Niềm vui của những bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên các chuyến xe mùa xuân về sum họp cùng gia đình dịp Tết 2015 - Ảnh: Quang Định |
Nghỉ ít quá làm sao về quê thăm cha mẹ?
Đó là chia sẻ của anh Phạm Nam, quê ở Khánh Hòa. Anh Nam cho biết mình không ủng hộ chuyện gom hai cái tết vào làm một vì tết ta có những truyền thống tốt đẹp riêng cần gìn giữ.
Bên cạnh đó, nếu tết ta chỉ nghỉ một, hai ngày như nhiều nước châu Á thì làm sao những đứa con xa quê như anh có đủ thời gian về quê thăm ông bà, cha mẹ và viếng thăm họ hàng sau một năm dài bôn ba xa quê.
Tuy nhiên, anh Nam cũng nói thêm nhiều người cứ nói còn mùng còn tết rồi lười biếng, chểnh mảng công việc khi quay lại sau kỳ nghỉ.
“Đã được nghỉ nhiều ngày rồi thì đến ngày đi làm cũng nên thể hiện thái độ tích cực và làm việc hết mình để bù lại những ngày nghỉ thoải mái”, anh Nam chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, anh Trần Long (An Giang) cho rằng nghỉ tết ta nhiều ngày có nhiều ưu điểm.
“Làm quanh năm rồi, phải có thời gian nghỉ ngơi chứ. Người nước ngoài nghỉ đông, nghỉ dịp lễ Tạ ơn rồi qua năm mới khoảng 2 tuần thì Việt Nam mình tết ta nghỉ khoảng 10 ngày là hợp lý. Thời gian đó vừa đủ để cúng kiếng trong nhà, thăm mộ ông bà, thăm viếng họ hàng, gặp gỡ bạn bè hoặc tranh thủ xả hơi, đi du lịch sau một năm vất vả. Nghỉ ngắn quá thì làm cái gì cũng gấp rút, đâu còn gì là cái thong thả ngày tết”, anh Long chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, chị Linh Nguyễn (Q.8, TP.HCM) lại cho rằng tết ta chỉ nên nghỉ hai, ba ngày là “vừa đẹp” vì “nghỉ nhiều quá rồi nhiều người lại rượu chè, bài bạc, đánh lộn… rồi tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội cũng từ đó mà ra”, chị Linh nói.
Theo chị Linh Nguyễn, có thể áp dụng cách nghỉ tết tây khá dài như một số nước, kéo dài từ Giáng sinh đến ngày đầu tiên của năm mới. Sau đó tết ta nghỉ ít lại, sao cho vừa đảm bảo thời gian cúng kiếng, thăm viếng, vừa không ảnh hưởng quá nhiều đến công việc sau tết.
Trong khi đó, chị Ngọc Bích (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại có suy nghĩ khác. Chị cho rằng nếu nghỉ ít thì ít hẳn, dài thì dài hẳn, đừng lỡ cỡ gây bất tiện cho mọi người.
“Ví dụ thay vì nghỉ 7-8 ngày thì cho nghỉ hẳn 2 tuần để nếu ai muốn đi du lịch nước ngoài còn sắp xếp được, không phải rướn bằng cách lấy phép năm ra xài vào dịp này. Còn không thì cho nghỉ 1-2 ngày thôi như các nước để lo cúng kiếng, thăm viếng xong là đi làm ngay”, chị Bích nói.
Tết ta là tâm hồn người Việt
Việc không tán thành chuyện cho nghỉ tết tây dài, tết ta ngắn, theo nhà văn hóa Lý Tùng Hiếu, có rất nhiều nguyên nhân sâu xa, gắn với tâm linh, tâm hồn người Việt.
“Tết dương lịch thật ra không gắn với đời sống tinh thần và văn hóa của người Việt. Trong khi đó, tết ta lại là truyền thống lâu đời. có nhiều nội dung sâu sắc và cần thiết cần dành thời gian, tâm trí để tạ ơn, cầu khấn”, TS Lý Tùng Hiếu chia sẻ.
Theo TS Lý Tùng Hiếu, nhiều người có tư duy thiên về mặt kỹ thuật hay kinh tế sẽ nhìn thấy sự tiêu tốn thời gian, công sức, tiền của nếu nghỉ tết ta quá dài. Tuy nhiên, xét về khía cạnh văn hóa, tết ta là dịp tái tạo sức lao động, các mối quan hệ cộng đồng và tái tạo đời sống văn hóa tinh thần.
“Dù vẫn còn những tệ nạn nhưng với ý nghĩa tái tạo đó, Tết Nguyên đán vẫn là dịp lễ hội không thể nào thay thế được”, TS Lý Tùng Hiếu chia sẻ.
Nghỉ ngắn dài không quan trọng
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS, nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh cho rằng kỳ nghỉ tết ta ngắn sẽ tiện nhiều thứ nhưng lại mất đi nhiều thứ vì “còn biết bao nhiêu hoạt động văn hóa gắn với ông bà tổ tiên, gia đình, làng xã..., liệu có gộp lại được không?”, GS.TS Ngô Đức Thịnh băn khoăn.
"Quan trọng là con người hành xử sao với kỳ nghỉ của mình", GS Thịnh chia sẻ.
Cho rằng những ngày nghỉ dịp tết ta là không thể thay thế, nhưng TS Lý Tùng Hiếu cũng khẳng định rằng việc kéo dài lê thê kỳ nghỉ ra hơn một tuần, thậm chí hai tuần, 20 ngày là không nên.
“Trên thực tế chỉ cần khoảng 5 ngày là những nội dung quan trọng của cái tết như thăm mộ ông bà, cúng kiếng trong nhà, tụ họp anh em họ hàng, đi thăm bà con-làng xóm, gặp gỡ bạn bè, khai bút, khai ấn…. đã được bao hàm đầy đủ”, TS Lý Tùng Hiếu nói thêm.
Với nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh, thời gian nghỉ Tết chỉ cần hai ngày là đủ. Tuy nhiên, “nhiều người có nhiều nhu cầu khác thì dĩ nhiên thời gian nghỉ hợp lý, theo quan niệm của họ, cũng khác”.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nghỉ tết dài ngày cũng có những cái lợi về mặt kinh tế như kích thích tiêu dùng, chứ không phải là điều bất lợi cho kinh tế như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn nữa, với một kỳ nghỉ đủ để mọi người tái tạo sức lao động và phấn chấn về tinh thần thì làm việc cũng hiệu quả hơn. Nếu nghỉ quá ngắn, những nhu cầu tinh thần chưa được thỏa mãn thì khi làm việc sẽ có ức chế.
Tuy nhiên, GS.TS Ngô Đức Thịnh vẫn cho rằng yếu tố quyết định không phải là thời gian nghỉ.
“Việc nghỉ dài hay ngắn không quan trọng bằng việc mình sẽ tham gia những hoạt động ý nghĩa nào trong những ngày nghỉ đó và khi trở lại làm việc, tinh thần của mình ra sao. Nếu nghỉ dài ngày rồi mà quay lại làm việc vẫn uể oải, tâm lý chây ì, làm không ra làm, chơi không ra chơi thì nghỉ bao nhiêu cũng không đủ”, GS.TS Ngô Đức Thịnh kết luận.
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Chị Linh Nguyễn
>> Anh Trần Long
>> Anh Phạm Nam
>> TS Lý Tùng Hiếu
>> GS.TS Ngô Đức Thịnh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận