16/12/2023 13:14 GMT+7

Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở tuổi 72: Tôi học thiệt, làm thiệt

Vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ không lâu, nghiên cứu sinh Trần Hữu Ái bị tố sử dụng lại tên đề tài luận án ông từng bị đánh giá không đạt 9 năm trước ở cơ sở đào tạo khác.

Hai luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Hữu Ái thực hiện năm 2014 và năm 2023 tại hai cơ sở đào tạo khác nhau - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Hai luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Hữu Ái thực hiện năm 2014 và năm 2023 tại hai cơ sở đào tạo khác nhau - Ảnh: TRẦN HUỲNH

"Tôi học thiệt, làm thiệt, hoàn toàn không gian dối gì cả"

Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hữu Ái chia sẻ: "Tôi đã cao tuổi rồi, chỉ muốn học hành, nghiên cứu. Tôi học thiệt, làm thiệt, hoàn toàn không gian dối gì cả. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ năm 2014 không thành công, tôi quyết tâm làm lại ở một cơ sở đào tạo khác theo đúng quy chế.

Quá trình làm nghiên cứu sinh lại, tôi học vô cùng vất vả, kiểm tra, bảo vệ đề cương, luận án trước hội đồng. Luận án của tôi cũng được hội đồng xem xét kỹ nhiều mặt (có đạo văn không, nội dung, hình thức thế nào…?)".

* Trường đại học Công nghệ TP.HCM đã có quyết định thành lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ của ông, do có phản ánh về sự trùng lặp trong tên đề tài luận án. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu của mình?

- Trước đây tôi học đại học ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM và tốt nghiệp cử nhân năm 1996. Do một số lý do khách quan nên tôi học đại học trễ.

Khi tôi về hưu rồi mới bắt đầu đi học thạc sĩ. Tôi học lên thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Tôn Đức Thắng (khóa 2009-2011). Sau đó, tôi tiếp tục học, làm nghiên cứu sinh ở Học viện Khoa học xã hội (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Do tôi dành toàn bộ tâm huyết, sức lực của mình khi làm nghiên cứu sinh nên tôi học tập nghiên cứu, làm luận án sau 2,5 năm là xong và được bảo vệ luận án vào năm 2014.

Sau khi kiểm định luận án thì kết quả chỉ 2/3 phản biện đồng ý nên luận án của tôi bị đánh giá không đạt. Nhưng điều đáng nói là lúc đó không ai cho tôi biết lý do đánh rớt. Hội đồng cũng không gửi tôi văn bản kết luận lý do luận án không đạt.

"Đam mê nghiên cứu lĩnh vực thủy sản" 

* Ông sinh sống, làm việc tại TP.HCM nhưng vì sao lại chọn đề tài luận án nghiên cứu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu?

- Trước đây tôi từng làm giám đốc một doanh nghiệp chế biến hải sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Do vậy tôi rất mê tìm hiểu, nghiên cứu hướng phát triển cho ngành này. Tôi nghĩ với kinh nghiệm 30 năm làm việc trong ngành thủy sản, nếu chọn đề tài luận án ở lĩnh vực này, việc nghiên cứu của tôi sẽ thuận lợi, dễ khảo sát hơn.

Khi bảo vệ luận án vào năm 2014 không đạt, tôi vẫn luôn trăn trở, niềm đam mê nghiên cứu lĩnh vực thủy sản vẫn không dứt. Điều này thôi thúc tôi phải quyết tâm làm lại luận án về đề tài mình từng bảo vệ không đạt.

Tôi nghĩ đơn giản làm không đạt yêu cầu thì mình làm lại thôi. Thậm chí một số thầy còn gợi ý tôi làm thu hẹp đề tài theo hướng "năng lực cạnh tranh của ngành tôm, cá, mực…" để phạm vi nghiên cứu không quá rộng. Nhưng tôi vẫn quyết làm theo định hướng nghiên cứu ban đầu.

* Khi trở thành nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo mới là Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ông phải làm lại luận án. Ông có báo với người hướng dẫn việc thực hiện lại đề tài luận án trước đây từng bảo vệ không đạt?

- Năm 2016, tôi trúng tuyển đầu vào nghiên cứu sinh tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM và bắt tay làm lại luận án ngay. Đến năm 2021, tôi đã được bảo vệ luận án cấp trường, nhưng ngay lúc đó có người tố tôi sử dụng tên đề tài luận án từng bị đánh giá không đạt với nhà trường. Vì vậy, việc bảo vệ của tôi bị ngưng lại.

Hội đồng yêu cầu tôi giải trình và tôi đã nộp tất cả minh chứng, trả lời mọi thắc mắc nên được tiếp tục bảo vệ. Đến năm 2022 tôi được bảo vệ lại, nhưng sau đó gặp một số trục trặc trong quá trình làm việc với hội đồng nên bị yêu cầu làm lại.

Tôi tiếp tục làm lại từ đầu theo quy trình, bảo vệ đề cương, các chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, phản biện kín và đến bảo vệ luận án cấp trường vào tháng 9-2023.

* Trong quá trình viết luận án, thực hiện khảo sát, thu thập các mẫu nghiên cứu, lấy số liệu… ông tự làm hay có ai trợ giúp?

- Trong quá trình học tập, nghiên cứu, viết luận án tôi được các thầy hướng dẫn hỗ trợ rất nhiệt tình. Khi viết luận án, tôi làm theo đúng mọi yêu cầu theo quy chế. 

Tôi có nhờ bạn bè, đàn em của tôi đang làm việc, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản hỗ trợ việc trả lời các khảo sát. Bản thân tôi cũng thường xuyên liên hệ, trực tiếp xuống Sở Thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu để thu thập số liệu…

Luận án kết quả đạt, nhưng nghiên cứu sinh phải chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng

* Ngay tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường hôm 9-9, hội đồng đã đánh giá thế nào và đã thông báo kết quả ra sao, thưa ông?

- Buổi bảo vệ đó hội đồng có 7 người phản biện. Các thành viên hội đồng đều có biên bản đánh giá và yêu cầu tôi phải chỉnh sửa một số chi tiết trong luận án cho hoàn chỉnh. Sau đó, tôi đã chỉnh sửa, giải trình và họ đã ký xác nhận.

Hội đồng đã đánh giá những điểm mới, đóng góp mới của luận án trong biên bản và quyết nghị của hội đồng. Theo biên bản đánh giá luận án cấp trường kết quả đạt, nhưng phải chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng.

Trong thời gian 3 tháng sau khi bảo vệ luận án, hội đồng đánh giá sẽ tiếp tục tiếp nhận những ý kiến, phản hồi, góp ý của xã hội đối với đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh trước khi đưa ra kết quả đánh giá cuối cùng.

Thẩm định lại luận án tiến sĩ vừa bảo vệ thành công của nghiên cứu sinh 72 tuổiThẩm định lại luận án tiến sĩ vừa bảo vệ thành công của nghiên cứu sinh 72 tuổi

Trường đại học Công nghệ TP.HCM đã có quyết định thành lập hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Trần Hữu Ái, do có phản ánh về sự trùng lặp trong tên đề tài luận án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên