Phóng to |
Trần Đăng Khoa và các bạn trẻ trong một khóa học - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Và một lời khuyên quen thuộc của thế hệ đi trước là “hãy chọn theo sở thích và đam mê của mình”. Nhưng làm sao để nhận ra đam mê của mình và liệu mình có dũng cảm theo đuổi hay không? Những câu chuyện trong hồ sơ này sẽ phần nào giúp các bạn trẻ suy ngẫm trước mùa thi đại học.
Cái tên diễn giả Trần Đăng Khoa đã gắn liền với Sống và khát vọng, tên một quyển sách và cũng là tên chương trình dạy kỹ năng sống với phương châm “do người Việt, vì người Việt” được đánh giá khá thành công hiện nay. Và một buổi chiều cuối tháng 3 tại Hà Nội, ngồi nhìn lại chặng đường đã qua, Trần Đăng Khoa chia sẻ anh đã phải học cách để ước mơ.
Bài học cuộc đời mình
“Nhiều bạn nghĩ rằng đi tìm đam mê là ngồi quán cà phê suy nghĩ xem đam mê của mình là gì. Không phải ai cũng may mắn xác định được điều đó một cách dễ dàng. Để biết đam mê của mình ở đâu phải đứng lên mà đi, phải tìm kiếm, có khi cả quãng đường dài, với nhiều sự lựa chọn, trong đó không phải lựa chọn nào cũng đúng, phải trải nghiệm cả những thất bại khác nhau, những hệ quả không mong đợi” - Trần Đăng Khoa tâm sự. |
Trần Đăng Khoa kể cuộc đời báo trước cho anh một hành trình không hề phẳng lặng khi vừa mới vài tháng tuổi, anh mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo. Bác sĩ trả lời thẳng thừng anh “không có cơ hội sống sót”. Nhưng điều kỳ diệu đã đến, anh sống sót nhờ tình yêu thương, nhẫn nại của mẹ, ngay cả khi giấy báo tử đã được người ta viết sẵn.
Rồi từ một cậu bé “đội sổ” trong lớp bồi dưỡng toán, Khoa trở thành học sinh giỏi toán nhất quận. Lên đến bậc trung học, Khoa tiếp tục gây bất ngờ cho thầy cô khi đậu thủ khoa vào một trường chuyên toán. Nhưng sau đó anh lại trượt dài khi sa đà, đàn đúm cùng bạn bè hư hỏng. Thức tỉnh khi thấy thành tích học tập thật tệ hại, Khoa hạ quyết tâm “chiến đấu với mình”. Rồi anh cũng vào được ĐH, chọn ngành công nghệ thông tin dù thích ngành kinh doanh. “Tôi chọn công nghệ thông tin vì nghĩ đó là nghề dễ kiếm việc làm. Đó là một lựa chọn mà tôi thấy hối tiếc vì đã không tin vào ước mơ của mình” - Khoa nhớ lại.
Dù chọn ngành học trái với ước mơ, Khoa lại có cơ may trúng tuyển và được nhận học bổng vào học ở Trường ĐH Quốc gia Singapore khi anh đang học năm thứ nhất Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM. Những năm học ở Singapore, Khoa bắt đầu học cách thay đổi nhận thức của mình...
Anh kể: “Tôi lờ mờ nhận ra điểm số và giá trị bằng cấp trong trường học dù quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất. Tôi bắt đầu tham dự các lớp kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy... Tôi tìm đọc đủ các loại sách về nguyên tắc thành công, tâm lý, kinh doanh, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo... Cả cách thiết kế website, đồ họa. Tôi thích gọi việc tự học là “đầu tư vào bản thân”. Và tôi hiểu rằng dù có tấm bằng đại học trong tay nhưng nó sẽ chẳng hữu ích nếu mớ kiến thức mình học không giúp mình phát huy tiềm năng, tạo được giá trị trong cuộc sống. Tấm bằng đại học chỉ là khởi đầu, khao khát không ngừng mới là chìa khóa mang tới cho mình thành công”.
Tìm thấy đam mê
Trần Đăng Khoa chia sẻ cảm xúc của mình khi anh tìm ra điều anh thật sự say mê. Đó là khi Khoa cầm trên tay quyển sách đầu tiên anh dịch - Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! (“I am gifted, so are you!”).
Trước đó, Khoa đã trải qua một chặng đường tìm kiếm, thử nghiệm, thất bại rồi đối diện với những bế tắc, khủng hoảng nhất. Từng lang thang làm thuê ở các công ty tại Singapore với những công việc lập trình, bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng. Từng có lúc Khoa nhận được mức lương tương đương 80 triệu đồng/tháng trong vị trí kỹ sư phần mềm, từng làm việc trong một tập đoàn về công nghệ khổng lồ với hàng trăm ngàn nhân viên... Từ đi làm thuê, anh trở thành giám đốc cho công ty của chính mình, để rồi lại loay hoay quay về điểm xuất phát.
Cuộc gặp gỡ với chuyên gia ngân hàng Võ Tá Hân đã đưa Trần Đăng Khoa sang một ngã rẽ khác. Anh hiểu được lý do mình bế tắc, thất bại. Anh muốn mang những gì mình biết về quê hương, muốn truyền đam mê của mình cho những bạn trẻ VN. Quyết định từ bỏ tất cả những gì anh đã xây dựng ở Singapore để về VN ra đời trong bối cảnh đó. “Tôi quyết định như vậy vì tôi muốn đi theo lời mách bảo của trái tim” - Khoa nói.
“Đi theo lời mách báo của trái tim”, nói thì dễ làm thì rất khó, nhưng Trần Đăng Khoa cũng đã thành công trong việc thuyết phục Adam Khoo để mua bản quyền, dịch ra tiếng Việt, cải biên gần 30% nội dung quyển sách Tôi tài giỏi, bạn cũng thế! để phù hợp với người Việt. Không dừng lại ở đó, khóa học “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế!” mà Khoa mang về VN cũng được cải biên thêm khoảng 80% để thật sự gần gũi và hữu ích với giới trẻ Việt.
Để quyển sách và khóa học mang giá trị đến cho mọi người, Trần Đăng Khoa vô tình trở thành một diễn giả lúc nào không biết, dù khi ở xuất phát điểm Khoa không hề có năng khiếu bẩm sinh về nói chuyện trước đám đông.
Sống và khát vọng
Vẫn con người ấy và khao khát ấy, sau những năm tháng được rèn giũa trong môi trường kinh doanh đầy thách thức ở Việt Nam, giữa năm 2013 Trần Đăng Khoa xuất bản quyển sách đầu tay Sống và khát vọng, đây cũng là tên gọi cho khóa học mới của TGM, một phiên bản trưởng thành hơn của “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!”.
Nếu như “Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế!” nhắm vào đối tượng thiếu niên, vị thành niên thì khóa học “Sống và khát vọng” dành riêng cho những người trưởng thành, đặc biệt là những người ở độ tuổi 20-40. Lý do Trần Đăng Khoa quan tâm tới lứa tuổi này vì hạnh phúc và thành công của họ hôm nay là cơ hội bứt phá của đất nước trong tương lai gần.
Mỗi học viên đều có một lý do khác nhau, một câu chuyện khác nhau khi đến với khóa học “Sống và khát vọng”, nhưng họ có điểm chung là đang cần tìm câu trả lời cho những rắc rối, bế tắc, trăn trở trên con đường đi tìm hạnh phúc và thành công của riêng mình.
Đằng sau mỗi học viên là những câu chuyện có thật: đơn giản bình thường có, bi kịch có, hạnh phúc có, đấu tranh có, tuyệt vọng có... Có người thấy mình cứ mãi luẩn quẩn với cơm áo gạo tiền. Có người không thấy được đam mê trong công việc. Có người lâm vào cảnh vợ chồng, con cái ly tán. Có người lại vì bố mẹ tin dị đoan nên từ nhỏ đến lớn bị bỏ rơi sống ở chùa này qua chùa khác. Có người 14 tuổi vẫn chưa đọc được chữ, nhưng rốt cuộc vẫn tốt nghiệp đại học và trở thành doanh nhân... Những người đó đều đang cố gắng vươn lên bằng nghị lực của mình nhưng họ đến với khóa học vì vẫn còn khát khao. Rất nhiều người đã nhận ra được đâu là giá trị mình cần theo đuổi, đâu là hạnh phúc mình cần gìn giữ, đâu là thành công mình cần hướng tới.
Khoa giúp mọi người có được thời gian nhìn lại bản thân để xác định xem mình muốn cuộc đời mình như thế nào. Bởi vậy khi học xong khóa học, có người quyết tâm hơn với công việc hiện tại, có người bỏ việc mở công ty riêng, cũng có người tạm ngừng đầu tư cho công việc để chăm sóc gia đình. Mỗi người có một lựa chọn khác nhau, nhưng tất cả đều lựa chọn hạnh phúc và thành công hơn theo cách của riêng mình.
__________________
Kỳ tới: Nghe tiếng tim rung giữa cảnh đời nghèo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận