28/03/2006 06:01 GMT+7

Nghe, thấy & viết: "Cánh hẩu" trong công tác nhân sự

H.KH.
H.KH.

TT - Tại sao một nhân vật như ông Nguyễn Việt Tiến (N.V.T.) từng có nhiều vụ việc liên quan đến chuyện ẩu đả kiểu côn đồ, đến những vụ tiêu cực từng xảy ra ở PMU 18 khi ông N.V.T. còn làm TGĐ cơ quan này nhưng vẫn được tín nhiệm làm bí thư đảng ủy, được đề bạt làm thứ trưởng, một chức vụ cấp cao do trung ương quản lý?

Rõ ràng không thể giải thích điều này khác hơn là tình trạng “cánh hẩu” trong tuyển chọn và đề bạt cán bộ. Lãnh đạo cấp trên của họ chỉ nhận được những thông tin sai lệch với thực tế, lại thiếu kiểm tra, kiểm soát nên đã để cho chủ nghĩa quan liêu trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho những kẻ cơ hội thực dụng phát sinh và phát triển.

Bằng thủ đoạn nịnh bợ và lợi ích vật chất, họ lôi bè, kéo cánh, “đoàn kết chặt chẽ” với nhau, tâng bốc nhau, bảo vệ cho nhau. Họ đi “tìm bùa” để trấn an dư luận hoặc đi tìm “phao cứu hộ”.

Chúng ta thường nói phát huy dân chủ trong lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân tài, nhưng vấn đề còn bỏ ngỏ là các cơ quan chức năng và những cán bộ chủ chốt đã tiếp thu ý kiến của dân đến đâu.

Hiện tượng khá phổ biến của nhiều cơ quan hiện nay trong việc lựa chọn, bố trí đề bạt cán bộ là chưa thật sự lắng nghe ý kiến của quần chúng, hoặc có nghe cũng chỉ là hình thức, thực hiện “cho đúng thủ tục”.

Trong thuật ngữ khoa học quản lý, người ta thường nhắc đến từ êkip. Bản thân từ êkip luôn chứa đựng tính ưu tiên của lợi ích tập thể và lợi ích cộng đồng.

Nhưng trên thực tế, không ít nơi đã lạm dụng từ này để dung dưỡng “chủ nghĩa đỡ đầu” trong công tác, trong việc cất nhắc, đề bạt cán bộ, bất chấp các qui định về tiêu chuẩn, qui trình. Từ đó, nhằm tạo ra thứ êkip bọc lót cho nhau để nhằm thao túng, vụ lợi cho cá nhân...

Mặt khác, do không phân định trách nhiệm cá nhân rõ ràng đối với từng cương vị công tác nên dẫn đến tình trạng “hòa cả làng” mỗi khi làm sai nguyên tắc hay công việc không hoàn thành nhưng không ai chịu trách nhiệm.

Điều này xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở những nơi tổ chức cơ sở đảng nhiều năm đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”, nhưng thực chất khi kiểm tra thì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng và luật pháp nhà nước.

Để khắc phục tình trạng dân chủ hình thức và cánh hẩu trong công tác nhân sự, Hồ Chủ tịch căn dặn phải chống chủ nghĩa cá nhân và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 280).

H.KH.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên