Sau khi sử dụng, túi nilông được vứt ra gây ô nhiễm môi trường - Ảnh: HÙNG LEKIA
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Để tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, hướng sửa đổi là mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nilông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc.
Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nilông.
Cùng với đó, chỉ thị cũng nêu rõ Bộ Tài chính phối hợp Bộ Tài nguyên và môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa.
Xem xét cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nilông thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường.
Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng cường kiểm tra việc tuân thủ chính sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung cấp túi nilông cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; kiểm soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dù thuế bảo vệ môi trường đối với túi nilông là 50.000 đồng/kg, tuy nhiên trên thị trường, sản phẩm này đang loạn giá, nhiều loại túi chỉ 20.000-25.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng khoảng một nửa so với mức thuế phải nộp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận