải lương với hàng loạt vai chính trong các vở Khoai lang Dương Ngọc, Bùi Thị Xuân, Về đất Kinh Châu, Mạnh Lệ Quân, Mặt trời đêm thế kỷ, Gánh cải trạng nguyên, Hoa Mộc Lan...

Dạy con yêu tiếng Việt

Ngọc Huyền có con gái là Hà Tiên - 14 tuổi và con trai Hà Nam - 8 tuổi. Khi bé Hà Tiên 6, 7 tuổi, cô đem sách giáo khoa từ Việt Nam qua dạy con đọc, viết.

Bị mẹ "bắt" mỗi ngày viết một trang tiếng Việt, bé Hà Tiên đã có lần khóc mếu than khó, bảo học tiếng Việt để làm gì, Ngọc Huyền khuyến khích: "Con học tiếng Việt để không quên tiếng nói của quê hương, để có thể giúp đỡ ông bà ngoại (hiện sống tại Mỹ cùng vợ chồng Ngọc Huyền) hoặc những người gốc Việt khác không rành tiếng Mỹ". Hạnh phúc với Ngọc Huyền là các con học tốt, tham gia văn nghệ sôi nổi ở trường và vẫn nói, viết rành rẽ tiếng Việt.

Kim Tử Long - Ngọc Huyền tiếp tục say đắm với Xử án Phi Giao Kim Tử Long - Ngọc Huyền tiếp tục say đắm với Xử án Phi Giao

TTO - Được cấp phép biểu diễn tại quê nhà sau 15 năm gián đoạn, lần đầu tiên Ngọc Huyền sẽ diễn trọn vở cải lương trên sân khấu Hòa Bình (TP.HCM) tối 23/12.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên