Tác giả Đào Trung Uyên nhận giải xuất sắc nhất cuộc thi viết Đóa hoa đồng thoại lần thứ 5 - Ảnh: TIÊU PHONG
Trước đây các giải thưởng này đều thuộc về các em học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở.
Lễ trao giải vào chiều tối 15-10 tại Hà Nội. Theo truyền thống của giải thưởng này, ban tổ chức trao giải ở ba hạng mục: Tiểu học, Trung học cơ sở, và Tự do (trên lứa tuổi học sinh trung học cơ sở).
Ở mỗi hạng mục, ban tổ chức trao các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích. Đặc biệt các giám khảo sẽ chọn ra một tác giả trong số ba giải nhất ở ba hạng mục để trao giải xuất sắc nhất, với phần thưởng là chuyến đi Nhật Bản.
Năm nay, lần đầu tiên giải xuất sắc nhất thuộc về một thí sinh hạng mục tự do là Đào Trung Uyên (37 tuổi, quê Phú Yên) với chùm tác phẩm Mây nhỏ tìm chỗ khóc và Vai diễn đầu tiên của rùa. Đây cũng là lần đầu tiên có chùm tác phẩm đạt giải xuất sắc nhất chứ không phải một tác phẩm đơn lẻ.
Đào Trung Uyên và hai em nhỏ giành giải nhất hạng mục Tiểu học và Trung học cơ sở - Ảnh: TIÊU PHONG
Truyện Vai diễn đầu tiên của rùa là câu chuyện cảm động về lòng đam mê và kiên định theo đuổi đam mê, chuyện giữ lời và giữ niềm hạnh phúc tự tại giữa một thế giới đôi khi còn nhiều lòng kiêu ngạo và thiếu nhân ái với kẻ yếu.
Truyện Mây nhỏ tìm chỗ khóc thì giản dị hơn, với bài học dù là nỗi buồn cũng có thể có ích với ai đó và mang tới niềm vui cho người khác nếu chúng ta biết chấp nhận nhau và chia sẻ với nhau.
Cả hai truyện mang nhiều bài học sâu sắc nhưng đều được tác giả Trung Uyên kể một cách giản dị và xinh xắn, với giọng trẻ thơ dễ thương. Giải xuất sắc nhất hoàn toàn xứng đáng cho cây viết nữ mới bắt tay vào sáng tác cho thiếu nhi này.
Giải nhất hạng mục Tiểu học thuộc về bé Trương Võ Hà Anh với truyện về tình cảm gia đình có tên Tay mẹ. Giải nhất hạng mục Trung học cơ sở thuộc về Nguyễn Thùy Trang với truyện về ô nhiễm rác thải có tên Khi cánh diều không còn bay liệng.
Một trong hai bé được trao giải nhì hạng mục Tiểu học - Nguyễn Thanh Ngân - chính là gương mặt quen thuộc của cuộc thi Đóa hoa đồng thoại. Mùa giải năm ngoái, Thanh Ngân đã giành giải xuất sắc nhất của cuộc thi. Năm nay Thanh Ngân nhận giải nhì với truyện khá dài Đơn thuốc của trái đất, trong đó hàm chứa nhiều bài học, thông điệp về môi trường, biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên.
Các tác giả nhận giải nhì - Ảnh: TIÊU PHONG
Có một "nghịch lý" thấy được từ những truyện được trao giải Đóa hoa đồng thoại năm nay. Đó là những em nhỏ lại viết quá già, già từ giọng văn tới việc viết dài, ôm đồm thông điệp, tuyên truyền bài học và đôi khi tính toán hơi thô để "ăn giải".
Trong khi có những cây viết người lớn lại thành công trong việc tìm được đúng giọng trẻ thơ tươi mát, giản đơn mà kể những câu chuyện sâu sắc hoàn toàn không cần lên gân. Tiêu biểu là tác giả giành giải xuất sắc nhất.
Những truyện đồng thoại cho thiếu nhi của Đào Trung Uyên rất gần với những sách Mogu của Nhật Bản, với những truyện rất ngắn, hoàn toàn trong vắt kể chuyện thì thầm, để những bài học sâu sắc tự thấm vào trẻ như mạch nước ngầm chứ không lộ liễu truyền thông điệp như cách viết "truyền thống" trong văn học thiếu nhi Việt Nam.
May mắn gần đây ở Việt Nam đang xuất hiện nhiều cây viết cho thiếu nhi đạt được giọng văn đúng tuổi các em như Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Hoa Cúc - Mel Mel...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận