Triển lãm được nhóm Hiếu Văn Ngư tạm dịch là "Những danh tính khác: Mặt nạ ở Đông Nam Á và Hàn Quốc", do ICHCAP-UNESCO (Trung tâm Mạng lưới và Thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể/khu vực châu Á - Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO) và Korea Foundation ASEAN Culture House (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á tại Hàn Quốc ACH) đồng tổ chức.
Hơn 200 chiếc mặt nạ, phục trang mang đặc trưng của 10 quốc gia Đông Nam Á và Hàn Quốc được trưng bày, thể hiện những đặc sắc trong văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng và các hình thức giải trí dân gian.
Tại đây, nghệ thuật hát bội được giới thiệu thông qua bài viết, hình ảnh và video do nhóm Hiếu Văn Ngư sản xuất, từ năm 2021, nằm trong dự án "Hát bội 101".
Các bài viết, hình ảnh, phim ngắn được các nghệ sĩ từ Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM và Hiếu Văn Ngư trực tiếp nghiên cứu, lưu trữ, sưu tầm và thực hiện một cách bài bản, nhằm cung cấp cho khán giả những kiến thức cơ bản để có thể tiếp cận, thưởng thức và thử trải nghiệm với một trong những loại hình nghệ thuật cổ nhất tại Việt Nam, phản ánh đời sống, tâm tư và những khát vọng nhân văn của người Việt.
Những tác phẩm bằng ảnh chụp lại các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM với những vai diễn và vở tuồng kinh điển.
Mỗi kiểu nhân vật gồm kép, lão, đào, mụ, phản diện... đều được khắc họa nổi bật qua các vẽ mặt, trang phục, biểu cảm và kỹ thuật diễn xuất.
Bên cạnh đó, nhân vật còn được trưng bày qua nghệ thuật tò he do ban tổ chức thực hiện.
Mỗi nhân vật đều được tạo hình theo nguyên mẫu một cách tỉ mỉ từ tư thế, hoa văn, màu sắc trên trang phục, đạo cụ, nét mặt và biểu cảm.
Tò he được tạo hình ra kép nam vai Lữ Bố, kép đỏ Đổng Kim Lân, kép tròng xéo đỏ Phàn Diệm, kép xanh Khương Linh Tá, tướng Quan Vũ, ông lão khoan thai Vương Doãn, ông lão nóng nảy, chính nghĩa Phàn Đình Công, đào văn Tạ Nguyệt Kiểu, Phàn Phụng Cơ, đào võ Chung Vô Diệm, mụ văn Đổng Mẫu, nhân vật phản diện Đổng Trác, tướng phản diện Tạ Ôn Đình, Tạ Lôi Nhược, yêu đạo Dư Hồng…
ICHCAP còn đặc biệt thực hiện ra một mô hình sân khấu nguyên mẫu thu nhỏ, tái hiện sự rực rỡ của Đoàn Nghệ thuật hát bội - tuồng cổ Ngọc Khanh, tạo ra một không gian sinh động, thu hút người xem triển lãm.
Xúc động khi thấy triển lãm hát bội - văn hóa cổ quê hương
Đại diện Hiếu Văn Ngư, bạn Lục Phạm Quỳnh Nhi chia sẻ trên kênh thông tin chính thức: "Cả nhóm thực sự bất ngờ và ấm lòng trước sự trân trọng của người Hàn Quốc đối với hát bội Việt Nam, đặc biệt cảm động khi nhìn thấy chữ "đào", "kép" và tên nhân vật bằng tiếng Việt trong bản dịch tiếng Hàn, tiếng Anh".
Quỳnh Nhi cũng cho biết mong muốn lớn nhất của nhóm Hiếu Văn Ngư là giúp cho càng nhiều người biết về hát bội càng tốt, bất kể tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp.
Thông qua kênh thông tin, các lớp học, tọa đàm, khán giả sẽ có thêm nhiều kiến thức, biết cách phân biệt các kiểu nhân vật và thậm chí có thể thực hành diễn hát bội, kể cả với người nước ngoài.
"Hiếu Văn Ngư đã tạo ra một không gian riêng cho hát bội và khiến môn nghệ thuật này đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là người trẻ, một cách tự nhiên, gần gũi và hợp thời.
Cách làm của họ rất hay khi tạo ra các lớp học trong dự án Hát bội 101. Không chỉ hiểu về hát bội, mà ai ai cũng có thể mạnh dạn thử nhập vai một lần. Đây là một trải nghiệm thú vị", Lê Văn Việt (29 tuổi, TP.HCM), một khán giả đã theo dõi nhiều dự án của nhóm Hiếu Văn Ngư, chia sẻ.
Chị Như Thảo (43 tuổi), một người Việt đang sống tại thành phố biển Busan, cho biết: "Tôi đưa các con đến xem triển lãm và tình cờ thấy được một góc trịnh trọng của hát bội được trưng bày rất sống động.
Tôi vô cùng bất ngờ và xúc động khi bắt gặp một nét văn hóa cổ của quê hương tại một đất nước xa xôi làm bạn bè khắp nơi phải hiếu kỳ, nhìn ngắm.
Mỗi bức ảnh, mỗi nhân vật tò he đều như có hồn, có chiều sâu. Sau hôm nay, tôi sẽ tìm hiểu nhiều hơn về bộ môn nghệ thuật thú vị này".
Triển lãm "Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea" sẽ được tiếp tục tại thành phố Andong và Seoul từ tháng 9-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận