12/03/2019 10:02 GMT+7

Ngọa tân thường đảm: Nằm gai và nếm mật

TRƯỜNG LÂN
TRƯỜNG LÂN

TTO - Trong cuộc sống và văn thơ, ta thường gặp hình thức diễn đạt khác của 'nếm mật nằm gai' là 'nằm gai nếm mật'.

Ngọa tân thường đảm: Nằm gai và nếm mật - Ảnh 1.

1. Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi (1380 - 1442) viết năm 1428 bằng văn ngôn có câu: "Thường đảm ngọa tân giả cái phi nhất nhật". Trong hai bản dịch khác nhau của Bùi Kỷ (1888 - 1960) và Ngô Tất Tố (1894 - 1954), câu này đều được dịch là: "Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối".

Trong cuộc sống và văn thơ, ta thường gặp hình thức diễn đạt khác của "nếm mật nằm gai" là "nằm gai nếm mật". Văn tế chiến sĩ trận vong do Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) viết năm 1802 có câu: "Nằm gai nếm mật chung nỗi ân ưu/ Mở suối bắc cầu thêm phần lao khổ".

Bài thơ của một người yêu nước mình do Trần Vàng Sao (1941 - 2018) viết năm 1967 có đoạn: "Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật/ Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ/ Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng".

Khi xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Trung Quốc năm 1979, Thanh Thảo viết trong Tổ quốc: "ải Nam Quan ngọn khói xưa Nguyễn Trãi nuốt nước mắt quay về/ mười năm nằm gai nếm mật/ hẻm Chi Lăng lầm lì sông Kỳ Cùng bốc cháy/ pháo đã giăng từ ngàn vạn điểm cao".

2. Một câu hỏi khác là thành ngữ "ngọa tân thường đảm" trong tiếng Hán có nguồn gốc từ đâu? Một số tác giả cho rằng "ngọa tân thường đảm" liên quan đến Câu Tiễn - vua nước Việt (nay là vùng đất nam Trường Giang và ven biển Chiết Giang, Trung Quốc) cuối thời Xuân Thu. 

Sau khi được Phù Sai - vua nước Ngô - thả về, Câu Tiễn rèn chí phục thù bằng cách nằm ngủ trên cỏ gai và thường xuyên nếm vị đắng của túi mật.

Một số tác giả khác cho rằng "ngọa tân thường đảm" xuất hiện lần đầu trong văn học Trung Quốc ở bài Nghĩ Tôn Quyền đáp Tào Tháo thư (Phác thảo thư Tôn Quyền trả lời Tào Tháo) của Tô Đông Pha (1037 - 1101). Trong bài này, hành động "ngọa tân thường đảm" được gắn cho Tôn Quyền (182 - 252).

Trong hồi 80 tác phẩm Đông Châu liệt quốc, Phùng Mộng Long (1574 - 1646) mô tả Câu Tiễn nằm trên củi (chứ không phải trên gai) và nếm mật đắng để nuôi chí phục thù. Chi tiết này có lẽ dựa vào việc "tân" (16 nét, bộ thảo) trong "ngọa tân thường đảm" có nghĩa là củi đun.

Một tác giả khác cho rằng "ngọa tân" là từ ghép của "mục ngọa" và "liễu tân", dùng để chỉ việc Câu Tiễn phải dùng rất nhiều rau liễu (liễu tân) - một loại rau đắng ở Trung Quốc - để chống lại cơn buồn ngủ (mục ngọa). Điều này thể hiện cuộc sống gian khổ của Câu Tiễn.

3. Tóm lại, "ngọa tân thường đảm" liên quan đến cuộc sống gian khổ của một nhân vật lịch sử Trung Quốc khi chuẩn bị việc lớn. 

Nếu nghĩa của "thường đảm" (nếm mật) đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước nhất trí thì nghĩa của "ngọa tân" vẫn còn phân tán (cỏ gai, củi, rau liễu). 

Việc chuyển "ngọa tân thường đảm" thành "nằm gai nếm mật" là một lựa chọn hợp lý của người Việt. Có lẽ vì thế mà thành ngữ "nằm gai nếm mật" trở thành quen thuộc trong đời sống hiện nay.

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học không có mục từ "nếm mật nằm gai" nhưng có mục từ "nằm gai nếm mật" và giảng nghĩa là "chịu đựng gian khổ (để mưu việc lớn)". Câu hỏi đặt ra là nằm trên gai thì đau thật nhưng nếm mật thì có gì khổ?

Thật ra, "mật" trong "nằm gai nếm mật" không phải là mật ngọt của một số loài hoa hay mật ong. Ở đây, "mật" là chất dịch màu vàng xanh, vị đắng, được tiết từ gan của phần lớn động vật có xương sống nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Nghĩa này đã được ghi nhận ở mục thứ nhất trong ba mục từ "mật" của Từ điển tiếng Việt.

Như vậy, "nằm gai nếm mật" có nghĩa đen là nằm gai nhọn, nếm mật đắng. Từ đây phát sinh nghĩa bóng mà Từ điển tiếng Việt đã nêu.

Nước mắm cũng tràn đầy... chữ nghĩa, dấu đỏ của nghị định, sắc lệnh Nước mắm cũng tràn đầy... chữ nghĩa, dấu đỏ của nghị định, sắc lệnh

TTO - Cả cuộc đời, chắc trong máu của tôi ít nhất cũng có một số lượng nước mắm nhất định nào đó nhưng bây giờ mới biết từ hồi nẳm cho đến nay, nước mắm cũng tràn đầy... chữ nghĩa, dấu đỏ của nghị định, sắc lệnh.


TRƯỜNG LÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên