Sáng nào, trên các nẻo đường chạy tập thể dục tại TP.HCM, cũng có rất nhiều bạn trẻ vừa chạy vừa đeo tai phone nghe nhạc.
Chị P.T.P., 19 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, sáng nào cũng ra công viên gần nhà đi bộ trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Trong khoảng thời gian tập thể dục, chị P. luôn đeo tai phone gồm hai nút nhỏ đưa vào tai. Ngoài ra, khi về nhà chị cũng thường đeo tai phone để nghe nhạc...
Có thể gây suy giảm thính lực từ từ
Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Thanh Thúy, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới, thiết bị âm thanh cá nhân là một thiết bị dùng để nghe âm thanh hoặc nội dung/tài liệu nghe nhìn, được thiết kế để người dùng có thể linh hoạt vừa nghe vừa đi bộ trong khi sử dụng, ví dụ như điện thoại thông minh và máy nghe nhạc MP3 thường được sử dụng với tai nghe.
Thời gian nghe và độ lớn của âm thanh khi nghe bằng thiết bị âm thanh cá nhân là một trong những yếu tố nguy cơ gây nghe kém.
Nghe kém do nghe âm thanh lớn trong thời gian dài có thể gây suy giảm thính lực từ từ, tích lũy và không có dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Đầu ra của thiết bị âm thanh cá nhân, trong đó có tai phone, có thể dao động từ 75 - 136 dB. Mức độ âm thanh đầu ra tối đa khác nhau tùy thuộc vào quy định và pháp luật ở các quốc gia.
Tại các hộp đêm, vũ trường, quán bar mức âm thanh trung bình có thể dao động từ 104 - 112 dB; mức độ tiếng ồn tại các buổi hòa nhạc có thể còn cao hơn. Mức độ tiếng ồn tại các địa điểm thể thao được khảo sát nằm trong khoảng 80 - 117 dB.
TS.BS Nguyễn Thanh Vinh, phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng, cho hay nếu âm thanh ồn vượt ngưỡng sẽ làm tổn thương hệ tế bào lông chuyển tại cơ quan Corti (là cơ quan thính giác thực thụ của con người).
Trong giai đoạn đầu, âm thanh ồn vượt ngưỡng sẽ làm tổn thương hệ tế bào lông chuyển trong cơ quan Corti, sau đó dẫn đến sự dày lên, xơ hóa toàn bộ cơ quan Corti.
Nguyên nhân này là do các tế bào chịu áp lực âm thanh mạnh lên trên bề mặt, các sợi lông chuyển chịu tác động thường xuyên và xơ hóa dẫn đến mất tác dụng dẫn truyền âm thanh về mặt cơ học cũng như thần kinh.
Tiếng ồn gây hại cho thính giác hay không phụ thuộc vào độ lớn (đơn vị đo bằng decibel) và độ dài thời gian tiếp xúc. Tế bào lông chuyển sẽ bị phá hủy nếu tiếp xúc tiếng ồn liên tục hoặc lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Khi tế bào lông chuyển bị phá hủy số lượng đủ nhiều thì thính giác sẽ mất đi.
Nghe tai phone cũng là một tác động của âm thanh trực tiếp vào trong tai. Những trường hợp nghe tai phone kéo dài, với cường độ lớn, âm thanh lớn có thể gây ra điếc do tiếng ồn...
Bác sĩ Thanh Thúy chỉ ra các dấu hiệu nhận biết nghe kém do tiếng ồn, âm thanh lớn là lời nói và các âm thanh dường như bị bóp méo, khó hiểu lời nói khi nghe điện thoại, khó nghe các phụ âm, khó nghe âm thanh tần số cao như tiếng chim, chuông cửa, điện thoại, đồng hồ báo thức...
Ngoài ra, người nghe kém còn gặp khó khăn trong các cuộc trò chuyện khi ở nơi ồn ào như nhà hàng. Những người này cũng thường yêu cầu người khác nói chậm hơn, rõ ràng hơn hay yêu cầu nói to hơn, lặp lại những gì họ nói.
Người có dấu hiệu nghe kém thường tăng âm lượng của ti vi hoặc đài phát thanh, có thể kèm theo tình trạng ù tai như nghe tiếng chuông, tiếng rít... Những người này cũng quá mẫn cảm với một số âm thanh nên gây khó chịu hoặc gây đau tai.
Có thể mất thính lực không thể phục hồi
"Nghe kém do âm thanh lớn có thể xảy ra ngay lập tức hoặc có thể mất nhiều thời gian mới phát hiện được.
Suy giảm thính lực có thể gây ra những ảnh hưởng đối với sức khỏe về mặt thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến học tập cũng như trong công việc", bác sĩ Thúy cho hay.
Bác sĩ Thúy khuyên những bệnh nhân có vấn đề về nghe cần phải nhanh chóng khám chuyên khoa tai mũi họng, thực hiện các nghiệm pháp thính học đánh giá sức nghe như đo nhĩ lượng đồ, phản xạ cơ bàn đạp, thính lực đồ, điện thính giác thân não...
Qua thăm khám, các bác sĩ sẽ xác định tình trạng tai, đánh giá sức nghe kịp thời giúp cho quá trình phục hồi chức năng nghe được tốt hơn.
Cần lưu ý rằng khi tiếp xúc với âm thanh lớn thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn dẫn đến mất thính lực không thể phục hồi.
Đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến vùng tần số cao dẫn đến tình trạng mất thính lực tiến triển, cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng hiểu lời nói và có tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của cá nhân.
Muốn bảo vệ sức nghe tốt hơn cần giảm âm lượng trên thiết bị âm thanh cá nhân, đeo nút tai khi đến các địa điểm ồn ào. Cần giới hạn thời gian tham gia các hoạt động có nhiều tiếng ồn bằng cách có thời gian nghỉ nghe ngắn, hạn chế sử dụng thiết bị âm thanh cá nhân hằng ngày.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, để nghe nhạc một cách an toàn, cần giữ âm lượng dưới 60% mức tối đa của thiết bị, sử dụng tai nghe vừa vặn và chống ồn.
Có thể sử dụng các ứng dụng trên app, Google Play giúp theo dõi và giới hạn âm lượng của âm thanh khi nghe, đồng thời cũng cần giảm thời gian nghe âm thanh lớn.
Ngoài ra, nên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo về tình trạng nghe kém và đi kiểm tra thính lực thường xuyên.
Cha mẹ, giáo viên và bác sĩ có thể giáo dục giới trẻ về cách nghe an toàn. Địa điểm giải trí cần tuân thủ quy định về mức độ tiếng ồn an toàn, cung cấp nút bịt tai và phòng "thư giãn" nghỉ nghe cho khách hàng...
Âm thanh quá lớn sẽ gây hại thính lực
Hằng ngày, mọi người đều phải nghe các âm thanh trong môi trường xung quanh như âm thanh từ ti vi, đài phát thanh, thiết bị gia dụng và giao thông. Thông thường, những âm thanh này ở mức an toàn và không gây tổn hại đến thính giác. Nhưng âm thanh có thể gây hại cho thính lực khi quá lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận