Hiện nay, rất nhiều sinh viên tham gia mạng xã hội. Với quy chế công tác sinh viên vừa được ban hành, cần thận trọng hơn trong việc đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh trên mạng - Ảnh: Trần Huỳnh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về quy chế này, TS Ngũ Duy Anh - vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên Bộ GD-ĐT - cho biết:
Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy nhằm thay thế các quy định có liên quan tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT.
So với quy chế cũ, quy chế hiện hành có một số điểm mới nổi bật như khẳng định rõ vị trí, vai trò của sinh viên; sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền của sinh viên và những việc sinh viên không được làm theo Luật Giáo dục Đại học và các văn bản khác có liên quan. Sửa đổi, bổ sung hình thức và nội dung về khen thưởng, kỷ luật sinh viên phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
* Quy chế lần này quy định sinh viên không được đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet. Vì sao Bộ GD-ĐT đưa ra quy định như vậy?
- Nội dung trên là một trong những hành vi sinh viên không được làm quy định tại Quy chế công tác sinh viên. Việc ban hành quy định này nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Công nghệ thông tin…
Quy định này cũng xuất phát từ thực tiễn sử dụng mạng xã hội đang phổ biến trong sinh viên hiện nay. Ngoài những tác động tích cực thì mạng xã hội cũng kéo theo những vấn đề tiêu cực.
Không ít sinh viên do vô tình hoặc cố ý đã vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ. Trong khi đó, các nhà trường lại chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với sinh viên vi phạm.
Dựa trên các quy định của bộ, các nhà trường sẽ có quy định chi tiết và tổ chức quán triệt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các vi phạm trong sinh viên.
* Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy định trên đã có nhiều ý kiến trái chiều, có người ủng hộ nhưng cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng quy định này “vi phạm quyền tự do ngôn luận của cá nhân”. Căn cứ vào đâu để biết tài khoản đó là của ai và nếu tài khoản của mình bị người khác lợi dụng để làm chuyện xấu thì sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?
- Quyền tự do ngôn luận của cá nhân đã được quy định tại Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó đều quy định việc tự do ngôn luận của cá nhân phải tuân thủ theo đúng pháp luật.
Bộ GD-ĐT đưa ra quy định trên không hề hạn chế quyền tự do ngôn luận của sinh viên mà ngược lại, chúng tôi mong muốn các nhà trường tuyên truyền, giáo dục để sinh viên thực hiện đúng quyền tự do ngôn luận được pháp luật cho phép, không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để làm những gì trái pháp luật.
Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, phức tạp, nhà trường có thể đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. |
Việc xác định tài khoản có hành vi vi phạm là của ai hoặc tài khoản đó có bị lợi dụng để làm chuyện xấu hay không là việc khó khăn đối với các nhà trường. Trong quá trình triển khai, các nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.
*Có ý kiến cho rằng quy định xử lý sinh viên vi phạm quy định trên với mức buộc thôi học là quá nghiêm khắc. Ý kiến của bộ về việc này ra sao?
- Quy chế công tác sinh viên của bộ đã hướng dẫn hình thức xử lý kỷ luật. Từng nội dung vi phạm cụ thể của sinh viên sẽ được các nhà trường xem xét, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để quyết định xử lý từ phê bình, nhắc nhở đến kỷ luật theo các mức: khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập có thời hạn và buộc thôi học.
Việc xử lý kỷ luật sinh viên ở mức độ nào đều do Hội đồng khen thưởng và kỷ luật sinh viên của nhà trường xem xét, đề xuất để hiệu trưởng nhà trường quyết định. Để đánh giá việc kỷ luật buộc thôi học có quá nghiêm khắc hay không phải xem xét vào mức độ vi phạm cụ thể.
Đối với những trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, ngoài việc chịu hình thức kỷ luật của nhà trường, sinh viên còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
* Vậy còn học sinh phổ thông thì sao? Bộ GD-ĐT có quy định tương tự như sinh viên không?
Hiện tại, Bộ GD-ĐT đang xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông, trong đó có chú ý đến việc giáo dục, phòng ngừa những vi phạm như trên.
Tuy nhiên, việc xem xét, xử lý kỷ luật học sinh phổ thông không thể áp dụng tương tự như với sinh viên. Nội dung, hình thức xử lý kỷ luật học sinh phổ thông đang được bộ nghiên cứu, xem xét trên cơ sở góp ý của các nhà trường, các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh và các chuyên gia về tâm lý, giáo dục.
*Phạm Xuân Chiến (sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM): Ủng hộ nhưng còn băn khoăn Tôi hoàn toàn ủng hộ việc xử lý sinh viên xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet. Hiện nay, hầu như sinh viên nào cũng chơi facebook, có không ít bạn có những phát ngôn, bày tỏ quan điểm rất kỳ lạ, theo kiểu “anh hùng bàn phím”. Thậm chí có những sinh viên vô tư xúc phạm giảng viên, bạn bè trên trang cá nhân của mình. Tôi cho rằng đây là hành vi cần xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, tôi cũng hơi băn khoăn việc ai sẽ là người kiểm soát những hành vi của sinh viên trên các mạng xã hội? Hiện nay có những sinh viên sử dụng rất nhiều tài khoản để tham gia mạng xã hội. Thậm chí có những người mạo danh sinh viên trên mạng xã hội nữa… *Võ Huỳnh Thục Quyên (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM): Nghiêm khắc quá sinh viên sẽ thấy “khó thở” Tôi biết không ít sinh viên từng “đá xéo” giảng viên trên facebook cá nhân. Lý do đơn giản vì tuổi trẻ thiếu chín chắn, suy nghĩ còn nông cạn. Sau khi trải nghiệm nhiều thì những bạn trẻ mới có nhiều kinh nghiệm để nhìn nhận một vấn đề. Tôi cho rằng việc xử lý kỷ luật trước hết phải làm cho người đó hiểu được mình làm sai. Nếu đưa ra một hình phạt nghiêm khắc ngay tức khắc như vậy tôi sợ nhiều khi gây tác dụng ngược. Môi trường đại học với tôi là nơi giúp sinh viên hình thành được tư duy đúng đắn theo định hướng tích cực, cứng nhắc quá lại làm cho người học thấy “khó thở”. Xử phạt sinh viên bằng cách buộc thôi học giống như đào thải họ khỏi môi trường chung. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận