22/07/2016 20:03 GMT+7

Nghệ thuật rối nước dân gian đang bị làm hỏng

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - Các nhà nghiên cứu, quản lý, nghệ sĩ đều bày tỏ niềm xót xa khi “khối ngọc quý” nghệ thuật rối nước dân gian Việt Nam đã và đang bị “chế tác” méo mó, vụng về thậm chí …hỏng trước nhu cầu thương mại hóa.

Biểu diễn trò rối dân gian tại Bảo tàng dân tộc học - Ảnh: Đức Triết
Biểu diễn trò rối dân gian tại Bảo tàng dân tộc học - Ảnh: Đức Triết

Đấy là những trăn trở của các đại biểu khi đến dự hội thảo Bảo tồn và phát triển nghệ thuật rối nước trong thời kỳ hội nhập được Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 22-7 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Chuyện người đời nay 30 năm qua vẫn “ăn mày” vốn cổ của cha ông  thì vẫn là chuyện cũ của nghệ thuật rối nước được nhắc lại tại hội thảo lần này. 

Nhưng, vấn đề mới được đặt ra là sao mãi vẫn là 16-17 tích trò cổ do họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh giao xây dựng lại từ các tích trò cổ truyền của các phường hội dân gian xưa mà không được bổ sung thêm.

“Nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng đã sưu tầm được khoảng 250 trò rối cổ truyền. Lẽ nào ta lại quay lưng hoặc không khai thác tử tế những trò rối cổ truyền ấy để làm phong phú kịch mục trò diễn?”- PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đặt câu hỏi.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng khi đã “ăn mày” thì phải giữ cho được nghệ thuật rối nước dân gian đúng theo “khuôn vàng, thước ngọc” của cha ông, như phải cố giữ lấy “cái lề văn hóa văn minh lúa nước cổ truyền” (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái); giữ lấy “cốt hồn dân tộc và đem lại cho mỗi người niềm tin ngây thơ” (NSƯT Lê Chức)… 

Thế nhưng, theo bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, thực tế bao năm qua, nghệ thuật rối nước dân gian đang bị thương mại hóa, phát triển tùy tiện theo khả năng nhận thức và tài chính của mỗi đơn vị nên mờ dần bản sắc.

Họa sĩ, đạo diễn Ngô Quỳnh Giao thì đau đáu: “Sự phát triển rối nước đang rơi vào hội chứng “người người nhà nhà làm rối nước”. Các cơ sở ấy như người làm vườn, họ chỉ tìm cách làm ra một dụng cụ để hái quả, chọc quả nhanh nhất, thu hoạch nhiều nhất mà không hề nghĩ đến chăm sóc, bón tưới để có quả ngon ngọt, có nhiều giống cây mới cho trái quý hơn”.

Tại hội thảo, PGS. TS Trần Trí Trắc đưa ra tham luận về một mô hình Liên Nhà hát Múa rối nước Việt Nam gồm nhà hát bảo tàng, nhà hát cách tân và nhà hát thử nghiệm dưới hình thức xã hội hóa.

Mô hình này được xem là một mô hình lý tưởng cho việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật rối nước dân gian Việt Nam trong tương lai bên cạnh những giải pháp như chuyên nghiệp hóa các phường rối, đào tạo nghệ sĩ, khán giả…của nhiều ý kiến khác đã được nhắc đến trong nhiều hội thảo trước.

Diễn rối nước...chẳng giống ai!

Nhiều ý kiến còn dẫn chứng những câu chuyện “chế tác” nghệ thuật rối nước…chẳng giống ai. Như, NSƯT Lê Chức kể rằng ông đã “sợ quá” khi thấy chuyện về phòng chống ma túy, xe mô tô công an chạy loằng ngoằng trên mặt nước khi đến xem một phường rối biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học.

Hoặc PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái thì gọi cái cách cho người thật biểu diễn chung với con rối ngay trên sân khấu mặt nước ở một liên hoan sân khấu được tổ chức ở phía Nam là “điều oái oăm”.

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên