14/10/2020 13:46 GMT+7

Nghiên cứu mới làm dấy lên nghi ngờ về khả năng miễn dịch ở người từng mắc COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong lần nhiễm thứ hai.

Nghiên cứu mới làm dấy lên nghi ngờ về khả năng miễn dịch ở người từng mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Nevada. Ảnh: eminetra.com

Các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong lần nhiễm thứ hai. Đây là kết quả của công trình nghiên cứu công bố ngày 13/10 trên tạp chí y khoa uy tín thế giới Lancet, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng tạo miễn dịch của bệnh nhân từng mắc COVID-19.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề cập đến trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vừa được ghi nhận ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, qua đó khẳng định việc từng phơi nhiễm virus này có thể không đảm bảo được khả năng miễn dịch sau này.

Theo đó, bệnh nhân nam 25 tuổi đến từ bang Nevada đã bị nhiễm hai biến thể của virus SARS-CoV-2 trong thời gian 48 ngày. Lần nhiễm thứ hai nặng hơn lần thứ nhất khiến bệnh nhân phải nhập viện và thở máy. Nghiên cứu cũng thông tin về 4 trường hợp tái nhiễm khác ghi nhận ở Bỉ, Hà Lan, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Ecuador.

Các chuyên gia cho rằng phát hiện mới về khả năng tái nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể có tác động đáng kể đến cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt là nỗ lực phát triển vaccine phòng bệnh. Theo Trưởng nhóm nghiên cứu - chuyên gia Mark Pandori tại Phòng thí nghiệm Y tế công cộng bang Nevada, phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học hiểu biết thêm về khả năng miễn dịch với COVID-19, đặc biệt trong trường hợp thế giới chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả. Ông cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để tìm hiểu khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu đối với những người từng nhiễm SARS-CoV-2 và tại sao một số trường hợp tái nhiễm có biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Đối với một số bệnh như sởi, khả năng miễn dịch tồn tại suốt đời sau khi lây nhiễm. Trong khi đó, đối với các mầm bệnh khác, khả năng miễn dịch chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Các tác giả cho biết trường hợp bệnh nhân người Mỹ nói trên có thể đã phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nồng độ rất cao trong lần nhiễm thứ hai, gây ra một phản ứng cấp tính hơn. Ngoài ra, không loại trừ khả năng đó là một chủng virus có độc lực mạnh hơn. Theo các nhà nghiên cứu, khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 hiếm khi xảy ra, với một số ít trường hợp ghi nhận trong số hàng chục triệu ca mắc trên toàn cầu. Tuy nhiên, vì nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng và kết quả xét nghiệm âm tính, do đó không thể biết liệu trường hợp đó mắc COVID-19 lần đầu hay lần thứ hai.

Bình luận về kết quả nghiên cứu trên, Giáo sư Sinh học tại Đại học Yale, bà Akiko Iwasaka, cho rằng những phát hiện này có thể ảnh hưởng đến các quyết sách của các cơ quan y tế công cộng, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về mối tương quan giữa mức độ miễn dịch và tần suất nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên. Bà nhấn mạnh thông tin này là chìa khóa giúp cho việc đánh giá hiệu quả tạo miễn dịch của vaccine phòng COVID-19.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên