Theo đó, Huyền cho biết thi đỗ vào Trường đại học dân lập Hải Phòng từ năm 2011. Khi nhập học, nhà trường yêu cầu nộp toàn bộ hồ sơ gốc, trong đó có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Học hết năm 2, Huyền xin thôi học vì hoàn cảnh riêng. Nhưng khi lên phòng công tác sinh viên và phòng đào tạo rút hồ sơ, nhà trường yêu cầu Huyền phải đền bù chi phí đào tạo cho cả khóa học, tổng số tiền Huyền phải đền bù cho hai năm chưa học là 20 triệu đồng.
Ông Trần Hữu Nghị - hiệu trưởng Đại học dân lập Hải Phòng - cho biết đây là quy định của nhà trường về việc sinh viên thôi học giữa chừng. Theo ông Nghị, từ khi bắt đầu nhập học, giữa nhà trường và sinh viên đã ký đơn cam kết trong đó có yêu cầu nếu sinh viên thôi học giữa chừng thì sinh viên và gia đình phải chịu trách nhiệm đền bù kinh phí đào tạo. “Từ đầu năm học nhà trường thực hiện đào tạo theo chỉ tiêu của bộ.
Tuy nhiên trên thực tế có nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, chuyển trường làm cho danh sách lớp, công tác đào tạo bị xáo trộn. Trong khi đó nhà trường vẫn phải tiếp tục công tác giảng dạy các sinh viên còn lại với chi phí không thay đổi. Vì vậy giữa nhà trường và sinh viên đã có cam kết về vấn đề này khi nhập học.
Gia đình và sinh viên cũng được phổ biến kỹ trước khi nhập học nên khi sinh viên thôi học sẽ phải thực hiện yêu cầu của cam kết, đóng tiền bồi thường chi phí đào tạo” - ông Nghị nói.
Ông Nghị cho biết thêm quy định này của nhà trường là để sinh viên gắn bó với trường hơn. “Thường thì quy định chỉ áp dụng đối với những sinh viên bỏ học giữa chừng để nhảy sang trường khác. Đối với những sinh viên vì hoàn cảnh khó khăn, vì điều kiện bắt buộc phải nghỉ thì sau khi xác minh, nhà trường sẽ trả hồ sơ và không yêu cầu phải đền bù chi phí đào tạo” - ông Nghị nói. Trước thắc mắc quy định này có đúng với quy định đào tạo của Bộ Giáo dục - đào tạo không, ông Nghị không trả lời.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận