Lê Văn Đình được dẫn giải đến tòa - Ảnh: UYÊN TRINH
Phòng xử số 7, TAND TP.HCM, hàng ghế không một chỗ trống. Nóng và ngột ngạt.
Ngồi trong phòng xử hầu như ai cũng ngoài tuổi 50, chủ yếu là phụ nữ, tóc lún phún bạc. Người đau, người bệnh tật, người gần đất xa trời. Có người bước từng bước khập khiễng vào tòa. Có người từ Đồng Nai, Bến Tre lặn lội đến thành phố để dự tòa.
Tất cả họ là người có liên quan và bị hại trong vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nói theo đại diện Viện KSND, đây chỉ là 1/3 số người bị hại trong vụ án, có nhiều người không còn đủ sức theo đuổi vụ án nữa...
Mua bán đa cấp
Họ là những người tin vào những lời "mật ngọt" của Lê Văn Đình (35 tuổi, quê Hà Nam). Đình tự giới thiệu là người thực hiện chương trình của Chính phủ về bình ổn giá với mức lợi nhuận chóng mặt.
Nguyên lý hoạt động theo hình thức một cây nhị phân, dạng kim tự tháp trên một trang web có lời mời gọi đầu tư ít, lợi nhuận cao.
Tháng 2-2011, Lê Văn Đình, Nguyễn Thị Trúc Anh và Nguyễn Văn Tuấn cùng thành lập Công ty cổ phần đầu tư du lịch xuyên Việt để kinh doanh du lịch. Nguyễn Trần Hoàng là chủ tịch hội đồng quản trị, Nguyễn Thị Trúc Anh là phó chủ tịch hội đồng quản trị, Nguyễn Văn Tuấn là giám đốc công ty.
Lê Văn Đình trực tiếp đến các quán cà phê ở Q.Tân Bình (TP.HCM) giới thiệu: "Để trở thành thành viên, nhà đầu tư mua một mã số 2 triệu đồng sẽ được kèm theo 1 lạng cao ngựa hoặc 1 bộ mỹ phẩm Hàn Quốc. Nếu không lấy sản phẩm kèm theo thì mã số trị giá 1,2 triệu đồng.
Khi giới thiệu được hai thành viên, nhà đầu tư sẽ đạt chuẩn, chuyển sang cấp độ mới. Thoát chu kỳ 1 được hưởng 3 triệu, chu kỳ 2 là 5 triệu, chu kỳ 3 là 10 triệu...
Cứ như vậy chu kỳ 10 trở lên sẽ được hưởng 1 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các giải thưởng tháng, năm và cấp bậc như tặng xe máy LX, SH, ôtô Toyota, Camry, nhà biệt thự...".
Trong 16 ngày (từ 10 đến 25-3-2011), các nhà đầu tư nộp 13,6 tỉ đồng. Cáo trạng khẳng định có 63 người khai báo đầu tư hơn 6 tỉ đồng nhưng chỉ có 37 người có giấy xác nhận và ghi tại sổ thu.
Mất tiền
Phiên xử sơ thẩm lần thứ 2 diễn ra suốt hai ngày vẫn không ngớt những cánh tay của bị hại giơ lên để xin được trình bày. Bản án sơ thẩm năm 2015 bị HĐXX phúc thẩm tuyên hủy hồi tháng 8-2016 do chưa xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt.
Tại phiên xử sơ thẩm lần 2, một bị hại là phụ nữ khoảng 60 tuổi giọng nói run run: "Chúng tôi đầu hai thứ tóc hết, tham gia đầu tư vì uy tín của Lê Văn Đình. Khi sàn giao dịch sập, chúng tôi làm áp lực thì có người còn bị Đình thuê giang hồ đánh".
Trước đó, trong phiên sơ thẩm năm 2015, vị chủ tọa từng thốt lên: "Tại sao các bị hại lại có thể ấu trĩ và xem nhẹ pháp luật lẫn đồng tiền xương máu của mình đến vậy?".
Nguyên nhân là khi được hỏi để xác nhận lại số tiền bị chiếm đoạt, hầu hết bị hại đều không có bất kỳ giấy tờ, biên nhận nào chứng minh mình giao tiền cho 3 bị cáo.
Có người đầu tư tiền tỉ mà chưa hề nhận được hoa hồng. Có người nộp tiền nhiều lần, tổng cộng lên đến hàng trăm triệu mà không có một giấy biên nhận nào. Có người mua hàng nhưng không nhận được sản phẩm.
Thậm chí có những người không thể nhớ nổi đầu tư cụ thể là bao nhiêu và nhận về bao nhiêu, chỉ biết trông vào cuốn sổ ghi chép để xác định thiệt hại.
Sau khi sàn giao dịch này bị sập, mọi dữ liệu đều bị xóa sạch. Đó cũng là lý do vì sao quá trình điều tra kéo dài vẫn chưa thể làm rõ hết số tiền bị chiếm đoạt.
"Tôi ngồi phiên tòa ngay từ những ngày đầu tiên. Tôi hiểu giá trị của đồng tiền của các bị hại đi đòi suốt 6-7 năm qua.
Ngay từ những ngày đầu trong quá trình điều tra, chúng tôi đăng thông tin trên phương tiện truyền thông tổng cộng 12 lần để kêu gọi các bị hại về khai báo, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật đến mức bị phê bình.
Chúng tôi rất chia sẻ với các bị hại mất tiền nhưng không thể bắt bị cáo trả tiền theo yêu cầu của bị hại khi không có giấy tờ chứng cứ. Mong bị hại lắng nghe, chia sẻ với chúng tôi.
Khi sàn giao dịch sập hoàn toàn không còn một chứng cứ gì để đối chiếu. Rất nhiều khoản tiền không hoạch toán được" - đại diện Viện KSND nói.
Lê Văn Đình ngồi bình thản ở hàng ghế bị cáo, lắng nghe về những đồng tiền đi vay mượn của những người nông dân mà mình từng chiếm đoạt.
Đại diện Viện kiểm sát cho rằng: "Dù rất chia sẻ với thiệt hại của các bị hại nhưng cũng nhận định rõ ràng rằng: Nếu các bị hại tỉnh táo, kiểm tra thông tin sẽ phát hiện thủ đoạn gian dối của bị cáo. Không một hình thức kinh doanh nào có thể mang lại mức siêu lợi nhuận như vậy.
Chính sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại là điều kiện thuận lợi để bị cáo thực hiện ý đồ gian dối và gây hậu quả như ngày hôm nay".
Khó nhận được bồi thường từ bị cáo
Bản án tuyên Lê Văn Đình (35 tuổi, quê Hà Nam) 12 năm tù, Nguyễn Trần Hoàng (30 tuổi, quê Hà Tĩnh) 8 năm tù, Nguyễn Thị Trúc Anh (44 tuổi, TP.HCM) 7 năm tù. Các bị cáo đều phải liên đới bồi thường cho bị hại nhưng không biết khi nào bị hại mới nhận được tiền.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM), trong tình huống chậm được bồi thường thiệt hại thì bị hại có thể gửi đơn yêu cầu thi hành án lên cơ quan thi hành án dân sự.
Nếu bị cáo đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản, không có nguồn thu nhập, tức là đồng nghĩa với việc bị hại phải đợi đến khi các bị cáo chấp hành xong hình phạt tù, tham gia vào hoạt động của xã hội và có thu nhập, thì mới bồi thường cho bị hại.
Như vậy, nếu bản thân người nhà không đứng ra bồi thường thay cho các bị cáo thì các bị hại phải mòn mỏi đợi chờ. Trong một số tình huống, bị hại gần như không được bồi thường gì từ các bị cáo.
Đáng giận, đáng thương
Khi bị bắt, Nguyễn Trần Hoàng còn là cậu sinh viên mới từ Bắc vào Nam mưu sinh. "Mờ mắt" bởi cái chức danh chủ tịch hội đồng quản trị mà Lê Văn Đình phong cho khi mới 23 tuổi, Hoàng tưởng được đổi đời, "mọi thứ như mơ".
Theo lời của các bị hại thì: "Trần Hoàng còn quá trẻ, vấp cú ngã quá lớn, phải trả bài học quá đắt. Xin xem xét để giảm thật nhẹ cho Hoàng làm lại cuộc đời. Thương cho sự dại dột của Hoàng. Chúng tôi đòi quyền lợi nhưng cũng cảm thương cho số phận này".
Còn với Lê Văn Đình, các bị hại vẫn ra sức kêu gọi Đình nhận tội nhưng suốt một ngày rưỡi của phiên xử, Đình không nhận tội.
Khi mọi người lần lượt "tố" Đình thì ở băng ghế đá ngoài phòng xử, người em trai Đình tầm 30 tuổi trong chiếc áo lao động cũ mèm, dính đầy bụi bẩn lơ ngơ lóng ngóng, không biết tội anh trai nặng nhẹ ra sao. Anh ta "chỉ đợi nghe kết quả rồi thông báo cho người nhà".
Trên tay anh cầm bì hồ sơ bạc màu, đựng giấy tờ thăm nuôi. Ăn nói không lanh lợi lắm, anh lần lượt giở từng tờ giấy và những chuyến thăm nuôi. Anh nói anh làm bảo vệ nhưng cuối cùng công việc không rõ ràng của anh lại có vẻ "an toàn" hơn công việc của anh trai.
Mấy hôm ngồi chờ tòa xử án là ngần ấy hôm anh lọt thỏm giữa chốn thành phố đông đúc. Ngày xử thứ ba xử án cũng là hôm tuyên án, anh dắt theo mẹ từ quê vào.
Bà mẹ chẳng biết Đình làm gì. Chỉ nghe nói Đình đi làm, rồi đùng một cái nghe tin Đình bị công an bắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận