Kỳ 1: Trở lại sau 20 năm Kỳ 2: Bến cũ, người xưa và... Kỳ 3: USS Louisville từ đâu tới?
Phóng to |
Thủy thủ đoàn USS Louisville - Ảnh: C.M.COLBERT |
Trước chiếc USS Louisville đã có hai chiếc tàu ngầm hạt nhân khác định vào Subic, song cuối cùng được lệnh hủy bỏ. Đó là các chiếc USS Tucson và USS Columbus. Hai chiếc tàu ngầm hạt nhân này trong hai tuần lễ liên tiếp đã phải thôi không trực chỉ Subic. Nếu có dư luận hoan nghênh các chuyến ghé thăm này thì ngược lại cũng có những dư luận phản đối. Biết sao bây giờ khi Philippines là một xã hội không đơn giản là đa đảng mà còn là đa phe phái, đa ý kiến và chấp nhận sự đa ý kiến đó.
Đồng ý cho ghé vô
Tất nhiên, trong bối cảnh các căn cứ Mỹ đã bị đóng cửa bởi Thượng viện Philippines từ năm 1991, Tổng thống Aquino không thể tự ý mời tàu ngầm hay tàu nổi Mỹ vào đất nước mình vì bất cứ lý do gì mà phải viện dẫn các văn bản pháp lý. Trong số này phải kể đến hai văn kiện thỏa hiệp Phi - Mỹ lực lượng quân sự viếng thăm (The RP-US Visiting Forces Agreement) gọi tắt là “VFA-1” và “VFA-2” ký bởi tổng thống Ramos năm 1998 và bởi tổng thống Estrada năm 1999, có hiệu lực kể từ ngày 27-5-1999.
Theo tinh thần hai thỏa hiệp này, máy bay và tàu chiến Mỹ được di chuyển không hạn chế bên trong lãnh thổ Philippines. Điều khoản này chính là cơ sở để cho Tổng thống Aquino nay mời tàu Mỹ ghé vào.
Các thỏa thuận này đã và vẫn còn là một đề tài gây tranh luận về tính chủ quyền của phía Phi. Như tại nhiều nơi khác có quân đội Mỹ đóng quân, tỉ như ở Okinawa, thỉnh thoảng xảy ra những vụ bạo hành của binh sĩ Mỹ mà nạn nhân là dân địa phương và, như thường lệ, lính Mỹ được hưởng quyền không bị xét xử hai lần, tức không bị xét xử bởi tòa án địa phương, trừ phi là tội tày đình đối với đất nước Philippines.
Ngoài ra, các quân nhân Mỹ trong chương trình viếng thăm cũng được miễn thủ tục visa và hộ chiếu, được miễn thuế. Tất nhiên, phía Phi cũng được hưởng những chế độ đặc biệt như vậy, kể cả công nhận bằng lái xe của Philippines, cho phép nhân viên Phi mang súng trong các căn cứ Mỹ khi họ đang hoạt động công vụ...
Phóng to |
Tàu ngầm Trung Quốc - Ảnh: Sinodefense |
Chỉ trích việc cho vô
Tiếc là trong thực tế, việc người Phi gây thiệt hại cho người Mỹ ít hơn là người Mỹ gây ra cho người Phi. Không phủ nhận rằng lực lượng hỗn hợp đặc biệt Mỹ tại Philippines JSOTF-P có ích trong ý nghĩa nào đó đối với nền an ninh của Phi, song thỉnh thoảng lính Mỹ của đơn vị JSOTF-P cũng hành động như bất cứ một lính “viễn chinh” nào! Đó là điều mà bốn binh sĩ Mỹ đã làm vào năm 2006, khiến họ bị cáo buộc là đã hiếp dâm một người Phi, và phía Mỹ từ chối trao bốn bị cáo này cho tòa án Phi thụ lý.
Vụ việc này khiến một số dư luận trách cứ rằng các thỏa hiệp VFA này đã thiên vị phía Mỹ, xử ép phía Phi, xâm phạm chủ quyền Phi, thậm chí xem người Phi như là “công dân hạng nhì” ngay trên quê hương mình.
Gần đây nhất, việc Phi hứa hẹn cho Mỹ sử dụng các căn cứ Clark và Subic bị chỉ trích bởi những tổ chức cánh tả như tổ chức Pamalakaya, hoặc Đảng Cộng sản Philippines (PKP). Đảng này là một trong những đảng “mao-ít” hiếm hoi còn chủ trương “lấy nông thôn bao vây thành thị” và hoạt động ngầm qua tổ chức mang tên “Quân đội nhân dân mới” với mục tiêu là lật đổ Chính phủ Philippines.
Cân nhắc trước đệ tam nhân
Dẫu sao thì những dư luận trái nghịch đó cũng đã được hai chính phủ Phi - Mỹ hết sức cân nhắc. Càng cân nhắc khi một số dư luận nóng lòng đặt những câu hỏi “huỵch toẹt” như “hiệp định quốc phòng hỗ tương Phi - Mỹ có dự liệu trường hợp nếu một bên bị tấn công thì bên kia cũng sẽ xem đó là tấn công mình?”.
Đại sứ Mỹ tại Philippines trả lời nước đôi: “Thật là lạ lùng khi nghe hỏi như vậy. Chúng tôi gắn bó với những cam kết trong hiệp định. Tuy nhiên, Washington chống lại mọi sự câu kết nào nhằm thúc đẩy yêu sách tranh chấp của mình”.
Muốn hay không muốn, Mỹ cũng không thể không thận trọng đừng để cho bị hiểu lầm là “kết bè hiệp đảng”, là “tìm cách ngăn chặn” một nước thứ ba, nhất là khi nay Mỹ đang muốn lập lại thế cân bằng ở Thái Bình Dương sau hai thập niên “xa vắng”.
Loan báo tái bố trí 60% lực lượng hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương của Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta hồi đầu tháng 6 dễ bị xem là một thách thức chạy đua hải quân.
Còn nhớ sau Thế chiến thứ nhất, ba cường quốc hải quân hàng đầu thế giới lúc đó lần lượt là Anh, Mỹ, Nhật đã lao vào chạy đua tăng cường hải quân. Đến năm 1922, ba siêu cường này ký hiệp định hải quân Washington với thỏa thuận là sẽ đóng tàu theo tỉ lệ 5-5-3- giữa Anh, Mỹ, Nhật. Với tỉ lệ này, Anh và Mỹ được đóng thiết giáp hạm và khu trục hạm tổng cộng trọng tải đến 525.000 tấn trong khi Nhật chỉ đến 315.000 tấn; Anh, Mỹ được đóng tàu sân bay tổng cộng 135.000 tấn, Nhật chỉ đến 81.000 tấn tổng cộng mà thôi.
Thật ra Nhật đã tính toán rằng hải quân Nhật chỉ bằng 70% hải quân Mỹ mới đủ để “ăn thua” trên Thái Bình Dương, trong khi tỉ lệ 5-5-3 so với Anh, Mỹ tức 60% là khá “hẻo”. Bởi thế đến cuối năm 1934, Nhật loan báo bỏ không tham gia hiệp định này là để tăng tốc phát triển hải quân nhằm thực hiện giấc mộng thôn tính Đại Đông Á.
Từ thỏa thuận tỉ lệ 5-5-3 trên giữa hải quân Anh, Mỹ, Nhật năm 1922, có thể hiểu tại sao Mỹ nay quyết định sẽ dồn 60% lực lượng hải quân Mỹ sang Thái Bình Dương. Tức Mỹ đánh giá đến năm 2020, nếu chỉ phân bố 50% số tàu các loại trên Thái Bình Dương, hải quân Mỹ sẽ bị hải quân Trung Quốc đè bẹp, nên để có thể duy trì ưu thế trong tương lai một khi Trung Quốc đã tăng cường hải quân, Mỹ sẽ cần nâng số tàu chiến các loại ở riêng Thái Bình Dương lên tỉ lệ 60%.
Muốn duy trì một số lượng tàu đông đảo như thế, vào thời buổi mà Mỹ không còn một căn cứ thường xuyên nào nữa ở Đông Nam Á, hải quân Mỹ phải có những bến đỗ bán thường xuyên. Subic là một trong những địa chỉ đó, cũng như Singapore nơi Mỹ sẽ bố trí bốn tàu tuần duyên (LCS, tàu tuần tiễu ven bờ) hoặc Utapao (Thái Lan)...
So với các cảng này, Subic có ưu thế là một cảng nước sâu trong một cái vịnh được một cù lao án ngữ ở cửa vịnh. Ngược lại, các nước có “bến đỗ” cũng có nhu cầu “dựa hơi” để mong yên thân chút đỉnh trước những đe dọa mới ngày càng dồn dập hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận