13/07/2012 03:40 GMT+7

Nghèo đói phải chấm dứt

HỮU CÔNG
HỮU CÔNG

TT - Ngôi trường tiểu học Hiệp Mỹ Tây A ở ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) giờ đây đã khang trang hơn so với nhiều năm trước.

Cô hiệu trưởng Trần Thị Cẩm Nhung bảo: “Thầy trò trường này mang ơn ActionAid nhiều lắm!”.

W5LKfCcf.jpgPhóng to

Chị Thạch Thị Chính chia sẻ với các đại biểu hội đồng quản trị ActionAid về hành trình vươn lên của mình - Ảnh: HỮU CÔNG

ActionAid (một tổ chức phi chính phủ ra đời tại Anh, hiện đặt trụ sở tại Nam Phi) đã có chương trình hỗ trợ giảm nghèo tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh được triển khai từ năm 2002 ở bốn xã Mỹ Hòa, Thuận Hòa, Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây với các hoạt động chính: xóa mù chữ và phát triển cộng đồng; xây dựng mô hình sinh kế cho người nghèo (đặc biệt là người nghèo ít đất và không đất), các hoạt động bình đẳng giới, phòng chống HIV/AIDS, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái...

Trong mười năm qua, địa phương này được hỗ trợ từ ActionAid và các nhà tài trợ khác với số tiền gần 30 tỉ đồng. Tổng số người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình trong ba năm gần đây là trên 25.000 người.

Cô Nhung nhớ lại khi trường chưa xây được nhà vệ sinh, học sinh có nhu cầu tiểu tiện đều đi ra phía sau lớp. “Đó là nỗi đau đầu của nhà trường. Nhiều lúc thấy mình bất lực khi giáo dục cho các em ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh mà lại không thể đi đến cùng sự giáo dục này” - cô Nhung tâm sự. Khi công trình nhà vệ sinh được hoàn thành với hai phân khu nam, nữ, nhà trường như thở phào nhẹ nhõm.

Các công trình khác như lót bêtông sân trường, công trình nước sạch... cũng được hỗ trợ. Cô hiệu trưởng còn cho biết dự án tăng cường kỹ năng sống cho học sinh ở đây đã mang lại những kết quả tích cực. Nhiều học sinh nhút nhát đã trở nên dạn dĩ, tự tin hơn trong hoạt động hằng ngày.

Về ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông, hỏi chị Chính “chủ nhiệm” thì ai cũng biết. Người phụ nữ Khmer ấy ngày nào còn nhút nhát và lơ ngơ với chữ nghĩa thì giờ đã là lãnh đạo của CLB phát triển cộng đồng.

Năm 2009, chị Chính đến với lớp học xóa mù chữ của ActionAid. Với ít chữ nghĩa còn nhớ được, chị trở thành động lực đến lớp của các chị em. Kết thúc khóa học sau một năm, chị trở thành “cô giáo” (hướng dẫn viên) của lớp. Khi lớp học chuyển sang mô hình CLB phát triển cộng đồng, chị được tín nhiệm giao làm chủ nhiệm.

Ngồi kể lại chuyện đời mình, người phụ nữ nhỏ bé ấy đôi lúc nghẹn giọng bởi những ấm ức từ sâu kín, vì quan niệm phụ nữ chỉ nên an phận. Những ngày đầu tiên làm chủ nhiệm CLB, chồng chị hay cằn nhằn, còn anh em trong gia đình không ai ủng hộ. Cũng vì chưa biết sắp xếp công việc nên kinh tế gia đình chị giảm sút. Nhưng rồi tự nhủ mình là động lực của chị em ở xứ này, chị không cho phép mình bỏ cuộc. Chị bù đắp thời gian vắng nhà bằng cách quán xuyến việc nhà thật chu toàn trước khi làm việc ở CLB.

Chị luôn tâm niệm: “Thiệt thòi trong nhà một ít nhưng bên ngoài chị em được vui nhiều hơn thì thiệt thòi đó không đáng kể. Nghèo đói cũng đến lúc chấm dứt chứ không thể cứ mãi như thế này được!”.

CLB phát triển cộng đồng đã trở thành ngôi nhà chung của các chị em tìm đến, cùng chung sức đưa ra hướng giải quyết khi bất kỳ cá nhân nào gặp vấn đề trong cuộc sống. Mỗi buổi họp mặt, các bà, các chị dành dụm, chắt chiu khi là 50.000 đồng, có lúc được 100.000 đồng để góp vốn cho CLB. Số vốn này sau khi được huy động sẽ cho từng cá nhân mượn xoay vòng để đầu tư làm ăn.

“Nhiều năm trời tích cóp, số tiền đã được hơn 100 triệu đồng” - chị Lan, phó chủ nhiệm CLB phát triển cộng đồng của ấp Mỹ Cẩm B, xã Mỹ Hòa, cho biết.

HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên