12/08/2024 09:26 GMT+7

Ngoài 'siêu âm', flycam, còn cách nào phát hiện cây xanh bị mục bên trong?

Hàng loạt giải pháp được đặt ra sau sự cố cây xanh tét cành, gãy nhánh trong công viên Tao Đàn, TP.HCM làm 2 người chết, 3 người bị thương. Vậy ngoài "siêu âm", flycam, còn cách nào khác để kiểm tra cây xanh?

Nhánh cây bị gãy rơi từ độ cao khoảng 25m, chu vi nhánh khoảng 1,2m, dài khoảng 10m - Ảnh: A.X.

Nhánh cây bị gãy rơi từ độ cao khoảng 25m, chu vi nhánh khoảng 1,2m, dài khoảng 10m - Ảnh: A.X.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Một vụ tai nạn nghiêm trọng làm hai người chết, ba người bị thương ở trung tâm TP.HCM. Nguyên nhân do cây xanh tét cành, gãy nhánh trong công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM).

Sự cố cây xanh bị ngã đổ, gãy nhánh đè chết người thường xảy ra gần đây, không chỉ ở TP.HCM.

Ngay sau đó, đơn vị quản lý cây xanh là Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất một số giải pháp trong công tác chăm sóc cây, thực hiện trong tháng 8.

Trong đó có tính đến phương án "siêu âm" và dùng flycam để kiểm tra cây xanh.

Tuy nhiên theo nhiều bạn đọc, vấn đề đặt ra làm sao để hạn chế tối đa những trường hợp tương tự? Dùng các phương án "siêu âm" và flycam để kiểm tra những khiếm khuyết cây xanh có phải là giải pháp khả thi?

Theo bạn đọc Lê Phổ, sở dĩ ở nước ngoài không có tình trạng cây gãy rớt trúng người là họ dùng các kỹ thuật cố định cành để cành cây có gãy cũng không rớt xuống. Đó là dùng cáp để chằng kéo, hoặc dùng các khung sắt trợ lực bắt vít cành cây vào thân cây.

Nhằm góp thêm góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của bạn đọc Phan Thi.

Kiểm tra thường xuyên, vì sao vẫn không phát hiện?

Có thể nói tai nạn vừa qua tại sân Tao Đàn làm chết hai người và bị thương ba người tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, bảo trì chẩn đoán cây xanh, và xa hơn là kiểm soát ứng phó rủi ro.

Điều đáng nói là nếu nhìn từ bên ngoài, cây xanh bị tét nhánh ở công viên Tao Đàn vẫn tươi tốt, không có dấu hiệu sâu mọt, hư hại.

Còn phía đơn vị quản lý cây xanh cũng cho biết việc rà soát cây xanh đường phố, công viên công cộng được thực hiện thường xuyên. Các cây có nhánh vươn có thể gây nguy hiểm đều được quán triệt cắt tỉa gọn gàng. Kế hoạch hằng năm đều được triển khai đều đặn.

Như vậy hiểu một cách đơn giản thì việc chăm sóc cắt tỉa cây xanh vẫn được làm theo đúng quy trình và các nguyên tắc. Đặc biệt, vào mùa mưa bão lại càng được quan tâm hơn.

Thế thì tại sao cây xanh được thường xuyên cắt tỉa vẫn không phát hiện các nhánh cây bị hư bên trong?

Có phải do cách kiểm tra giám sát khuyết tật cây xanh thường là thủ công? Và nếu áp dụng các giáo trình tiên tiến kiểm tra, sao không phát hiện? Có phải cách kiểm tra không phù hợp với môi trường cây xanh đô thị hiện nay?

Theo tôi, để giải quyết những thách thức này, vai trò của các kỹ thuật chính xác và đáng tin cậy để phát hiện các khiếm khuyết về cấu trúc bên trong của cây là rất cấp thiết.

Kỹ thuật tiên tiến phát hiện "bệnh" cây xanh từ bên trong

Thế giới đã có nhiều nghiên cứu và thực hành các phương pháp khác nhau để phát hiện các khiếm khuyết ở cây xanh đô thị.

Để phù hợp bối cảnh Việt Nam, tạm chia hai nhóm phương pháp: Kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật hiện đai.

* Các kỹ thuật truyền thống

Các kỹ thuật truyền thống kiểm tra trực quan cây là dùng công cụ thiết bị không phức tạp để tìm dấu hiệu mục nát bên ngoài hay rỗng mục bên trong.

Việc này thường được thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm. Các dấu hiệu mục nát bên ngoài ở cây bao gồm tầng sinh gỗ chết, gỗ chết ở tán cây, gỗ mục nát lộ ra, thân cây sưng lên, vết nứt và các khu vực trũng xuống.

Kỹ thuật truyền thống cũng bao gồm việc sử dụng một số công cụ chuyên dụng như búa/vồ, máy khoan phát hiện mục nát, máy khoan tăng dần và ống nội soi.

* Các kỹ thuật tiên tiến

Đó là chụp X-quang bằng bức xạ tia X hoặc tia gamma; Kỹ thuật âm thanh đo thời gian truyền của xung siêu âm hoặc sóng ứng suất; Chụp cộng hưởng từ (MRI), Quét vi sóng sóng điện từ; GPR và radar quét laser…

Với các phương pháp này cho phép thăm dò cấu trúc bên trong của cây thông qua sự hỗ trợ của các cảm biến và các thiết bị thăm dò khác mà không cần phải để lộ gỗ hoặc khoan lỗ vào cây.

Để áp dụng phương pháp tiên tiến, cần phải có kiến thức nền, đào tạo và thời gian thực hành. Nói chung dù tốn kém, khó làm nhưng rất tin cậy vì mang lại độ chính xác cao.

Không phương pháp kỹ thuật nào có ưu thế và độ chính xác tuyệt đối, phải kết hợp nhiều kỹ thuật khác để so sánh và xác nhận kết quả.

Từ thực tế ở TP.HCM, nên chuyển dần từ kinh nghiệm thủ công sang công nghệ thiết bị thăm dò phát hiện hiện đại.

Sau sự cố cây xanh ở Tao Đàn làm chết người: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật xin lỗi người dânSau sự cố cây xanh ở Tao Đàn làm chết người: Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật xin lỗi người dân

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nhận lỗi và xin lỗi gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố cây xanh tét nhánh ở công viên Tao Đàn và người dân TP.HCM vì sự cố trên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên