23/04/2011 08:10 GMT+7

Nghịch lý trường chuẩn quốc gia

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Trước mỗi mùa tuyển sinh, các trường tiểu học, THCS nổi tiếng ở Q.1, TP.HCM lại “trân mình” chịu đựng áp lực vì rất nhiều phụ huynh ở các quận khác muốn cho con mình được vào học. Thế nhưng, đến nay Q.1 vẫn chưa có ngôi trường tiểu học, THCS nào đạt chuẩn.

Qss81Qnq.jpgPhóng to
Ở cùng một phường nhưng học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì được học trong ngôi trường chuẩn khang trang, học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm phải chịu 48 học sinh/lớp. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Trong khi đó, tính chung toàn TP, đến thời điểm này đã có hơn 70 trường mầm non, 40 trường tiểu học, 16 trường THCS và hai trường THPT đạt chuẩn. Ông Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, cho biết: “Xét về các tiêu chí: trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giảng dạy, công tác xã hội hóa giáo dục...thì các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân... dư sức đạt chuẩn. Tuy nhiên, họ lại vướng về diện tích”.

Không đồng nhất

"Trường chuẩn có tác dụng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần thúc đẩy việc xây dựng trường mới, phòng học mới ở các địa phương. Thực tế cho thấy địa phương nào quyết định xây dựng trường chuẩn là họ đẩy nhanh việc đầu tư kinh phí xây dựng trường, xây dựng thêm phòng học khang trang, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ việc giảng dạy..."

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP(trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM)

Tương tự tại Q.3, TP.HCM, tình hình cũng thế. Số trường nổi tiếng không ít nhưng đến thời điểm này chưa có trường tiểu học, THCS nào của quận đạt chuẩn. Ngay cả Q.9 - địa phương có số lượng trường đạt chuẩn nhiều nhất TP (tính cả trường đã được công nhận và trường đang trong quá trình thẩm định là 15 trường) - tình hình cũng không khác Q.1 là mấy.

“Bậc tiểu học chúng tôi đã có năm trường chuẩn với cơ sở vật chất rộng rãi, khang trang, thoáng mát, đồ dùng dạy học đầy đủ, hiện đại, chất lượng giáo dục cũng từng bước đi lên. Tuy nhiên, đến mùa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh vẫn đổ xô vào Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (nằm trên địa bàn Q.9, chưa đạt chuẩn - PV)” - bà Lê Thị Minh Loan, trưởng Phòng GD-ĐT Q.9, cho biết.

Trên thực tế, số lượng trường chuẩn đồng nhất với sự nổi tiếng, đồng nhất với bề dày thành tích cao rất ít. Thậm chí, một cán bộ quản lý ở Sở GD-ĐT TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng thừa nhận: “Nếu các trường có sẵn “vốn” là chất lượng giảng dạy tốt, diện tích khuôn viên rộng rãi như: An Phú 1 (huyện Củ Chi), Mầm non 19-5 TP, Mầm non TP.HCM... thì xây dựng trường chuẩn rất thuận lợi. Chỉ cần tu sửa một số hạng mục là được công nhận. TP.HCM tồn tại nghịch lý: trường đạt chất lượng giáo dục cao thì khuôn viên hẹp, sĩ số đông và ngược lại. Thế nên khi xây dựng trường chuẩn bắt buộc các quận, huyện phải chọn ngôi trường có diện tích rộng, sau đó bỏ công sức đào tạo đội ngũ, đầu tư kinh phí cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Có lẽ vì lý do này mà nhiều phụ huynh vẫn chuộng trường có bề dày chất lượng hơn là trường đạt chuẩn?!

“Gồng mình” cho trường chuẩn

Trong khi đó để đạt chuẩn, một số địa phương đã chấp nhận “trả giá” không ít. Như ở Q.Tân Phú (TP.HCM), để giữ chuẩn cho Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (trường có tối đa không quá 30 lớp, mỗi lớp có tối đa không quá 35 học sinh) thì Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm phải “gánh” hết áp lực quá tải ở đây.

Năm học 2009-2010, trong khi Tân Sơn Nhì chỉ có 35 học sinh/lớp thì ở ngay kế bên, Trường Đoàn Thị Điểm có lớp phải chứa đến 58 học sinh. Năm học 2010-2011, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT: không được để sĩ số vượt 50 học sinh/lớp nhưng số dân nhập cư vẫn tăng cao, Trường Đoàn Thị Điểm “gánh” bằng cách xóa bỏ hoàn toàn lớp học hai buổi/ngày để giảm sĩ số 48 học sinh/lớp.

Ở cùng phường Tân Sơn Nhì, một bên rất sung sướng được học ở ngôi trường mới hiện đại, sĩ số thấp lại học hai buổi/ngày. Còn một bên đông đúc, chật chội, phụ huynh có nhu cầu thiết tha cũng phải chấp nhận cho con học một buổi/ngày. Liệu sự công bằng trong giáo dục có còn không?

Tương tự tại Q.10, để giữ chuẩn cho Trường Võ Trường Toản, ngôi trường tọa lạc cùng phường 14 là Lê Đình Chinh phải “gánh” số học sinh còn lại, nâng sĩ số từ 40-47 học sinh/lớp.

Cách đây mấy năm, Q.Gò Vấp cũng đã thực hiện phương pháp này, dồn học sinh về Trường tiểu học An Hội để chuẩn bị cho Trường tiểu học Lương Thế Vinh đạt chuẩn. Vụ việc đã khiến dư luận phản ứng dữ dội và cuối cùng Q.Gò Vấp phải thay đổi chiến lược xây dựng trường chuẩn quốc gia.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên