Kỳ 1: Tôi học cách ước mơ
Phóng to |
Anh Phạm Hải Bình và chị Ngô Thị Thu Hà tại “Mái Ấm” - ngôi nhà từ thiện do họ sáng lập - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Thu Hà hẹn tôi ở cà phê nhÀẤm, nơi kết nối những tấm lòng luôn hướng về cộng đồng.
Cởi mở, giản dị và khá chân thành khi nói về mình nhưng lại rất say sưa, hào hứng với công việc mình lựa chọn là ấn tượng của tôi về Hải Bình và Thu Hà. Một người học ngành tâm lý, một người học kinh tế, thứ “nam châm” hút họ lại với nhau là sự đồng điệu trong suy nghĩ về giá trị sống.
Chọn lối đi cho mình giữa ngã ba sông
Ngô Thị Thu Hà nay đã là phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW). Công việc của chị luôn gắn liền với người dân nghèo và những nhóm thiệt thòi. Thu Hà kể: “Khi ra trường, tôi đã nghĩ chỉ tạm thời làm việc tại trung tâm này để chờ xin một việc khác tốt hơn, đúng với suy nghĩ của tôi và nhiều người khi đó. Sau này tôi hiểu mình đã may mắn khi bắt đầu hành trình mới ở một môi trường mà mình có thể thẳng thắn nói ra suy nghĩ, được lắng nghe, tôn trọng, ý tưởng về công việc của tôi được chấp nhận. Với một người trẻ, bấy nhiêu “ưu điểm” đã đủ níu chân tôi ở lại.
Rồi tôi được đi, được gặp gỡ, được thấy nhiều cảnh đời. Lần đầu tiên đứng giữa ngã ba sông, nơi “con sông Hồng chảy về đất Việt”, cảm xúc dâng lên trong lòng tôi. Bài hát mà tôi nghe mãi nhưng tới lúc ấy tôi mới đến được. Có hai điều tôi ngộ ra là đất nước đang còn quá nhiều cảnh đời nghèo khó nhưng những nơi tôi qua cũng thật đẹp, nó lôi cuốn tôi. Tôi không có lý do gì để không yêu một công việc mà ở đó tôi được khám phá những điều mới mẻ, được trải nghiệm và được giúp đỡ người khác”.
Nếu không tìm hiểu kỹ về công việc và những thành quả mà Thu Hà đã làm thì sẽ khó tin và cho rằng câu chuyện của chị chỉ là suy nghĩ mơ mộng nhất thời. Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, Thu Hà giải thích: “Tôi quyết định gắn bó với công việc này. Dù biết rằng từ lúc quyết định gắn bó lâu dài với công việc này, tôi sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là phải học những gì mà ở trường đại học tôi chưa được dạy. Khi đó tôi cũng chưa biết rằng trong tương lai công việc này có cho tôi một cuộc sống ổn định về vật chất không, nhưng tôi đã chọn vì tôi bắt đầu say mê nó”.
Kỹ năng mềm là thứ mà lớp trẻ vào đời giữa thập niên 1990 chưa được tiếp cận nhiều, trong khi công việc mới mẻ lại rất cần những kỹ năng như thế. Thu Hà tham gia tất cả khóa học mà chị thấy cần và có cơ hội để học. Trong những năm tháng đó, Hà đã chỉ học và đọc, học và đi, vừa học vừa làm.
“Tôi phải học cả những điều tưởng như rất nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng. Đó là cách bắt tay. Bắt tay thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng, cả với người đứng cao hơn mình về vị thế xã hội và những người nghèo khó, yếu đuối. Hay thái độ không kỳ thị và phân biệt đối xử. Bình thường chúng ta có thể sẽ nói với nhau “chỉ cần không kỳ thị, phân biệt đối xử là được” nhưng không phải thế, tất cả đều phải học. Học để khi tiếp xúc với những người được xem là thiệt thòi và yếu thế trong xã hội, họ cảm nhận được sự chân thành, họ có thể tin tưởng và chia sẻ. Hơn hết, để những bài học của mình mang lại thành quả, để có thể tiếp tục đi trên con đường không mấy dễ dàng đó, tôi phải học cách để yêu thương, để cảm thông”- Thu Hà chia sẻ.
Thu Hà hiện cũng là giảng viên tận tụy của nhiều khóa huấn luyện, hỗ trợ cán bộ, trí thức trẻ trong lĩnh vực hoạt động xã hội. Cách thuyết phục của Thu Hà không phải là cách nói khéo léo mà là trải nghiệm thật, những bài học đúc rút ra từ việc đi thật, làm thật của chị.
Để gây quỹ cho nhÀẤm, Thu Hà tự mình đi bán hàng trên đường phố Hà Nội. Để lấy được số liệu tin cậy nhất cho đề xuất giải pháp pháp lý cho đời sống người nghèo, chị sẵn sàng đi tới những nơi xa xôi nhất, thậm chí đi bộ xuyên rừng. “Tôi không ngại đi, cũng không bao giờ kêu mệt. Bởi tôi nghĩ tôi chỉ đến một vài lần, nhưng người dân thì phải sống ở đó cả đời. Tôi chỉ phải vượt khó trong chốc lát, nhưng họ phải vượt khó cả đời. Tôi cố gắng làm gì đó để giúp đỡ những cảnh đời cần giúp đỡ, còn họ, những người dân nghèo khó cho tôi sức mạnh. Sự đổi thay của những nơi tôi đến mang lại cho tôi niềm vui thật sự”- Hà tâm sự.
Phóng to |
Anh Phạm Hải Bình trò chuyện với một thanh niên ở bản - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Đặt chân đến 1.000 xã nghèo
Còn Phạm Hải Bình tốt nghiệp khoa tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chia sẻ về việc chọn ngành học của mình, Hải Bình giải thích: “Tôi giống như nhiều bạn trẻ khác lúc đó thôi, mơ hồ về ngành nghề mình chọn. Tôi không biết sau này mình sẽ làm gì, mình sẽ gắn bó với nơi nào. Cứ thi để đỗ vào đại học, đúng với mơ ước của cha mẹ tôi đã, rồi sau sẽ tính. Tóm lại, tôi không có hoạch định nào trước để đam mê cái này theo đuổi cái kia”. Hải Bình cũng “nhảy việc” như nhiều bạn trẻ khác vì chưa có hướng cho công việc phù hợp, rồi anh dừng chân ở công việc hỗ trợ cộng đồng, một việc hiếm bạn trẻ cùng thời yêu thích.
Bình nói về công việc của mình: “Tôi nghĩ nhu cầu giúp đỡ người khác là lẽ tự nhiên có trong mỗi con người. Bởi thế khi chọn một nghề, nghề đó không chỉ nuôi sống mình mà còn có thể thỏa mãn nhu cầu giúp người khác thì đó là công việc thú vị. Hơn nữa tôi là người yêu văn hóa truyền thống, thích khám phá cái mới. Công việc này cho tôi cơ hội được đi, được va chạm, được khám phá. Nhiều người có thể nghĩ ở nơi kinh tế xã hội phát triển mới có những điều hấp dẫn, nhưng tôi nghĩ ở nơi xa xôi, khó khăn cũng có những vẻ đẹp, những giá trị để mình chiêm nghiệm, học hỏi. Tất cả những trải nghiệm đó là giá trị cộng thêm vào sự thú vị của công việc mà tôi đã lựa chọn và nghĩ sẽ còn gắn bó lâu dài”.
15 năm làm công việc này, Hải Bình ước tính anh đã đặt chân tới gần 1.000 xã nghèo trên cả nước. Công việc của anh không chỉ hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp bằng những việc làm cụ thể mà chủ yếu là khảo sát, nghiên cứu để có căn cứ thực tiễn đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ. Dù vậy, nếu không có kỹ năng và kinh nghiệm thì việc tiếp cận người dân sẽ rất khó khăn.
Bình cho tôi xem những tấm ảnh chụp nơi anh đi qua...Ngồi trong căn phòng sạch sẽ, thơm mùi cà phê của nhÀẤm, có thể chúng tôi không thể cảm nhận hết những khó khăn mà Bình, Hà trải qua. Nhưng chúng tôi lại đọc được nhiệt huyết của họ trên khuôn mặt trong những bức ảnh, khi đang đi thăm ruộng với dân, khi nói chuyện bên bếp lửa của người dân ở Tây nguyên, hay cảnh cuốc bộ trên con đường gồ ghề của miền Trung nắng gió...
Trầm ngâm, Bình kể: “Chẳng có gì cao siêu, chỉ cần mình thật lòng muốn giúp đỡ và tôn trọng đồng bào. Để được điều đó, chúng tôi phải tìm hiểu văn hóa, tập quán, cùng ăn, cùng ngủ, lắng nghe họ...Chặng đường khó khăn đó củng cố niềm tin của tôi vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình”.
“Tôi đã từng nghĩ mình sẽ học giỏi để trở thành một giám đốc doanh nghiệp, cuộc sống của tôi sẽ đóng đinh ở đô thị, nếu tôi giỏi kinh doanh, tôi có thể giàu... Nhưng rồi dường như số phận lại trao cho tôi một ngã rẽ khác...Tôi không phải là giám đốc doanh nghiệp, không có những thứ như mình từng nghĩ, nhưng tôi nghĩ mình đã rất may mắn. Công việc đã cho tôi niềm say mê, cho tôi những giá trị mà trước đây tôi chưa từng nghĩ tới và tôi cảm thấy hạnh phúc...”. |
___________
Kỳ tới: Sapa O’Châu của Tẩn Thị Su
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận